Thế là chỉ về ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Giới là một không gian, một nơi chốn có giới tuyến, có giới hạn. Vì không gian này, nơi chốn này có giới tuyến có giới hạn và phương hướng được phân biệt, cho nên còn được gọi là phương giới hay phương phân.
Thế giới này được thành tựu như thế nào? Thế giới có thành tựu, tất có hủy hoại. Giảng một cách tổng quát, thế giới biến chuyển theo: thành hai mươi tiểu kiếp, trụ hai mươi tiểu kiếp, hoại cũng hai mươi tiểu kiếp, không hai mươi tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp, bốn trung kiếp hợp lại là một đại kiếp. Mỗi một tiểu kiếp gồm có một ngàn kiếp hợp lại thành, gọi là một tiểu kiếp.
Thế thì một ngàn kiếp được tính như thế nào? Tức là một lần tăng, một lần giảm gọi là một kiếp. Từ lúc tuổi thọ loài người tám vạn bốn ngàn tuổi, cứ một trăm năm sau giảm một tuổi, chiều cao cơ thể cũng thấp xuống một thốn (23mm), cứ thế giảm đến khi tuổi thọ loài người chỉ còn mười tuổi thì tăng lên lại. Tăng lên cũng một trăm năm tăng một tuổi, thân cao thêm một thốn, tăng như thế đến tám vạn bốn ngàn tuổi. Một lần tăng một lần giảm như thế gọi là một kiếp. Trải qua một ngàn kiếp như thế gọi là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp gọi là một trung kiếp. Bốn trung kiếp hợp lại gọi là một đại kiếp. Thế giới thành tựu cần thời gian dài như thế.
Phẩm, là phẩm thứ tư trong kinh văn của bộ kinh này.
Lúc bấy giờ, đại Bồ-tát Phổ Hiền, nhờ thần lực của Phật, quán sát khắp: tất cả biển thế giới, tất cả biển chúng sanh, tất cả biển chư Phật, tất cả biển pháp giới, tất cả biển nghiệp của chúng sanh, tất cả biển căn dục của chúng sanh, tất cả biển pháp luân của chư Phật, tất cả biển ba đời, tất cả biển nguyện lực của Như Lai, tất cả biển thần biến của Như Lai.
Nhĩ thời, Phổ Hiền Bồ-tát Ma-ha-tát, dĩ Phật thần lực, biến quán sát: nhất thiết thế giới hải, nhất thiết chúng sinh hải, nhất thiết chư Phật hải, nhất thiết pháp giới hải, nhất thiết chúng sinh nghiệp hải, nhất thiết chúng sinh căn dục hải, nhất thiết chư Phật Pháp luân hải, nhất thiết tam thế hải, nhất thiết Như Lai nguyện lực hải, nhất thiết Như Lai thần biến hải.
Lúc bấy giờ: Tức là lúc bắt đầu nói Phẩm Thế Giới Thành Tựu này. Lúc ấy đại Bồ-tát Phổ Hiền, Ngài là vị Bồ-tát lớn trong hàng Bồ-tát. Nhờ thần lực của Phật: Bồ-tát Phổ Hiền dùng pháp giới làm thân, thành tựu công đức của chư Phật, thành tựu thần thông biến hóa của chư Phật, tất cả đều như chư Phật không hai không khác. Nhưng Ngài vẫn rất khiêm cung, Ngài nói tất cả đều là nương nhờ oai lực của Phật, cho nên nói là nhờ thần lực của Phật, nương thần lực của Phật, dựa đại oai thần lực của Phật, quán sát khắp:
Tất cả biển thế giới: Ngài quán sát, xem xét khắp tất cả biển thế giới. Thế giới này Thành tựu như thế nào? Trụ như thế nào? Hoại như thế nào? Và Khôngnhư thế nào? Tất cả các vấn đề, các đạo lý này, Ngài đều quán xét rõ ràng.
Tất cả biển chúng sanh: Thế giới này thành tựu như thế nào? Ngài đã thấu suốt. Vậy có thế giới để làm gì? Thế giới này là để chuẩn bị cho chúng sanh, chúng sanh thích sống trên thế giới này. Chúng sanh không phải một loại chúng sanh, mà là các loại chúng sanh. Chúng sanh nhiều đến độ không thể tính đếm hết được, cho nên gọi là biển chúng sanh. Những chúng sanh này mỗi mỗi đều có nhân duyên, đều có quả báo riêng biệt, cho nên ở trong biển chúng sanh này, cũng có rất nhiều đạo lý cần phải biết.
Tất cả biển chư Phật: Thế giới này đã có chúng sanh, và có những chúng sanh có trí tuệ, có trí tuệ thì muốn tu hành, muốn tu hành tất sẽ thành Phật. Cho nên tất cả chư Phật đều thành tựu từ chúng sanh.
Tất cả biển pháp giới: Thế giới này không phải chỉ có một, mà có mười phương thế giới, lại có mười phương pháp giới, pháp giới biến khắp hư không, cho nên gọi là tất cả biển pháp giới. Bồ-tát Phổ Hiền đã quán sát khắp tất cả biển pháp giới này; Ngài quán sát khắp tất cả biển chư Phật, quán sát khắp tất cả biển chúng sanh.
Tất cả biển nghiệp của chúng sanh: Đã có thế giới, có chúng sanh, có chư Phật, lại sanh ra mười phương pháp giới. Cho nên, chúng sanh trong mười phương pháp giới càng nhiều hơn. Biển nghiệp của tất cả chúng sanh: Nghiệp là nghiệp đã tạo. Nghiệp đã tạo của mỗi chúng sanh không giống nhau. Nghiệp lực này có nghiệp thiện và nghiệp ác. Nghiệp thiện thì hướng lên trên; nghiệp ác thì đọa lạc xuống dưới.
Quý vị tạo nghiệp thiện, tu năm giới, mười điều thiện, thì được sanh lên cõi trời. Mười điều thiện là không phạm ba nghiệp ác của thân: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; dứt bốn nghiệp ác của miệng: không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói hung ác; đoạn ba nghiệp ác của ý: không tham, không sân, không si; ba nghiệp ác đã dứt, thì biến thành ba nghiệp thiện. Ý trở thành ba nghiệp thiện, thân trở thành ba nghiệp thiện, miệng trở thành bốn nghiệp thiện, cộng lại thành mười điều thiện. Tu mười điều thiện được sanh lên trời; tạo mười điều ác bị đọa xuống địa ngục.
Mười điều ác là đối lập với mười điều thiện; bên này là mười điều thiện, lật qua bên kia là mười điều ác. Cũng may là nghiệp chúng sanh đã tạo, không có hình tướng; nếu như có hình tướng, thì hư không này đã đầy chật cả rồi. Thậm chí có thể khiến cho hư không căng phồng và nổ tung, không còn hư không nữa. Vì nó không có hình tướng, cho nên không cần thiết chuẩn bị một nơi để chứa nó. Nghiệp của chúng sanh vô lượng vô biên, cho nên gọi là biển.
Tất cả biển căn dục của chúng sanh: Căn là căn tánh, căn tánh của chúng sanh rất nhiều, có người thiện căn sâu, có người ác căn dày. Người thiện căn sâu thì mong cầu được học tập Phật pháp, hiếu thuận cha mẹ, cung kính sư trưởng, Tam Bảo; người ác căn dày thì bất hiếu với cha mẹ, không cung kính sư trưởng, Tam Bảo. Dục là chỉ cho năm thứ con người ham muốn: tài sản, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ. Thứ nhất mong muốn được giàu có; thứ hai mong muốn có sắc đẹp; thứ ba mong muốn được nổi tiếng; thứ tư mong muốn được ăn ngon; thứ năm mong muốn được ngủ nghỉ: Năm món ham muốn này là năm nguồn gốc đưa đến địa ngục. Như vậy, căn và dục là những thứ chướng ngại cho chúng sanh. Nếu quý vị chuyển nó thành thiện căn, thì sẽ có ích cho đường tu. Vì căn tánh không giống nhau, nên gọi là biển căn dục.
Tất cả biển pháp luân của chư Phật: Chúng sanh có bao nhiêu căn dục, có bao nhiêu lỗi lầm, thì chư Phật có bấy nhiêu pháp môn để áp dụng giáo hóa chúng sanh, chuyển đại pháp luân, diễn nói tám vạn bốn ngàn pháp môn.
Tất cả biển ba đời: Biển thế giới trước đây đã trình bày, chỉ nói về thế giới này. Còn biển ba đời là gồm tất cả thế giới ở quá khứ, tất cả thế giới ở hiện tại, tất cả thế giới ở vị lai; trong quá khứ có vô lượng chư Phật, ở hiện tại cũng có vô lượng chư Phật, vị lai cũng sẽ có vô lượng chư Phật, do đó mới thành biển ba đời.
Tất cả biển nguyện lực của Như Lai: Tất cả chư Phật, nhờ đâu thành Phật? Bởi vì các Ngài đều phát qua nguyện, dùng nguyện lực này thành tựu, mới được thành Phật.
Tất cả biển thần biến của Như Lai: Phật thành Phật rồi, mọi chuyện đều toại tâm vừa ý, có được thần thông biến hóa, không thể kể hết, nên gọi là biển thần biến.
Quán sát như thế xong, Bồ-tát Phổ Hiền bảo với tất cả Bồ-tát nhiều như biển trong đạo tràng rằng: Chư Phật tử, chư Phật Thế Tôn có: trí tuệ biết được sự thành hoại thanh tịnh của tất cả biển thế giới không thể nghĩ bàn, có trí tuệ biết biển nghiệp của tất cả chúng sanh không thể nghĩ bàn, có trí tuệ biết biển an lập của tất cả pháp giới không thể nghĩ bàn, có trí tuệ nói tất cả vô biên biển Phật không thể nghĩ bàn.
Như thị quán sát dĩ, phổ cáo nhất thiết đạo trường chúng hải chư Bồ-tát ngôn: Phật Tử, chư Phật Thế Tôn, tri nhất thiết thế giới hải thành hoại thanh tịnh trí bất khả tư nghì, tri nhất thiết chúng sinh nghiệp hải trí bất khả tư nghì, tri nhất thiết pháp giới an lập hải trí bất khả tư nghì, thuyết nhất thiết vô biên Phật hải trí bất khả tư nghì.
Quán sát như thế xong: Bồ-tát Phổ Hiền, sau khi quán sát rộng khắp tất cả các “biển” như trên, bảo với tất cả chư Bồ-tát nhiều như biển trong đạo tràng rằng: Ngài tuyên bố khắp nơi, nói với tất cả đại chúng trong đạo tràng. Đại chúng ở đây là chỉ cho tất cả chư Bồ-tát. Nói rằng: Chư Phật tử, chư Phật Thế Tôn có:
Trí tuệ biết được sự thành hoại thanh tịnh của tất cả biển thế giới: Ngài bảo với tất cả các Bồ-tát rằng, chư Phật tử, các Ngài biết không? Chư Phật Thế Tôn: Tất cả chư Phật Thế Tôn trong mười phương ba đời. Các Ngài có trí tuệ có thể biết được tất cả biển thế giới, tất cả các thế giới. Thành như thế nào? Hoại như thế nào? Làm thế nào trở nên thanh tịnh. Không thể nghĩ bàn: Trí tuệ ấy là không thể nghĩ bàn, không phải thứ mà quý vị có thể dùng tâm suy lường, dùng lời nói để biểu đạt được. Cho nên các đại Bồ-tát quý vị, nên tiếp tục cầu tiến lên phía trước, để nghiên cứu Phật pháp.
Trí tuệ biết tất cả biển nghiệp của chúng sanh: Chư Phật còn có trí tuệ có thể biết rõ nghiệp, nhân duyên, quả báo của tất cả chúng sanh, tạo nghiệp gì chịu quả báo gì, cho nên nói “Nhân thế nào thì quả thế ấy”: Quý vị trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu; trồng nhân gì, thì kết quả đó. Do đó chúng sanh tạo nghiệp gì, liền nhận quả báo đó. Cho nên tất cả biển nghiệp của chúng sanh, chỉ có chư Phật có trí tuệ mới biết rõ tướng điên đảo của chúng sanh, biết được chúng sanh xuất gia, lại hoàn tục; hoàn tục, lại muốn xuất gia; biết chúng sanh không muốn chết, nhưng vẫn nhất định phải chết. Tại sao ư? Vì có thứ nghiệp như thế. Biết được tư tưởng điên đảo, cầu danh cầu lợi một cách điên cuồng của chúng sanh. Không thể nghĩ bàn: Điều này quả thật không thể nghĩ bàn!
Trí tuệ biết biển an lập tất cả pháp giới: Ngài lại có trí tuệ, có thể biết tất cả pháp giới làm thế nào có thể an lập được với nhau. Không thể nghĩ bàn:Điều này cũng không thể nghĩ bàn.
Trí tuệ nói tất cả vô biên biển Phật không thể nghĩ bàn: Ngài lại có thể nói tất cả vô biên: Trí tuệ này của chư Phật cũng không thể nghĩ bàn. Do đó Bồ-tát Phổ Hiền mới bảo với đại chúng, trí tuệ của Phật rất nhiều.
Trí tuệ nhập (thấu suốt) tất cả biển dục giải căn không thể nghĩ bàn, trí tuệ một niệm biết khắp tất cả ba đời không thể nghĩ bàn, trí tuệ hiển bày biển nguyện vô lượng của Như Lai không thể nghĩ bàn, trí tuệ thị hiện biển thần thông biến hóa của tất cả Phật không thể nghĩ bàn, trí tuệ chuyển pháp luân không thể nghĩ bàn, biển kiến lập diễn thuyết không thể nghĩ bàn, thân Phật thanh tịnh không thể nghĩ bàn, biển sắc tướng vô biên chiếu sáng khắp cùng không thể nghĩ bàn.
Nhập nhất thiết dục giải căn hải trí bất khả tư nghì, nhất niệm phổ tri nhất thiết tam thế trí bất khả tư nghì, hiển thị nhất thiết Như Lai vô lượng nguyện hải trí bất khả tư nghì, thị hiện nhất thiết Phật thần biến hải trí bất khả tư nghì, chuyển pháp luân trí bất khả tư nghì, kiến lập diễn thuyết hải bất khả tư nghì, thanh tịnh Phật thân bất khả tư nghì, vô biên sắc tướng hải phổ chiếu minh bất khả tư nghì.
Chư Phật Thế Tôn lại có:
Trí tuệ nhập (thấu suốt) tất cả biển dục giải căn: Nhập chính là biết được rõ ràng, biết được các loại dục, các loại giải (hiểu biết), các loại căn của chúng sanh, trí tuệ này không thể nghĩ bàn.
Trí tuệ một niệm biết khắp tất cả ba đời không thể nghĩ bàn: Trí tuệ ở trong một niệm biết được tất cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Nhân duyên của ba đời đều biết được, không thể nghĩ bàn.
Trí tuệ hiển thị biển nguyện vô lượng của tất cả Như Lai không thể nghĩ bàn: Lại có trí tuệ hiển thị biển nguyện vô lượng của tất cả chư Phật trong mười phương ba đời. Vô lượng: Nhiều không có số lượng. Nguyện phát ra như biển lớn. Trí tuệ ấy cũng không thể nghĩ bàn.
Trí tuệ thị hiện biển thần thông biến hóa của tất cả Phật: Trí tuệ hiển thị biển thần biến của tất cả chư Phật, mà chư Phật đều có. Không thể nghĩ bàn: Cũng không thể nghĩ bàn.
Trí tuệ chuyển pháp luân không thể nghĩ bàn: Chư Phật Thế Tôn dùng trí tuệ không thể nghĩ bàn này để chuyển pháp luân vi diệu.
Biển kiến lập diễn thuyết không thể nghĩ bàn, Chư Phật có thể dựng cờ Pháp, lập đạo tràng, nơi nào cũng có thể kiến lập đạo tràng. Biển diễn thuyết:Có thể nói tất cả Phật pháp không thể nghĩ bàn.
Thân Phật thanh tịnh không thể nghĩ bàn: Chư Phật Thế Tôn đều có thể thanh tịnh Phật thân, cũng là việc không thể nghĩ bàn.
Biển sắc tướng vô biên chiếu sáng khắp cùng không thể nghĩ bàn: Vô biên sắc tướng này, hiện ra các loại thân hình. Biển: Các thân hiện ra nhiều như biển cả. Chiếu sáng khắp cùng: Phóng quang chiếu sáng tất cả cõi nước của chư Phật, trí tuệ này cũng không thể nghĩ bàn.
Trong giảng đường này, tất cả mọi người đến nghe giảng kinh, thêm một phần tâm thành, thì được thêm một phần lợi ích trong Phật pháp; bớt một phần tâm thành, thì mất đi một phần lợi ích trong Phật pháp; người không có tâm thành, thì không có được lợi ích. Chúng ta mỗi ngày tụng kinh, đều có thể biểu thị tâm của chúng ta có thành kính hay không. Nếu quý vị tụng kinh lễ Phật với tâm chí thành khẩn thiết, không chút lơ là, thì chắc chắn sẽ có cảm ứng rất lớn.
Có người ở đây tụng kinh mà khởi vọng tưởng. Khởi vọng tưởng gì? Khởi vọng tưởng đến nhà bếp: “À! Lát nữa mình sẽ uống trà gì? Lát nữa mình sẽ xuống bếp nấu ít nước uống”. Như thế hoàn toàn không có chút thành tâm. Đang ngồi đây tụng kinh mà khởi vọng tưởng.
Nhất là khi nghe kinh, tôi thấy rất nhiều người tụng kinh xong, trong lúc chờ Pháp sư thăng tòa thuyết pháp, thì đi lại lung tung. Quả thật đã thể hiện không có chút tâm thành nào, tuyệt đối không thể tiếp nhận được Phật pháp; quý vị muốn lãnh hội Phật pháp, sao lại có thể đi tới đi lui, tán loạn như thế? Rốt cuộc quý vị đến đây vì điều gì? Không đi tới đi lui không được sao? Thật là chẳng có quy củ gì hết. Thói quen này quý vị cho là không có vấn đề gì sao? Nếu như đến các đạo tràng khác thì không thể được. Cho dù ngay trong đạo tràng của mình đây, cũng không thể tùy tiện, không giữ quy củ như vậy. Tại sao quý vị không chịu sắp xếp mọi công việc ổn thỏa trước đi? Đợi đến khi tụng kinh xong, lại chạy xuống nhà bếp làm gì? Nếu có chút thành tâm thì đã không làm như vậy.
Tướng tốt và vẻ đẹp đều thanh tịnh không thể nghĩ bàn. Biển vầng ánh sáng vô biên sắc tướng đầy đủ thanh tịnh không thể nghĩ bàn, biển mây rạng ngời cùng nhiều màu sắc cảnh tượng không thể nghĩ bàn, biển ánh sáng châu báu thù thắng không thể nghĩ bàn, biển thành tựu âm thanh ngôn ngữ không thể nghĩ bàn, thị hiện ba thứ biển tự tại điều phục thành thục tất cả chúng sanh không thể nghĩ bàn, dũng mãnh điều phục biển chúng sanh không luống qua không thể nghĩ bàn, an trụ Phật địa không thể nghĩ bàn, vào cảnh giới Như Lai không thể nghĩ bàn, oai lực hộ trì không thể nghĩ bàn, quán sát tất cả chỗ làm (sở hành) của Phật trí không thể nghĩ bàn, các thần lực viên mãn không ai điều phục được không thể nghĩ bàn.
Tướng cập tùy hảo giai thanh tịnh bất khả tư nghì, vô biên sắc tướng quang minh luân hải cụ túc thanh tịnh bất khả tư nghì, chủng chủng sắc tướng quang minh vân hải bất khả tư nghì, thù thắng bảo diễm hải bất khả tư nghì, thành tựu ngôn âm hải bất khả tư nghì, thị hiện tam chủng tự tại hải điều phục thành thục nhất thiết chúng sinh bất khả tư nghì, dũng mãnh điều phục chư chúng sinh hải vô không quá giả bất khả tư nghì, an trụ Phật địa bất khả tư nghì, nhập Như Lai cảnh giới bất khả tư nghì, uy lực hộ trì bất khả tư nghì, quán sát nhất thiết Phật trí sở hành bất khả tư nghì, chư lực viên mãn vô năng tồi phục bất khả tư nghì.
Tướng tốt và vẻ đẹp đều thanh tịnh không thể nghĩ bàn: Ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp tùy hình của Phật, mỗi một tướng đều thanh tịnh, mỗi một vẻ đẹp đều rạng ngời, cho nên nói không thể nghĩ bàn.
Biển vầng ánh sáng vô biên sắc tướng đầy đủ thanh tịnh không thể nghĩ bàn: Phật lại có vô biên sắc tướng, vô biên thân. Biển vầng ánh sáng: tất cả tướng đều có vầng sáng lớn, vầng sáng ấy cũng nhiều như biển. Đầy đủ thanh tịnh: Vầng sáng ấy đầy đủ sự thanh tịnh; vừa thanh tịnh vừa chiếu sáng. Không thể nghĩ bàn: Đây cũng là cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Biển mây rạng ngời cùng nhiều màu sắc cảnh tượng không thể nghĩ bàn: Hiện ra vô lượng vô biên các màu sắc, hình tướng, hiện ra biển mây nhiều ánh sáng, đều là cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Biển ánh sáng châu báu thù thắng không thể nghĩ bàn: Loại báu vật này đều rất quý giá, rất thù thắng, những trân bảo bình thường không thể so sánh được. Mỗi loại trân bảo đều phát ra một loại ánh sáng rực rỡ, cũng nhiều không thể nghĩ bàn.
Thành tựu biển ngôn ngữ âm thanh không thể nghĩ bàn: Lại có một loại thành tựu biển ngôn ngữ âm thanh: Tất cả các loại ngôn ngữ đều nói được, tất cả các loại âm thanh đều hiển bày, không thể nghĩ bàn.
Thị hiện ba thứ biển tự tại điều phục thành thục tất cả chúng sanh không thể nghĩ bàn: Thị hiện ba thứ biển tự tại, thế nào gọi là ba thứ biển tự tại? Ba loại ấy là thân thể, lời nói, ý nghĩ: Thân cũng tự tại, lời nói cũng tự tại, ý nghĩ cũng tự tại. Sự tự tại này có thể điều phục tất cả chúng sanh, có thể khiến tất cả chúng sanh thành thục. Thành thục: Tức là khiến cho những chúng sanh chưa có thiện căn gieo trồng thiện căn; những người đã có thiện căn làm cho thiện căn tăng trưởng; người thiện căn đã tăng trưởng làm cho thiện căn được thành thục; người thiện căn đã thành thục làm cho được giải thoát. Điều phục thành thục:Điều phục tức là khiến chúng sanh cang cường không còn cang cường nữa; khiến chúng sanh bỏ tà đạo về với chánh đạo. Điều phục tất cả chúng sanh đến khi thành thục. Không thể nghĩ bàn, cảnh giới này cũng không thể nghĩ bàn.
Dũng mãnh điều phục biển chúng sanh không luống qua không thể nghĩ bàn: Sự điều phục như ở trước không có tính dũng mãnh; ở đây dùng sự dũng mãnh để điều phục chúng sanh. Dũng mãnh, hoàn toàn không phải dùng nóng giận điều phục. Dũng mãnh là dùng nhẫn nại, dùng bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Vì tập khí của chúng sanh rất sâu nặng, do đó chúng ta nên nói với họ vài câu ái ngữ.
Ái ngữ là lời nói khiến người khác thích nghe, nghe rồi liền phát tâm Bồ-đề. Nếu quý vị mang đến cho họ một cái gì đó để kết duyên với họ, họ cũng sẽ phát tâm Bồ-đề. Quý vị làm một chút việc có lợi cho họ, họ cũng phát tâm Bồ-đề. Hoặc là quý vị cùng họ làm một việc gì đó, họ cũng phát tâm Bồ-đề. Cho nên dũng mãnh không phải là nóng giận, khiến chúng sanh hoảng sợ, khiến chúng sanh vừa trông thấy đã run sợ như gặp quỷ; không phải như thế. Ái ngữ cũng là bao hàm bố thí, khuyên họ trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ; dùng sáu phương pháp lục độ này để điều phục chúng sanh, điều phục biển chúng sanh. Không luống qua: Bất luận thấy người nào; gặp chúng sanh nào đều mang đến lợi ích cho họ, ít nhiều cũng khiến cho những chúng sanh này phát tâm Bồ-đề, đây gọi là không luống qua. Không thể nghĩ bàn: Cảnh giới này cũng không thể nghĩ bàn.
An trụ Phật địa không thể nghĩ bàn: Thường hay an trụ Phật địa, nghĩa là tu tập các pháp môn của chư Phật, tương lai sẽ thành Phật, điều này không thể nghĩ bàn.
Vào cảnh giới Như Lai không thể nghĩ bàn: Biết rõ cảnh giới của Như Lai cũng là không thể nghĩ bàn.
Oai lực hộ trì không thể nghĩ bàn: Dùng oai lực hộ trì chúng sanh, hộ trì Phật pháp, cũng không thể nghĩ bàn.
Quán sát tất cả chỗ làm của Phật trí không thể nghĩ bàn: Quán sát tất cả trí tuệ của chư Phật, pháp môn tu hành này cũng không thể nghĩ bàn.
Các thần lực viên mãn không ai điều phục được không thể nghĩ bàn: Tất cả các thần lực đều được viên mãn, tức là mười lực của Phật đều đã đầy đủ.Không ai điều phục được, không ai có thể thắng được, không ai có thể phá hoại được, cảnh giới này đều là không thể nghĩ bàn.
Công đức vô úy không ai hơn không thể nghĩ bàn, trụ tam-muội vô sai biệt không thể bàn, thần thông biến hóa không thể nghĩ bàn, trí thanh tịnh tự tại không thể nghĩ bàn, tất cả Phật pháp không thể hủy hoại không thể nghĩ bàn.
Tất cả pháp như vậy, tôi nay tiếp nhận thần lực của Phật và oai thần của tất cả Như Lai, tuyên thuyết đầy đủ.
Vô úy công đức vô năng quá giả bất khả tư nghì, trụ vô sai biệt tam-muội bất khả tư nghì, thần thông biến hóa bất khả tư nghì, thanh tịnh tự tại trí bất khả tư nghì, nhất thiết Phật Pháp vô năng hủy hoại bất khả tư nghì. Như thị đẳng nhất thiết pháp, ngã đương thừa Phật thần lực cập nhất thiết Như Lai uy thần lực cố, cụ túc tuyên thuyết.
Công đức vô úy không ai hơn không thể nghĩ bàn: Công đức vô úy: Tức là không sợ có nhiều công đức; công đức càng nhiều càng tốt. Không ai hơn:Công đức của Ngài không ai có thể vượt qua được. Không thể nghĩ bàn: Đức Phật phước huệ đầy đủ, công đức viên mãn, đạt đến pháp không thể nghĩ bàn.
Trụ nơi tam-muội vô sai biệt không thể nghĩ bàn: Trụ nơi tam muội không có phân biệt, không thể nghĩ bàn. Tam muội không phân biệt (vô sai biệt) tức là tam muội biến khắp tất cả chỗ, không thể nghĩ bàn.
Thần thông biến hóa không thể nghĩ bàn: Khi quý vị tu hành thành tựu rồi, có tất cả các loại thần thông biến hóa, đây cũng là cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Trí thanh tịnh tự tại không thể nghĩ bàn: Quý vị có loại trí tuệ vừa chiếu sáng thanh tịnh, vừa tự tại. Có được loại trí tuệ thanh tịnh tự tại này rồi, quý vị sẽ không còn điên đảo, không còn khởi vọng tưởng, không khởi tâm tham dục nữa; không còn tâm tham dục, trí tuệ thanh tịnh tự tại không thể nghĩ bàn. Vì sao nhân loại có nhiều lòng tham như thế? Chính là vì không có trí tuệ, cái này cũng tham, cái kia cũng muốn; nếu quý vị có trí tuệ, nhìn thấu suốt hết tất cả rồi, thì còn gì để tham nữa chứ? Cái gì cũng chẳng ham muốn nữa.
Tất cả Phật pháp không thể hủy hoại không thể nghĩ bàn: Quý vị tu tất cả Phật pháp; chỉ sợ quý vị không thực sự tu hành, nếu quý vị thực sự tu hành, thì dù người khác hủy báng hay phá hoại thế nào đi nữa, cũng chẳng có tác dụng gì.
Giống như chùa Kim Sơn chúng ta đây, tất nhiên có rất nhiều nơi khen ngợi chúng ta tốt, nhưng cũng có rất nhiều người nói chúng ta không tốt. Không chỉ có người ngoài, mà ngay người ở trong đây, những con ma lười biếng, những con ma tham ăn, những con trùng ham ngủ, đều cho là không tốt. Bởi vì ở đây chúng ta công việc quá nhiều, không có thời gian ngủ nghỉ, không có thời gian nói chuyện. Do đó những kẻ thích nói chuyện, những kẻ thích ngủ, cùng những kẻ lười biếng đều cho rằng ở đây không tốt, cái này cũng không đúng, cái kia cũng không đúng. Y cảm thấy ngủ không đủ, không đạt được tam-muội ngủ, vì thế mà y nói là không tốt. Nhưng đây là vấn đề của cá nhân y.
Nếu bây giờ nói đến khắp trên thế giới, thì – không phải vì tôi ở đây hướng dẫn quý vị mà tự khen nơi mình tốt – không một đất nước nào, một địa phương nào có sự dụng công như chùa Kim Sơn và cũng không có nơi nào làm Phật sự như ở nơi này. Khắp cả thế giới quý vị tìm không ra nơi thứ hai. Do đó, không luận là người nào, quý vị hãy nhớ kỹ – không nên cứ muốn đọa xuống địa ngục rút lưỡi. Quý vị đi bất cứ nơi đâu, cũng không được phá hoại chùa Kim Sơn. Chùa Kim Sơn được tạo thành từ kim cương, nếu quý vị phá hoại chùa Kim Sơn, thì trong tương lai, quý vị nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục rút lưỡi.
Quý vị đừng nghĩ rằng lời nói không đáng gì, rồi phát ngôn tùy tiện, nói chỗ kia người ta không tu hành gì, hoặc nói vị thầy nọ chẳng biết đang việc làm gì?Đang làm việc gì? Quý vị là một phàm phu thì đương nhiên không biết là đang làm gì rồi; nếu quý vị khai ngộ chứng quả, thì quý vị ở chùa Kim Sơn này ngày đêm lễ lạy cũng không kịp. Quý vị không sợ đọa địa ngục, nói chùa Kim Sơn xấu như thế, hư như thế; nhất là những người có tri kiến tà vạy, thì đúng là quý vị đang chuẩn bị khá tốt cho một tương lai ở địa ngục rút lưỡi. Không phải tôi mong muốn quý vị đọa địa ngục rút lưỡi, mà do quý vị tự tạo lấy. Quý vị cố phá hoại đạo tràng này. Đạo tràng này không thể bị phá hoại; ai phá hoại đạo tràng này, thì sẽ đọa địa ngục rút lưỡi. Không cần biết quý vị là ai, có một người tính một người, nếu quý vị không sợ bị đọa địa ngục rút lưỡi, không sợ tương lai làm người câm, thì cứ việc phá hoại! Tuy nhiên quý vị sẽ không phá hoại được chùa Kim Sơn; quý vị cũng không phá hoại được ông thầy ở chùa Kim Sơn. Tại sao thế? Vì ông ta không mong cầu gì ở người khác, thế nào cũng được. Everything is OK. Quý vị có cách nào không? Không có cách nào cả. Tốt và xấu, chẳng có quan hệ gì, không thành vấn đề. Quý vị tin tôi hay không, tin hay không cũng chẳng có vấn đề gì.
Do đó Phật pháp không ai có thể phá hoại được, là điều không thể nghĩ bàn. Tất cả pháp như vậy: Tất cả pháp như vậy, như trên. Tôi nay tiếp nhận thần lực của Phật: Hiện nay tôi nên nương Phật, tiếp nhận thần lực của Phật. Và oai thần của tất cả Như Lai: Cùng tất cả đại oai thần lực của Phật. Tuyên thuyết đầy đủ: Tôi nay đem ra trình bày cho quý vị một cách tường tận.
(Câu hỏi bị mất)
Hòa Thượng (đáp): Ổ chỗ nào? “Không mong cầu ở người khác”? Tôi không mong cầu gì ở người khác, tôi không hề mong cầu; tôi cũng không tham, không sân, không si. Quý vị có như thế nào cũng không làm gì được tôi. Quý vị chửi tôi cũng được, giết tôi cũng được. OK! Quý vị mong cầu gì, quý vị muốn đạt được điều gì?
Vì khiến cho chúng sinh vào biển trí tuệ của Phật, vì khiến cho tất cả Bồ-tát được an trụ trong biển công đức của Phật.
Vị linh chúng sinh nhập Phật trí tuệ hải cố, vị linh nhất thiết Bồ-tát ư Phật công đức hải trung đắc an trụ cố.
Bồ-tát Phổ Hiền nói, Ngài muốn diễn thuyết đầy đủ tất cả các pháp này. Vì sao Ngài lại muốn diễn thuyết tất cả các pháp này?
Vì muốn khiến cho tất cả chúng sinh vào biển trí tuệ của Phật: Có thể hiểu thấu kinh tạng, trí tuệ như biển. Trí tuệ ấy chính là Phật. Vì nhân duyên này, và
Vì khiến cho tất cả Bồ-tát: Khiến cho tất cả Bồ-tát, được an trụ trong biển công đức của Phật: Trong tất cả biển công đức Phật đã tu hành. Được an trụ: Nghĩa là hành trì công đức mà Phật đã hành trì, tu công đức mà Phật đã tu, viên mãn công đức mà Phật đã thành tựu. Ngài muốn khiến cho hết thảy Bồ-tát đều đạt được công đức này.
Vì muốn trang nghiêm một cách tự tại cõi nước của tất cả chư Phật trong tất cả biển thế giới, vì khiến cho hạt giống Như Lai thường hằng chẳng hoại trong tất cả biển kiếp, vì khiến cho hiển bày tính chơn thật của các pháp trong tất cả biển thế giới, vì khiến cho phù hợp với biển hiểu biết vô lượng của tất cả chúng sinh mà diễn nói (thật tướng), vì khiến cho chúng sinh phát khởi hạt giống Phật pháp nên phương tiện thuận theo biển căn tính của tất cả chúng sinh, vì dẹp phá tất cả núi chướng ngại mà thuận theo biển ưa thích của tất cả chúng sinh, vì khiến cho chúng sinh tu tập yếu đạo xuất thế thanh tịnh mà tùy thuận biển tâm hạnh của tất cả chúng sinh.
Vị linh nhất thiết thế giới hải, nhất thiết Phật tự tại sở trang nghiêm cố, vị linh nhất thiết kiếp hải trung, Như Lai chủng tính hằng bất đoạn cố, vị linh ư nhất thiết thế giới hải trung, hiển thị chư pháp chân thật tính cố, vị linh tùy nhất thiết chúng sinh vô lượng giải hải nhi diễn thuyết cố, vị linh tùy nhất thiết chúng sinh chư căn hải phương tiện linh sanh chư Phật Pháp cố, vị linh tùy nhất thiết chúng sinh lạc dục hải tồi phá nhất thiết chướng ngại sơn cố, vị linh tùy nhất thiết chúng sinh tâm hành hải, linh tịnh tu trị xuất yếu đạo cố.
Mục đích nói pháp này là
Vì muốn trang nghiêm một cách tự tại tất cả cõi Phật trong tất cả biển thế giới: Ngài muốn trang nghiêm quốc độ của Ngài, liền trang nghiêm thành công một cách rất tự nhiên.
Vì muốn khiến hạt giống Như Lai thường hằng trong tất cả biển kiếp: Lại khiến cho hạt giống Như Lai thường hằng chẳng hoại trong tất cả kiếp, trong thời gian dài bằng số kiếp nhiều như biển. Hạt giống Như Lai cũng chính là hạt giống Phật tánh, nghĩa là khiến cho hạt giống Phật thường hằng chẳng hoại, thường còn không thể hoại diệt.
Vì khiến cho trong tất cả biển thế giới: Khiến cho trong tất cả biển thế giới. Hiển bày tính chơn thật của các pháp: Tất cả các pháp trong thế giới này đều hư vọng; trong chỗ hư vọng ấy hiển bày thật tính Chơn Như. Thật tính Chơn Như này hiển bày, chứng minh các pháp không phải hoàn toàn hư vọng.
Vì khiến cho phù hợp với biển hiểu biết vô lượng của tất cả chúng sinh mà diễn nói (thật tướng): Vì khiến cho phù hợp với biển hiểu biết vô lượng của tất cả chúng sinh. Hiểu biết vô lượng của chúng sinh, chính là những điều chúng sinh hiểu rõ, có được khả năng hiểu biết. Ai hiểu nhiều Ngài sẽ nói nhiều hơn; ai hiểu ít Ngài sẽ nói ít lại. Biển hiểu biết vô lượng: Đây là khả năng đại triệt đại ngộ. Mà diễn nói: Diễn nói thật tướng của tất cả các pháp.
Vì khiến cho chúng sinh phát khởi hạt giống Phật pháp nên phương tiện thuận theo biển căn tính của tất cả chúng sinh: Lại tùy thuận tất cả chúng sinh, thường thuận theo tất cả chúng sinh, hiểu rõ hết thảy căn tính của tất cả chúng sinh. Biển căn tính: hiểu rõ căn tính của họ rồi, sau đó dùng nhiều pháp môn phương tiện, khiến họ sinh khởi lòng tin với pháp môn của chư Phật.
Vì dẹp phá tất cả núi chướng ngại mà thuận theo biển ưa thích của tất cả chúng sinh: Lại hằng thuận chúng sinh, tùy thuận theo điều ưa thích của chúng sinh, điều mà họ mong muốn, họ ưa thích. Quý vị biết được chúng sinh thích điều gì thì có thể nói pháp cho họ. Dẹp phá: Làm cho tiêu tan hết tất cả núi chướng ngại, tức là sự cống cao ngã mạn của chúng sinh, trừ bỏ hết các núi chướng ngại ấy.
Vì khiến cho chúng sinh tu tập yếu đạo xuất thế thanh tịnh mà tùy thuận biển tâm hạnh của tất cả chúng sinh: Lại vì thường thuận theo tất cả biển tâm, tất cả biển hạnh của chúng sinh, khiến tất cả chúng sinh đều đạt đến chỗ tu tập thanh tịnh, tu hành pháp môn thanh tịnh. Yếu đạo xuất thế, là con đường quan trọng ra khỏi thế gian, con đường quan trọng ra khỏi ba cõi.
Vì muốn khiến cho tất cả Bồ-tát an trụ trong biển nguyện Phổ Hiền. Lúc đó, Bồ-tát Phổ Hiền lại vì muốn khiến cho đại chúng trong vô lượng đạo tràng sinh lòng hoan hỷ, vì khiến cho chúng sinh tăng trưởng lòng ưa thích với tất cả pháp, vì khiến cho chúng sinh sinh lòng tin hiểu chơn thật rộng lớn, vì khiến cho chúng sinh tu tập thanh tịnh phổ môn Pháp giới Tạng thân, vì khiến cho chúng sinh an lập biển nguyện Phổ Hiền, vì khiến cho chúng sinh tu tập thanh tịnh đạt được mắt trí ba đời bình đẳng, vì khiến cho chúng sinh tăng trưởng biển trí tuệ rộng lớn chiếu khắp tất cả thế gian tạng, vì khiến cho chúng sinh phát khởi năng lực đà-la-ni gìn giữ tất cả pháp luân, vì khiến cho chúng sinh trong tất cả đạo tràng đạt được hết thảy cảnh giới của Phật để giáo hóa chúng sinh, vì khiến cho chúng sinh xiển dương tất cả pháp môn của Như Lai, vì khiến cho chúng sinh tăng trưởng tất cả bản tính trí tuệ thâm sâu rộng lớn như pháp giới, liền nói kệ rằng:
Vị linh nhất thiết Bồ-tát, an trụ Phổ Hiền nguyện hải trung cố. Thị thời, Phổ Hiền Bồ-tát, phục dục linh vô lượng đạo trường chúng sinh hoan hỷ cố, linh ư nhất thiết pháp tăng trưởng ái nhạo cố, linh sanh quảng đại chân thật tín giải hải cố, linh tịnh trị phổ môn Pháp giới Tạng thân cố, linh an lập Phổ Hiền nguyện hải cố, linh tịnh trị nhập tam thế bình đẳng trí nhãn cố, linh tăng trưởng phổ chiếu nhất thiết thế gian tàng đại tuệ hải cố, linh sanh đà-la-ni lực trì nhất thiết pháp luân cố, linh ư nhất thiết đạo trường trung tận Phật cảnh giới tất khai thị cố, linh khai xiển nhất thiết Như Lai pháp môn cố, linh tăng trưởng pháp giới quảng đại thậm thâm nhất thiết trí tính cố, tức thuyết tụng ngôn:
Vì muốn khiến tất cả Bồ-tát đều an trú trong biển hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, cho nên Bồ-tát Phổ Hiền muốn thuyết pháp này cho tất cả chúng sinh. Lúc đó, Bồ-tát Phổ Hiền lại: Ngay lúc ấy, Bồ-tát Phổ Hiền Vương, vì muốn khiến cho biển chúng sinh trong vô lượng đạo tràng: Lại muốn khiến cho biển đại chúng trong đạo tràng của hết thảy chư Phật trong vô lượng vô biên cõi Phật khắp mười phương đều sinh lòng hoan hỷ, nên Ngài nói pháp.
Vì khiến cho chúng sinh tăng trưởng lòng ưa thích với tất cả pháp: Con người, quý vị thấy khi nổi nóng thì rất dữ dằn. Nếu học Phật pháp mà có tâm mãnh liệt như khi nổi giận thì nhất định sẽ thành Phật; nếu tâm tu hành của quý vị mạnh mẽ như lòng ham muốn thì nhất định cũng sẽ thành công; nếu tâm học Phật của quý vị mãnh liệt như tình cảm của nam nữ yêu nhau thì đã sớm thành Phật rồi. Nhưng đáng tiếc là con người nặng lòng với pháp thế gian bao nhiêu thì luôn hời hợt với pháp xuất thế bấy nhiêu. Cho nên, nay muốn khiến cho quý vị tăng trưởng tư tưởng ưa thích Phật pháp.
Vì khiến cho chúng sinh sinh lòng tin hiểu chơn thật rộng lớn: Khiến tất cả chúng sinh khởi lòng tin chơn thật rộng lớn, tin một cách chân thật; khiến cho chúng sinh có được lòng tin và sự hiểu biết như biển.
Vì khiến cho chúng sinh tu tập thanh tịnh phổ môn Pháp giới Tạng thân: Khiến cho tu hành pháp phổ môn Pháp giới Tạng thân, nghĩa là trong pháp giới biến khắp hư không đều là thân thể của ta. Vì điều này mà Bồ-tát Phổ Hiền nói pháp.
Vì khiến cho chúng sinh an lập biển nguyện Phổ Hiền: Khiến cho tất cả chúng sinh đều an lập trong biển đại nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền.
Vì khiến cho chúng sinh tu tập thanh tịnh đạt được mắt trí ba đời bình đẳng: Khiến cho tất cả chúng sinh đều tu hành để đạt được mắt trí tuệ bình đẳng trong ba đời (tam thế) - quá khứ, hiện tại, vị lai.
Vì khiến cho chúng sinh tăng trưởng biển trí tuệ rộng lớn chiếu khắp tất cả thế gian tạng: Khiến tất cả chúng sinh đều tăng trưởng trí tuệ. Chiếu khắp tất cả thế gian tạng: Nhờ trí tuệ rộng lớn nên chiếu thấu mọi nơi trên thế gian này.
Vì khiến cho chúng sinh phát khởi năng lực đà-la-ni gìn giữ tất cả bánh xe pháp: Vì muốn khiến cho chúng sinh sinh khởi sức tổng trì; sức tổng trì này có thể tu tập và gìn giữ tất cả bánh xe pháp của Phật.
Vì khiến cho chúng sinh trong tất cả đạo tràng đạt được hết thảy cảnh giới của Phật để giáo hóa chúng sinh: Đại chúng trong tất cả đạo tràng đều đạt được tất cả cảnh giới của Phật để giáo hóa tất cả chúng sinh.
Vì khiến cho chúng sinh xiển dương tất cả pháp môn của Như Lai: Khiến cho đại chúng xiển dương rộng rãi tất cả pháp môn của Phật, giúp cho hết thảy chúng sinh đều hiểu được tất cả Phật pháp.
Vì khiến cho chúng sinh tăng trưởng tất cả bản tính trí tuệ thâm sâu rộng lớn như pháp giới: Khiến tất cả chúng sinh đều tăng trưởng bản tính trí tuệ sâu rộng như pháp giới, khiến cho chúng sinh đạt được tự tính trí tuệ này. Do đó, tiếp theo, Bồ-tát Phổ Hiền liền dùng kệ tụng nói lại một lần nữa ý nghĩa này.
Hoặc nói về tất cả công đức của Bồ tát để trang nghiêm. Hoặc nói về tất cả nghiệp báo của chúng sanh để trang nghiêm. Hoặc thị hiện tất cả biển nguyện của Bồ tát để trang nghiêm. Hoặc hiển bày tất cả hình tượng của chư Phật trong ba đời để trang nghiêm. Hoặc trong khoảng một niệm thị hiện cảnh giới thần thông trải vô biên kiếp để trang nghiêm.
Hoặc dĩ thuyết nhất thiết Bồ-tát công đức trang nghiêm, hoặc dĩ thuyết nhất thiết chúng sinh nghiệp báo trang nghiêm, hoặc dĩ thị hiện nhất thiết Bồ-tát nguyện hải trang nghiêm, hoặc dĩ biểu thị nhất thiết tam thế Phật ảnh tượng trang nghiêm, hoặc dĩ nhất niệm khoảnh thị hiện vô biên kiếp thần thông cảnh giới trang nghiêm.
Về vấn đề trang nghiêm được đề cập ở đây, tại sao lại phải trang nghiêm? Bởi vì tất cả chúng sanh khi thấy sự trang nghiêm thì sẽ phát khởi tâm Bồ đề, chịu ảnh hưởng của sự trang nghiêm ấy. Cũng như tại sao chúng ta phải tạo tượng Phật? Tượng Phật ngồi đó không nói lời nào, không ăn gì, cũng không uống nước; có tượng thì tạc từ gỗ, có tượng thì đắp bằng xi măng. Như vậy có công dụng gì? Tốn rất nhiều tiền tạo ra một tượng Phật, chúng ta lại phải lễ lạy tượng đó, vậy không phải là mê tín sao? Điều này hoàn toàn không phải thế. Chúng ta lạy Phật chứ không phải lạy pho tượng Phật xi măng, không phải lạy pho tượng Phật gỗ, cũng không phải lạy cái có hình có tướng ấy; mà chúng ta lạy Phật là lạy vị Phật chơn thật. Còn cái pho tượng có hình có tướng đây chỉ là hình tượng để trang nghiêm, là hình thức, để biểu hiện cái cảnh giới ấy mà thôi. Đây chính là ý nghĩa trang nghiêm.
Cho nên nói Hoặc nói tất cả công đức của Bồ tát để trang nghiêm: Giảng nói tất cả công đức của Bồ tát để trang nghiêm. Hoặc nói về tất cả nghiệp báo của chúng sinh để trang nghiêm: Nói về quả báo thiện ác của tất cả chúng sinh, thiện có quả báo thiện, ác có quả báo ác, không thể nghĩ bàn. Dùng nghiệp báo của chúng sinh để trang nghiêm thế giới này. Hoặc thị hiện tất cả biển nguyện của Bồ tát để trang nghiêm: Thị hiện tức vốn không hề có, là trước không có sau mới có. Thị hiện biển nguyện của Bồ tát, dùng biển đại nguyện đã phát của Bồ tát để trang nghiêm. Hoặc hiển bày tất cả hình tượng của chư Phật trong ba đời để trang nghiêm: Chư Phật ba đời: quá khứ, hiện tại và vị lai; dùng hình tượng của chư Phật ấy để trang nghiêm thế giới này. Hoặc trong khoảng một niệm: Trong thời gian rất ngắn ngủi của một niệm. Thị hiện trải vô biên kiếp: Thu vô biên kiếp thành một niệm, một niệm trải dài vô biên kiếp. Cảnh giới thần thông để trang nghiêm: biến dài thành ngắn, biến ngắn thành dài. Thu vô lượng kiếp thành một niệm, kéo dài một niệm thành vô lượng kiếp, dùng cảnh giới thần thông này để trang nghiêm thế giới.
Hoặc xuất hiện tất cả thân Phật để trang nghiêm. Hoặc xuất hiện tất cả mây thơm báu để trang nghiêm. Hoặc thị hiện tất cả ánh sáng chiếu soi của những vật trân báu diệu kỳ trong đạo tràng để trang nghiêm. Hoặc thị hiện tất cả hạnh nguyện của Phổ Hiền để trang nghiêm. Biển thế giới nhiều như cát bụi như thế. Lúc đó Bồ-tát Phổ Hiền muốn tuyên lại nghĩa trên, nương oai lực của Phật, quan sát khắp mười phương, rồi nói kệ rằng:
Hoặc dĩ xuất hiện nhất thiết Phật thân trang nghiêm, hoặc dĩ xuất hiện nhất thiết bảo hương vân trang nghiêm, hoặc dĩ thị hiện nhất thiết đạo tràng trung chư trân diệu vật quang minh chiếu diệu trang nghiêm, hoặc dĩ thị hiện nhất thiết Phổ Hiền hạnh nguyện trang nghiêm, như thị đẳng hữu thế giới hải vi trần số. Nhĩ thời, Phổ Hiền Bồ-tát, dục trùng tuyên kỳ nghĩa, thừa Phật uy lực, quan sát thập phương, nhi thuyết tụng ngôn:
Hoặc có thế giới, xuất hiện tất cả thân Phật để trang nghiêm: Thế giới chúng ta đây có rất nhiều núi và cây cối giống như là thân Phật vậy, dùng hình tượng này để trang nghiêm thế giới. Hoặc xuất hiện tất cả mây thơm báu để trang nghiêm: Trước kia không có, bây giờ có, gọi là xuất hiện: Hoặc có thế giới, xuất hiện tất cả mây thơm báu: Trong thế giới ấy xuất hiện tất cả trân bảo, tất cả mây thơm để trang nghiêm thế giới.
Hoặc thị hiện tất cả ánh sáng lấp lánh của những vật trân báu diệu kỳ trong đạo tràng để trang nghiêm: Ý nghĩa của thị hiện và xuất hiện gần như nhau. Nhưng thị hiện thì mang tính tạm thời; còn xuất hiện thì sau khi xuất hiện rồi nó thường như thế. Trong tất cả đạo tràng: Tất cả đạo tràng của chư Phật. Những vật trân báu diệu kỳ: Đạo tràng có nhiều vật quý báu diệu kỳ. Những vật trân báu diệu kỳ này lại phát ra ánh sáng lấp lánh, cho nên nói ánh sáng lấp lánh để trang nghiêm: Dùng ánh sáng của những vật trân báu diệu kỳ này để chiếu sáng, để trang nghiêm cho thế giới.
Hoặc thị hiện tất cả hạnh nguyện của Phổ Hiền để trang nghiêm: Hoặc có thế giới thị hiện tất cả Phổ Hiền: Tất cả Phổ Hiền, tức là đến mỗi đạo tràng của chư Phật, Bồ-tát Phổ Hiền đều làm trưởng tử của Phật, làm đại đệ tử của Phật. Tất cả hạnh nguyện Phổ Hiền, hạnh tu của Ngài không thể nghĩ bàn, cho nên phát ra lời nguyện cũng không thể nghĩ bàn.
Do đó, Bồ-tát Phổ Hiền rất nhiều, tại tất cả đạo tràng của chư Phật trong pháp giới biến khắp hư không đều có Bồ-tát Phổ Hiền. Bởi vì Bồ-tát Phổ Hiền tu tất cả nguyện, tất cả hạnh, mà thành tựu thần thông biến hóa Phổ Hiền. Cho nên dùng hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền để trang nghiêm thế giới này. Nhiều như thế:Mười loại thế giới trình bày ở trên là nói sơ lược; nếu nói cặn kẽ và sâu thì nhiều như số hạt bụi trong biển thế giới.
Lúc đó: Ngay lúc ấy, Bồ-tát Phổ Hiền: Bồ-tát Đại Hạnh Phổ Hiền muốn tuyên lại nghĩa trên: Ngài muốn nói lại một cách rõ ràng những điều đã nói ở trên. Do đó, Ngài nương vào đại oai thần lực của Phật Thích Ca Mâu Ni. Quan sát khắp mười phương: Ngài quan sát khắp nơi để tìm hiểu nhân duyên của chúng sanh trong mười phương. Rồi nói kệ rằng: Ngài dùng kệ tụng nói lại ý nghĩa trên một lần nữa.
Cõi Phật rộng lớn không giới hạn
Đều do nghiệp thanh tịnh tạo thành
Nhiều cách trang nghiêm, nhiều cách trụ
Tất cả mười phương đều đầy khắp.
Mây sáng báu vô lượng màu sắc
Nhiều thứ trang nghiêm chẳng phải một
Mười phương cõi Phật thường xuất hiện
Âm thanh vi diệu đang thuyết pháp.
Quảng đại sát hải vô hữu biên
Giai do thanh tịnh nghiệp sở thành,
Chủng chủng trang nghiêm chủng chủng trụ,
Nhất thiết thập phương giai biến mãn.
Vô biên sắc tướng bảo diễm vân,
Quảng đại trang nghiêm phi nhất chủng,
Thập phương sát hải thường xuất hiện,
Phổ hiện diệu âm nhi thuyết pháp.
Cõi Phật rộng lớn không giới hạn, đều do nghiệp thanh tịnh tạo thành: Cõi nước của chư Phật thì vô cùng vô tận, cho nên nói rộng lớn không giới hạn, nhiều không có số lượng. Sở dĩ nhiều như thế là do nghiệp thanh tịnh của chúng sinh tạo thành, cũng là do nguyện lực của chư Phật tạo thành. Vì thế giới này được thành tựu từ nghiệp thanh tịnh, nên có vô lượng trang nghiêm, cho nên nói nhiều cách trang nghiêm. Nhiều cách trụ: Có cõi nương trụ hư không, có cõi nương trụ vào những trân bảo. Tất cả mười phương đều đầy khắp: Hết thảy thế giới trong mười phương, pháp giới biến khắp hư không đều đầy đủ cõi nước của chư Phật.
Mây sáng báu vô lượng màu sắc: Có thế giới dùng mây sáng báu vô lượng màu sắc để trang nghiêm. Nhiều thứ trang nghiêm chẳng phải một: Không phải một loại trang nghiêm, mà có rất nhiều loại trang nghiêm. Tất cả trang nghiêm này đều do Bồ-tát tu hành lục độ vạn hạnh mà thành tựu nên. Mười phương cõi Phật thường xuất hiện: Chư Phật Bồ-tát ở cõi nước trong mười phương thường xuất hiện. Âm thanh vi diệu đang thuyết pháp: Hiện bày nhiều âm thanh vi diệu khắp nơi để thuyết pháp cho chúng sinh.
Hôm nay tôi nghĩ đến một công án của Đạo Lão Trung Hoa, nói ra cho quý vị nghe. Tuy công án này không phải của Phật giáo, nhưng cũng không nằm ngoài Phật giáo. Bởi vì Phật giáo bao hàm tất cả tôn giáo, không có một tôn giáo nào nằm ngoài Phật giáo. Cho dù là tôn giáo chửi Phật giáo, hủy báng Phật giáo, cũng đều bao hàm trong Phật giáo, không có chuyện nằm ngoài giáo nghĩa của Phật giáo. Bởi vì đạo lý của Phật giáo gồm pháp giới biến khắp mười phương, bao gồm mười phương ba đời. Đã là như thế, thì không luận quý vị tin Phật hay không tin Phật cũng đều bao hàm trong Phật giáo.
Từ ý nghĩa này, nên chúng ta cũng có thể giảng đạo lý của Đạo Lão, nhất là Lão tử trong Đạo giáo. Quý vị biết Lão tử là ai không? Lão tử chính là Tổ sư Ca Diếp đến làm Lão tử. Bởi vì ngài phát tâm tu hạnh đầu đà, muốn làm một hình thức đặc biệt, cho nên ngài hóa thân không phải Tổ sư Ca Diếp, mà hóa thân làm Lão tử. Còn Khổng tử chính là Đồng tử Thủy Nguyệt, cũng là một đệ tử của Phật. Còn Nhan Hồi à, đều như thế.
Vì muốn xiển dương Phật giáo Đại thừa tại Trung Hoa, cho nên trước tiên, các ngài hóa thân đến Trung Hoa, đề xướng lý luận của Đạo giáo, đề xướng lý luận của Nho giáo, hầu về sau kết hợp với Phật giáo làm một. Cho nên có người nói Nho-Thích-Đạo là một nhà. Điều này cũng có lý do, nhưng họ không hoàn toàn hiểu được, chỉ là thấy biết cái vỏ bọc bên ngoài mà thôi.
Công án muốn nói ở đây có nguồn gốc từ Sơn Tây. Tại vùng Sơn Tây Trung Hoa, có một người họ Vương, tên Vương Triết, là một “Võ cử nhân”, võ cử nhân tương đương với người học đến học vị thạc sĩ; còn ông ta thì học võ đến học vị thạc sĩ, gọi là võ cử nhân. Ông ta đã có vợ, có con, nhà rất giàu có, có thể xem là người giàu có nhất trong vùng. Có một năm, mùa đông tuyết rơi, có hai người ăn xin rách rưới nghèo khổ đứng dưới tuyết trước cửa nhà ông ta xin cơm.
Vừa thấy hai người đó, Vương Triết thấy thương xót, liền nói: “Hai người không cần đi xin ăn nữa, đến nhà tôi, tôi nuôi hai người.” Thế là ông ta liền mời hai người đó vào nhà với thái độ rất cung kính. Mặc dù họ là ăn xin, nhưng ông ta rất cung kính với họ, và mời họ ở lại nhà luôn, không nên đi nữa; ông ta muốn nuôi dưỡng họ suốt đời. Nhưng hai người ăn mày này cũng rất đặc biệt, rất kỳ lạ. Họ nói với ông: “Chúng tôi nghèo quen rồi, không muốn ở chỗ ông đây hưởng phúc, không muốn ở chỗ ông đây ăn đồ sẵn có. Chúng tôi chấp nhận chịu khổ, nếu ở tạm nhà ông đây vài ngày thì được.”
Thế là họ ở lại, và ở mãi khoảng một tháng. Bởi vì ngày nào hai người họ cũng đòi đi, nhưng ông không cho đi, cứ bảo họ nán lại thêm vài ngày nữa. Nhưng cuối cùng họ phải lên tiếng: “Chúng tôi nhất định phải đi rồi, ông không nên giữ chúng tôi nữa.” Vương Triết bèn nói: “Các vị nhất định muốn đi, được rồi, tôi tiễn các vị!”
Ông ta chỉ muốn tiễn họ ra đến cửa, đi vài bước là được rồi. Nhưng mà vừa đưa ra ngoài, thì giống như chuyện đức Phật Thích Ca Mâu Ni dùng thần thông thu nhiếp Tôn Đà La Nan Đà vậy, chớp mắt đã đi xa hơn hai mươi dặm. Cảm giác như mới đi vài bước mà đã đến một cây cầu cách xa hơn hai mươi dặm. Tại cây cầu đó, hai người ăn xin mới lấy hồ lô rượu của họ ra và nói rằng: “Tốt rồi! Hôm nay chúng tôi đi rồi, chúng tôi mời ông uống một ly. Ở chỗ ông chúng tôi uống rất nhiều rượu, hôm nay chúng tôi mời ông một ly”. Vương Triết nói: “A! Các vị cũng có rượu à? Hay quá!”. Họ lấy rượu ra uống đến ba ly. Khà! Sau đó hai người ăn xin nói: “Chúng tôi phải đi đây. Năm sau chúng ta gặp lại; vào hai số ba năm sau chúng ta gặp lại, vẫn ở trên cây cầu này. Năm sau chúng ta lại gặp, vào ngày có hai số ba, vẫn ở trên cây cầu này”. Nói xong họ liền lên đường.
Họ đi rồi, quý vị nói xem chuyện gì xảy ra? Vương Triết say nằm sóng soài trên cầu. Gia đình ông ta ư? Biết ông ta tiễn hai người ăn xin quá lâu không thấy về mới cho người đi tìm. Tìm mãi đến cây cầu kia liền đưa ông ta về nhà. Đợi đến khi tỉnh rượu, ông ta nghĩ: “Ôi! Hai người này, mình tiễn họ chỉ đi vài bước sao lại đến cây cầu kia rồi? Hai người này nhất định là thần tiên!” Ông ta bắt đầu hiểu ra: “Ôi! Thần tiên mà lúc ấy mình lại không biết, không nhận ra, thật là đáng tiếc quá!” Ông ta lại nghĩ: “À! Họ nói năm tới lại gặp mặt, vào ngày có hai số ba năm tới gặp mặt, vẫn trên cây cầu đó.” Ồ! Ông ta cũng hiểu rõ rồi: “Ồ! Ngày mùng ba tháng ba năm tới, họ sẽ chờ mình ở đó. Hay lắm!” Nhưng cũng từ hôm ấy ông ta ở trong nhà không đi đâu cả, vì vợ ông không cho đi, bà nói ông ta đi với mấy người ăn xin rồi say nằm trên cầu như thế rất nguy hiểm. Cho nên không cho ông ta đi ra ngoài nữa, thế là ông ta không đi đâu cả!
Đợi đến ngày mùng ba tháng ba năm sau, hai số ba mà; ngày mùng ba tháng ba ông ta lại đến trên cây cầu ấy đợi. Đến nơi, quả nhiên gặp hai người kia đang đợi. Ông ta rất vui mừng, liền đến quỳ trước hai người đó và nói: “Hai ngài là thần tiên sống rồi! Xin hai ngài dạy cho con tu hành như thế nào. Tu hành thế nào để dứt sinh tử”. Hai người kia nói: “Ồ! Bây giờ ông đã nhận ra chúng tôi. Được rồi! Chúng tôi sẽ truyền pháp cho ông!” Thế là hai người đó truyền cho ông ta phương pháp tu hành, dạy ông ta dụng công ngồi thiền, làm thế nào điều hòa hơi thở, làm thế nào luyện cửu chuyển hoàn dương đan, phương pháp luyện đan, đều truyền cho ông ta. Truyền pháp xong, hai người kia cáo từ. Vương Triết bèn hỏi tên của họ? Một người tên là “Kim Trọng” (金重), một người tên là “Song Khẩu” (双口). Kim Trọng hợp lại thành chữ Chung (锺), Song Khẩu hợp lại thành chữ Lữ (吕). Vừa nói ông ta bèn hiểu ra: “Ồ! Thì ra là hai vị tiên Chung, Lữ”.
Ở Trung Hoa, đời Hán có Chung Ly Toàn tu theo Đạo giáo thành tiên, đời Đường có Lữ Quýnh Tân thường gọi là Lữ Tổ. Hai người này có quan hệ thầy trò với nhau; Lữ Quýnh Tân là học trò của Chung Li Toàn. Cho nên ông biết: “Ồ! Thì ra hai vị tiên Chung, Lữ đến độ mình!” Do đó ông ta trở về nhà, trong nhà vừa có vợ vừa có con, tu hành sao đây? Nếu nói chân chính tu hành thì không tiện lắm. Không tiện, thì ông ta làm thế nào? Ông ta bèn giả vờ bị điên, giả vờ khùng, thấy người là đánh đập chửi bới, cấu xé lung tung. Có lúc thì cười ha ha; có lúc thì lại khóc. Ông ta chỉ giả điên như thế, chứ không phải điên thật. Thấy thế, vợ ông ta bèn kêu người làm một căn phòng riêng, cho ông ta vào ở trong đó, đến giờ thì mang cơm cho ông ta. Còn những lúc khác không ai dám gần; ai đến gần, ông ta nhào đến muốn ăn người đó. Ở trong căn phòng không có người, ông ta bắt đầu dụng công ngồi thiền, đóng cửa cách ly với đời sống bên ngoài. Và ông ta đã đóng cửa tu hành như thế mười hai năm, thì thành công. Sau đó ông đi đến Sơn Đông, bởi vì ở Sơn Đông có mấy người đệ tử của ông ta. Nhờ đã thành đạo, nên ông ta biết đệ tử của ông ta đều ở Sơn Đông.
Nên ông ta từ Sơn Tây, dùng thần thông ra khỏi gian phòng kia rồi đi đến huyện Thắng Hải tỉnh Sơn Đông. Vì trong huyện này có một người họ Mã, tên Mã Ngọc rất giàu có, có thể nói là giàu nhất trong huyện; nhưng hai vợ chồng hơn bốn mươi tuổi mà chưa có con. Ông ta quan sát nhân duyên khắp mười phương; và thấy đầu tiên nên độ Mã Ngọc và vợ của ông ấy là Tôn Uyên Trinh. Nhưng làm thế nào để độ họ? Ông ta nghĩ: “À! Sư phụ độ mình bằng cách xin ăn, cho nên mình cũng nên làm một người ăn mày, để độ đệ tử”. Thế là ông ta bèn cải trang thành một gã ăn xin, cầm cái bát sành màu vàng, ngày nào cũng đi đến thôn nhà Mã Ngọc, đi qua nhà ông ấy một lần để xin ăn. Cứ như thế mà hơn nửa năm đã trôi qua; hơn nửa năm mà Mã Ngọc không hề nói một câu gì với ông ta. Mỗi ngày ông ta đều gặp mặt Mã Ngọc và Tôn Uyên Trinh, nhưng không hề nói chuyện. Hai người đệ tử này không nhận ra sư phụ, gặp sư phụ mà không hỏi han gì cả; đệ tử không hỏi han gì đến sư phụ, thì sư phụ cũng không cách gì gần gủi đệ tử. Mặc dù sư phụ này từ bi, nhưng vẫn còn e ngại, dường như “ngã tướng” chưa không. Tuy là có thần thông, nhưng vẫn còn cái chấp “tôi có thần thông”.
Một ngày nọ, Mã Ngọc về nhà buồn rầu thở dài: “Chao ôi!” Vợ ông ta hỏi: “Ông buồn gì à?” Ông ta nói: “Buồn cái gì ư? Bây giờ chúng ta giàu có thế này, hơn bốn mươi tuổi rồi mà chưa có mụn con trai con gái nào. Nếu như chúng ta chết đi, thì tiền của làm sao đây?” Tôn Uyên Trinh bèn nói rằng: “Ồ! Ông nói tiền làm thế nào à? Tôi có cách! Tôi thấy hiện nay chúng ta nên tu đạo đi, có con cái thì cũng khổ như nhau. Có nhiều tiền, chúng ta có thể tìm một vị thầy giỏi để tu đạo, sau này có thể tu thành đạo nghiệp không còn sinh tử nữa.” Mã Ngọc nói: “Bà Thật là nằm mơ! Tu đạo dễ dàng vậy sao! Nhất là tu đạo, nói là tu đạo, nhưng mấy người tu thành chứ? Ai là thần tiên thật sự chứ? Ôi! Bà đừng nên ảo tưởng lung tung nữa.” Bà nghĩ đến cõi trời Phi phi tưởng xứ, gọi là “ảo tưởng phi thực tế”.
Tôn Uyên Trinh nói: “Không phải, chúng ta có thể tìm được một vị thiện tri thức.” Mã Ngọc nói: “Tìm thiện tri thức? Bà xem ai là thiện tri thức? Chúng ta theo ai học đạo?” Tôn Uyên Trinh nói: “À! Ông xem cái người mỗi ngày đến cửa nhà mình xin ăn, tôi xem tướng mạo ông ta không giống người bình thường. Ông ta chính là người có đạo, một vị thiện tri thức có đạo đức. Nếu chúng ta thương lượng với ông ta, mời ông ta dạy cho mình tu hành, thì nhất định sẽ thành công”.
Mã Ngọc nghe thế thì trong lòng dao động, liền nói: “Được! Đợi lần sau ông ta đến xin ăn tôi sẽ nói với ông ta.” Ngày hôm sau, Vương Triết – bây giờ đã đổi tên là Trùng Dương – lại đến xin ăn. Mã Ngọc gọi: “Này!” Ý là gọi ông già, cũng là cách gọi không cung kính cho lắm, hoặc là gọi: “Ông ăn xin!” “Này! Ông không nên xin ăn nữa. Ông đến nhà tôi ở, tôi có cơm cho ông ăn, ông không cần phải vất vả xin ăn thế này nữa. Từ hôm nay ông sẽ ở nhà tôi, tôi có phòng tốt cho ông, có thức ăn ngon cho ông. Ông không cần đi ăn xin nữa. Ông ăn mày, ông nói xem thế nào?”. Người ăn xin liền bảo: “Phòng tốt ông giữ lại mà ở! Cơm ngon ông giữ lại mà ăn! Tôi không thích ở phòng tốt của ông, cũng không thích ăn cơm ngon của ông, tôi chỉ thích ăn cơm tôi xin được, và ở chỗ mà tôi ưa thích”.
Mã Ngọc nghĩ gã ăn mày sẽ rất vui mừng tiếp nhận lời mời của ông ta, đến nhà ông ở, không ngờ là người ăn mày này đã cự tuyệt. Mã Ngọc vội vả vào nhà nói với vợ: “Bà nói người ăn mày đó là thiện tri thức, chúng ta theo ông ta học đạo. Tôi mời ông ta ở lại nhà mình, ông ta không chịu, không đồng ý.” Tôn Uyên Trinh nói: “Không đồng ý? Chắc chắn là ông nói không đúng rồi, nếu như ông nói đúng, làm sao ông ta không đồng ý được?” Mã Ngọc nói: “Vậy thì bà đi mời đi!”
Thế là người vợ liền ra nói với người ăn xin: “Ôi chao! Ngài đúng là người tu hành có đạo đức! Nay biết được ngài là người tu đạo chân chính, chúng tôi muốn thỉnh ngài ở lại nhà để dạy chúng tôi phương pháp tu hành, xin ngài từ bi nhận lời!” Ông ta nói: “Ủa? Bà mong tôi từ bi, vì sao bà lại muốn theo tôi học đạo?” Tôn Uyên Trinh nói: “Vì tôi thấy phong thái của ngài rất là tự tại, rất là tiêu dao, như thế thật là đáng quý!” Vương Trùng Dương bèn hỏi rằng: “Bà đã biết tôi tự tại tiêu dao, tại sao bà lại không muốn tự tại tiêu dao chứ?” Tôn Uyên Trinh nói: “Tôi muốn thanh tịnh mà không được thanh tịnh.” Tôi muốn được thanh tịnh mà không đạt được sự thanh tịnh. “Muốn tiêu dao mà không được tiêu dao.” Tôi muốn học sự tiêu dao tự tại của ngài, nhưng học không được. “Tôi không biết tu hành như thế nào, cho nên nay muốn bái ngài làm thầy, thỉnh ngài ở lại nhà cùng nhau tu đạo. Nhà chúng tôi có thể làm thành đạo tràng”. Vương Trùng Dương nghe bà ta nói thế thì đồng ý ở lại.
Lúc ấy là thời gian cuối đời nhà Tống. Vương Trùng Dương nhận lời mời đến ở nhà của Mã Ngọc. Ở được một thời gian, Vương Trùng Dương thấy Mã Ngọc cũng không phát tâm Bồ đề, chỉ vì muốn cho hai vợ chồng này tu đạo, cho nên một ngày kia, ông ta gọi Mã Ngọc đến bảo: “Ông biết tôi đến huyện Thắng Hải ở Sơn Đông này là vì lý do gì không?” Mã Ngọc nói: “Tôi không biết? Vậy vì lý do gì mà sư phụ lại đến đây?” Vương Trùng Dương bảo: “Tôi đến đây là vì ông.” Mã Ngọc lại hỏi: “Sư phụ đến đây tại sao lại vì tôi?” “Là vì tài sản của ông.” Mã Ngọc vừa nghe đến đây thì la lên: “A! Thì ra là tên lừa đảo, một người tu đạo cần tài sản của tôi làm gì? Lần này tôi mắc lừa rồi!” Ông ta lập tức đi báo với vợ: “Này! Bà nói sư phụ là thiện tri thức, theo tôi thấy là một tên lừa đảo, đến lừa tài sản của chúng ta. Lúc đầu ông ta nói đến là vì tôi, tôi hỏi sao lại đến là vì tôi? Ông ta nói đến là vì tài sản của tôi. Từ câu nói này có thể thấy, ông ta không phải là người tu đạo”.
Tôn Uyên Trinh nghe xong nói: “Chao ôi! Ông hiểu lầm rồi! Sư phụ nói thế đương nhiên có tông chỉ, có dụng ý của người. Ông không hỏi xem người cần tài sản để làm gì?” Mã Ngọc nói: “Điều này tôi không có hỏi”, “Thế thì ông đi hỏi đi!” Mã Ngọc bèn đi hỏi: “Sư phụ, lúc nãy ngài nói đến đây là vì tài sản của tôi, vậy đương nhiên là muốn dùng tài sản của tôi, thế ngài định dùng vào việc gì?” Vương Trùng Dương nói: “Nay ông có nhiều tiền như thế, có thể lấy ra cúng dường người tu đạo khắp mười phương. Tất cả những người tu đạo đều có thể ăn ở tại đây. Như thế, mọi người có thể an tâm dụng công tu tập. Ông làm người đứng đầu tạo công đức này. Như vậy thì tốt biết bao! Tôi đến vì tài sản của ông là như thế.” Mã Ngọc nghe xong mới vỡ lẽ, à, thì ra sư phụ muốn dùng tài sản của mình để làm đạo tràng, liền nói: “Thế thì được. Không có vấn đề gì.” Thế là, ông ta tuyên bố rộng rãi khắp nơi, thông cáo cho tất cả người tu đạo, ai muốn đến đây đều không cần đóng tiền, đạo ở đây không bán. Thế là có người đến tu hành, tất cả các thứ ăn, mặc, ở đều được cúng dường.
Lúc ấy mọi người khắp Trung Hoa đều nghe được tin tức này, có người thật tâm tu đạo thì đến thân cận thiện tri thức; có người thì nghe nói có ăn, có mặc, có chỗ ở, cũng chạy đến. Bởi vì có người gia đình rất nghèo, không thể duy trì được cuộc sống cho nên chạy đến đó; có kẻ là giặc cướp phạm pháp luật nhà nước, mọi nơi đều truy bắt, không còn chốn dung thân nữa, thế là chạy đến đây tu đạo để được an toàn; có người vì tuổi già lại không có con cái, nghe nói chỗ kia có ăn, có mặc, lại có chỗ ở, là một nơi tốt, thế là đến đó. Như vậy, người tu hành thực sự cũng đến nơi đó, người nửa tu nửa giả cũng đến tu, mà người chỉ vì cuộc sống cũng đến tu. Cho nên có đến ba bốn nghìn người cùng đến tu tập, đều ghi danh muốn ở đó tu đạo.
Thế là Vương Trùng Dương dạy cho họ tu đạo, dụng công tu luyện như thế nào, ngày nào cũng giảng kinh nói pháp, khai thị cho họ. Mọi người nghe đều rất vui mừng, không một người nào bỏ đi cả. Tại sao lại không có ai bỏ đi? Bởi vì ăn cũng ngon, mặc cũng tốt, mà ở cũng thoải mái, cái gì cũng tốt, không thể đi đâu tìm ra một nơi tốt như thế. Điều kiện tu đạo chủ yếu phải có pháp, có tài sản, có bạn lữ, có nơi ở. Pháp là hiểu rõ làm thế nào ứng dụng phương pháp tu hành, phải hiểu rõ Phật pháp, hiểu rõ phương pháp tu thân. Tài, là có tài sản để nuôi đạo. Nếu ở riêng một mình quý vị có thể nói: “Ở am tranh, ăn rau cỏ lá cây cũng được rồi”. Một người thì được, đông người thì phải có thức ăn, mà thức ăn phải tương đối một chút. Ít nhất cũng phải có sữa bò, phó mát. Như thế thì người tu đạo mới đủ dinh dưỡng.
Thế là mọi người ở đó tu tập trong thời gian rất lâu, khoảng hơn mười năm. Một ngày kia Vương Trùng Dương muốn ra ngoài du ngoạn, nhưng chưa kịp đi thì ông ta đổ bệnh. Bệnh rất kỳ lạ, toàn thân trương nhọt lở loét, trong những chỗ lở lại sinh rất nhiều trùng, những con trùng ăn máu mủ trong vết lở, rất là dơ bẩn, mùi hôi thối bốc lên, tuy không lan xa cả dặm, nhưng trong khoảng trăm bước thì có thể ngửi thấy mùi hôi tanh đó.
Thế là trong khoảng thời gian này, vấn đề ăn mặc của hơn ba nghìn đệ tử không được chu đáo đàng hoàng nữa. Bởi vì sư phụ mang bệnh, chuyện gì mọi người cũng qua loa không để tâm. Ba bốn nghìn đệ tử nhìn sư phụ đều than: “Ai da! Vị sư phụ này bình thường giảng kinh nói pháp cho chúng ta, dạy tu hành thế này, dụng công thế kia, có thể thoát sinh tử. Nay xem bản thân ông ta kìa, ‘Bồ-tát bằng đất’ qua biển khó giữ được thân. Chao ôi! Trên người sinh ra nhiều mụn lở, tanh hôi như thế! Nếu là người có tu hành đàng hoàng sao có thể mắc loại bệnh này chứ? Đây nhất định là tu hành không tốt nên mới phát sinh bệnh này. Chúng ta không nên theo ông thiện tri thức giả này tu hành nữa, chúng ta nên tìm một vị thiện tri thức chân thật khác.” Thế là ba bốn nghìn đệ tử bỏ đi hết, chỉ còn lại bảy người.
Bảy người còn lại gồm họ Khưu là Khưu Trường Xuân, họ Lưu là Lưu Trường Sinh, họ Đàm là Đàm Trường Chân, họ Mã là Mã Đan Dương, họ Hách là Hách Thái Cổ, họ Vương là Vương Ngọc Dương, họ Tôn là Tôn Uyên Trinh, tức là Tôn Bất Nhị. Bảy người này không đi, vì dù sư phụ có như thế nào họ cũng muốn gần gũi sư phụ, sư phụ có hôi cũng không sợ, vẫn ở lại chờ đợi. Khưu, Lưu, Đàm, Mã, Hách, Vương, Tôn bảy người ở lại chờ đến khi sư phụ lành bệnh, vết lở không còn, mùi tanh hôi cũng hết. Khi đã hoàn toàn bình phục, sư phụ liền nói với bảy người kia đến phương Nam du ngoạn. Một sư phụ dẫn theo bảy đệ tử từ Sơn Đông đi về phương Nam du ngoạn. Bảy người học trò ấy thay phiên nhau đi hóa duyên, xin cơm về ăn. Cơm của các học trò hóa duyên về Vương Trùng Dương đều ăn, riêng chỉ cơm của Khưu Trường Xuân mang về thì không ăn. Họ Khưu bèn đi xin rất nhiều bánh bao đem về cúng dường sư phụ, ông ta nghĩ: “Chắc chắn sư phụ sẽ vui thích, vì bình thường sư phụ thích ăn bánh bao”. Thế là ông ta lấy bánh để vào dĩa đem lên dâng sư phụ, nhưng sư phụ nỗi giận, hất đổ dĩa bánh, bánh văng lên trên núi. Khưu Trường Xuân từ từ lượm lại từng cái, để ăn không hề tức giận.
Tối đến, mấy thầy trò cùng ở trong một căn phòng. Sợ sư phụ lạnh, nên đêm đó họ đốt một đống lửa. Vương Trùng Dương nổi cơn thịnh nộ, dùng tay áo quạt một cái tắt hết đống lửa, lửa tắt khói xông lên khiến cho bảy người học trò bị ngộp ho sặc sụa, không thể ngồi thiền được, bèn đi ra bên ngoài ngồi. Ra bên ngoài dụng công, thì không lạnh nữa. Hôm sau họ quyết định trở về, không đi du ngoạn nữa.
Họ trở về ở nhà của Mã Ngọc. Lúc này Mã Ngọc cũng tu hành, vợ ông ta cũng tu hành, cho nên họ ở riêng. Một hôm sư phụ đến phòng của Tôn Uyên Trinh, nói với bà ta nhiều lời không đàng hoàng, những lời như không còn muốn giữ quy củ nữa: “Bà ở một mình quá cô độc, quá cô đơn, làm sao bà có thể chịu được.” Tôn Uyên Trinh nghe xong liền giận run lên: “A! Tôi vốn tưởng ông là thiện tri thức, ai ngờ ông lại là một kẻ hạ lưu như vậy! Thật là không có quy củ gì hết!” Nói xong bà ta bỏ chạy đến phòng của chồng và nghẹn ngào nói: “Chao ôi! Chúng ta nhận lầm sư phụ rồi! Ông sư phụ này, không phải là vị sư phụ tốt, chúng ta lần này mắc lừa rồi.” Mã Ngọc hốt hoảng hỏi: “Chuyện gì? Chuyện gì thế?” Bà ta nói: “Vừa rồi tôi ở bên phòng dụng công ngồi thiền thì sư phụ đến dụ dỗ tôi, nói với tôi những lời không đàng hoàng, lại nói tôi xinh đẹp như thế không nên một mình tu hành, nên tìm một người đàn ông, phải thế này, phải thế kia, toàn là những lời rất khó nghe!” Mã Ngọc phá lên cười: “Thật thế sao? Chúng ta đến đó xem.” Bà vợ bảo: “Ông không tin à, chúng ta đi đến phòng tôi xem sao”.
Tôn Uyên Trinh dẫn chồng về phòng mình, trong phòng chẳng có ai. Bà vội lên tiếng: “Chuyện này dễ hiểu thôi! Tôi vừa chạy ra, ông ta sự tôi nói với ông, nên đương nhiên cũng chạy rồi, việc này có gì để nói!” Mã Ngọc nói: “Ai da! Vừa rồi bà đến phòng tôi, tôi cũng vừa từ phòng sư phụ về. Người bảo tôi trở về, có người đến tìm tôi. Thì ra là bà đến tìm tôi. Vừa rồi tôi cùng sư phụ nói chuyện, sư phụ làm sao đến phòng bà được chứ? Điều này không đúng!” Tôn Uyên Trinh nói: “Ông thật là hồ đồ! Việc gì cũng không tin”. Ông ta không tin, bà chẳng có cách gì để thuyết phục! Thế là chồng bà tin sư phụ, nhưng bà thì không tin, bà nói gì ông cũng không nghe, cũng không tin, nên trở về phòng.
Qua vài ngày sư phụ lại đến phòng bà, cũng nói những lời không giữ quy củ như lần trước. Mắt đã không giữ quy củ, miệng cũng không giữ quy củ và tay cũng không giữ quy củ nữa. A! Cả ba nghiệp thân khẩu ý đều không thanh tịnh. Thấy thế, Tôn Uyên Trinh liền nói: “Sư phụ hãy ngồi đây đi, chờ tôi một lát, bây giờ tôi muốn ra ngoài, tôi đi nhà vệ sinh một xíu.” Thế là bà ta ra ngoài, dùng một cây gỗ chắn cứng cánh cửa lại, rồi khóa luôn bên ngoài. “Lần này xem ông chạy đi đâu?” rồi bà lại đi báo với chồng biết. Chồng bà nói: “Ồ! Bà lại đến nói sư phụ đến phòng bà nữa chứ gì? Chuyện này nói thật với bà, tôi cũng vừa từ phòng sư phụ về đây, sư phụ cũng nói bà lại đến tìm tôi.” Bà ta nôn nóng: “Tìm với không tìm, bây giờ ông đi mà xem!” Mã Ngọc đành phải theo vợ về phòng, dẹp bỏ cây chắn bên ngoài, rồi mở khóa ra, vào bên trong xem vẫn không có ai cả. Lần này thì Tôn Uyên Trinh biết mình sai rồi. À! Sư phụ đã ở cảnh giới không thể nghĩ bàn, đến thử nghiệm bà.
Lần này Tôn Uyên Trinh đã hiểu rõ sư phụ ngoài thân còn có thân, có hóa thân, vì thế đối với Vương Trùng Dương thâm tín không còn nghi nữa. Lại một ngày khác, bà ta đến phòng của Vương Trùng Dương, thỉnh cầu phương pháp tu hành. Vương Trùng Dương bảo tu hành phải có “Thánh Địa”, tức là phải có nơi linh ứng, ở Lạc Dương tỉnh Hà Nam có một vị chơn tiên, vị tiên thật sự, bà có thể đến đó tu hành không? Tôn Uyên Trinh nói: “Được. Tôi có thể đến đó để tu hành.” Vương Trùng Dương nói: “Bản thân bà có thể được, bà tự cho là mình có thể; nhưng tôi thấy bà không thể được. Vì bà quá đẹp, trên đường đi xa vạn dặm, bà đi đường chắc chắn gặp người không tốt, lúc ấy bà làm sao?” Tôn Uyên Trinh nói: “Sư phụ đừng nên lo lắng, tôi có cách”.
Bà ta trở về phòng, xuống nhà bếp lấy chảo rửa sạch sẽ, đổ vào ít dầu nấu cho sôi lên, sau đó đổ một ít nước vào chảo dầu, dầu nổ văng lên tung tóe, bà liền đưa mặt gần chảo dầu. Mặc dù không để mặt vào chảo dầu, nhưng những giọt dầu cũng văng lên đầy mặt, làm cho mặt bị bỏng phồng lên nhiều chỗ. Xong việc, bà đến gặp sư phụ và thưa: “Bây giờ tôi như thế này đã được chưa?” Sư phụ nói: “Ôi! Bà đúng thật là hơn người! Được rồi! Với dáng mạo hiện nay, tuyệt đối không có vấn đề gì.” Tôn Uyên Trinh từ đó đổi tên thành Tôn Bất Nhị. Bất Nhị, tức tu hành pháp môn bất nhị, và không tu pháp môn thứ hai, tức là chỉ chuyên tâm tu hành theo phương pháp sư phụ đã dạy.
Thế là bà đi đến Lạc Dương Hà Nam, ở trong một lò gạch cũ đổ nát tu suốt đến mười hai năm. Lúc ấy sư phụ của bà ở nhà Mã Ngọc lại sinh bệnh, bệnh rất nặng, nói năng cũng lộn lạo, giống như là bị bệnh thần kinh. Một ngày kia, ông nói với sáu đệ tử: “Nay tôi muốn bỏ ăn chay, không ăn chay nữa. Quý vị đi mua cho tôi vài cân thịt, tôi muốn ăn.” Những đệ tử hiếu thuận sư phụ, sư phụ muốn bỏ ăn chay, tuy không đồng ý nhưng cũng đi mua. Mua thịt đem về, Vương Trùng Dương nói: “Hôm nay tôi chưa ăn, quý vị đem treo trong phòng tôi đi.” Thịt treo trong phòng, trời nóng làm thịt bị hư, sinh ruồi nhặng, sinh ra rất nhiều côn trùng, nghìn vạn con trùng trong khối thịt chui vào chui ra; chui ra rồi chui vào, giống như bơi lội trong khối thịt vậy.
Thế là mùi hôi thối xuất hiện, không chỉ trong phòng hôi, mà cả nhà đều hôi. Hôm ấy Vương Trùng Dương ngồi dậy, gọi sáu đệ tử vào nói: “Mọi người đều đến đây cùng nhau ăn thịt. Thịt này một mình tôi ăn không hết, mọi người giúp tôi ăn, ai muốn ăn thì lấy ăn.” Bảo sáu đệ tử ăn, nhưng năm người kia không ai ăn, không những không ăn mà mắt cũng không mở, nhắm mắt giả điệu bộ tu hành. Riêng Khưu Trường Xuân thì đứng lên lấy một nửa miếng thịt xuống ăn, vừa ăn vào đã thốt lên: “Ồ! Hèn chi sư phụ để cho nó sinh giòi, hôi như thế! Thật là không gì ngon bằng, trước giờ con chưa ăn món gì ngon như thế.” Trong thoáng chốc, họ Khưu đã ăn hết và muốn lấy phần còn lại ăn nữa, Vương Trùng Dương nói: “Ngươi không được lấy nữa! Phần kia để lại cho ta ăn chứ! Cái thiên tiên trạng nguyên kia bị ngươi lấy đi là đủ rồi, không nên ăn nữa!” Khưu Trường Xuân vẫn chưa ăn đủ, còn năm người đệ tử kia rốt cuộc không biết miếng thịt kia ngon thế nào.
Sau đó Vương Trùng Dương ăn phần còn lại, ăn xong không bao lâu thì chết. Sư phụ chết rồi đệ tử đặt ông ta vào quan tài, đưa về nhà. Từ Sơn Đông đưa về Sơn Tây. Thật kỳ lạ, quan tài rất nhẹ, không hề nặng. Hai người trong bọn họ có thể gánh được, cho nên lúc nào cũng có thể thay đổi. Đến lúc ăn cơm, có người chuẩn bị cơm sẵn rồi, họ chỉ ăn, không cần phí thần, cũng không cần niệm chú ăn cơm. Cũng không cần giống như hai vị tam bộ nhất bái kia, đến lúc ăn cơm thì niệm “Mật tư bằng” (密斯鵬). Song ở đây cũng không cần niệm “Mật tư bằng”, tự nhiên có cơm đến. Mỗi ngày đến giờ cơm đều có người mang cơm đến, ăn mấy bữa có mấy bữa. Khưu Trường Xuân lên tiếng: “Ôi! Thật kỳ lạ! Đến giờ ăn sao lại có người mang cơm đến, việc này là nghĩa lý gì đây?”
Một hôm, đang ở cách nhà Vương Trùng Dương, cách Sơn Tây khoảng hơn một trăm dặm đường. Họ Khưu bèn nói dối với các sư huynh rằng: “Sư huynh! Sư huynh! Tôi bị đau bụng.” Giống như Kissinger ở Pakistan nói bị đau bụng vậy: “Tôi bị đau bụng rồi! Tôi muốn đi đến đằng kia tìm chỗ đi đại tiện.” Mấy sư huynh nói: “Được thôi!” Thế là ông liền đi về phía trước, vào trong thôn, vừa nhìn thì thấy sư phụ ông ta mặc áo dài vàng, đang đi vào một gia đình hóa duyên: “Sau kia có mấy người gánh một chiếc quan tài, họ không có cơm ăn. Các vị phát tâm từ bi, cúng dường cho họ một ít kết duyên. Ngày sau các vị việc gì cũng tốt, kiết tường như ý, có thể mọi việc thuận lời.” Khưu Trường Xuân thấy sư phụ ở đó họ hóa duyên cho họ thì vui mừng khôn xiết!: “Sư phụ, thì ra người chưa chết!”, nói rồi ông ta chạy đến ôm chân sư phụ không thả ra và thưa: “Sư phụ à! Người đã gạt chúng con chịu khổ rồi! Chúng con ngỡ rằng người đã chết rồi, thì ra người vẫn còn sống!” Ông ta cứ ôm chặt chân sư phụ không chịu buông ra, sư phụ bèn nói rằng: “Ngươi đúng là nghiệt chướng! Chuyên dùng cái thông minh của mình, ngươi có thông minh thì đem cất nó đi, ngươi cứ để thông minh lộ ra ngoài. Nay ngươi đừng vội, ngươi cần phải ba năm rèn luyện công phu nữa. Ngươi cần phải chịu khổ ba năm nữa, sau đó mới thành đạo nghiệp, bởi vì ngươi tận dụng sự thông minh nhỏ nhoi này của ngươi.”
Bởi vì trong số đệ tử Khưu Trường Xuân là người thông minh nhất. Chuyện gì chẳng ai nói ông cũng hiểu, ông hiểu được ý của sư phụ. Mặc dù sư phụ không ăn bánh bao của ông ta, nhưng ông ta biết là sư phụ thử mình, tất cả ông ta đều hiểu rõ! Không luận sư phụ nổi giận thế nào, ông đều nhẫn chịu, đều nhẫn nại. Lần này ông ôm chặt sư phụ, tưởng rằng sư phụ không thoát ra được! Không ngờ nói xong mấy câu đó thì không thấy nữa, sư phụ đã hóa thành làn gió đi mất. Từ đó không có ai đem cơm cho họ nữa, đến khi đói họ tìm “Mật tư bằng” cũng không tìm thấy. Do đó đoạn đường hơn trăm dặm còn lại rất là vất vả khó khăn, nhất là vấn đề ăn uống.
Rồi cuối cùng thì cũng đến nơi, mấy người đệ tử đưa quan tài sư phụ đến nhà, ở đó vài ngày, sau đó mọi người chia tay nhau. Có nhóm đi hai người, có người một mình đi tham học. Hách Thái Cổ đến núi Hoa Sơn làm một cái động đá. Làm động xong, có một người tu hành thâm niên đến hóa duyên. Ông muốn hóa duyên cái động của họ Hách mới làm xong: “Ngài biết làm động, vậy ngài cho tôi cái động của ngài đi, rồi ngài làm cái khác.” Ái chà! Hách Thái Cổ nghĩ, người tu hành lấy từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa, phải làm lợi ích cho người khác. Được thôi! “Vậy thì ngài ở đi!”. Thế là họ Hách làm lại một cái động khác, nhưng vừa làm xong thì có người đến hóa duyên, làm một cái khác nữa lại có lão đạo đến hóa duyên. Vì ông ta là thợ tạc đá, trước sau ở trên núi này ông làm được bảy mươi hai cái động đá, thì có bảy mươi hai người đến hóa duyên. Lúc đó ông ta nghĩ cách: “Mình làm động ở nơi người ta có thể đến được, thì đều bị người ta hóa duyên rồi. À! Mình đến nơi cao nhất làm động, người ta đến không được, mình có thể ở lâu dài nơi đó, không ai hóa duyên nữa.” Do đó, ông ta lên đỉnh núi, chỗ cao nhất. Núi Hoa sơn trong hệ thống Ngũ Nhạc của Trung Hoa là Tây Nhạc, trên đỉnh Tây Nhạc Hoa Sơn có rất nhiều trúc.
Tạ Băng Doanh đến núi Hoa Sơn rồi, không biết cô ta có nhìn thấy những cái động của Hách Thái Cổ không.
Thế là ông ta đến chỗ cao nhất núi làm một cái động mới, lần này đúng là không có ai đến hóa duyên, không ai đến xin cái động của ông ta, bởi vì đường lên xuống rất khó khăn. Nhưng lại có một người đến bái ông làm sư phụ, ông ta thu nhận người học trò thật thà đó. Người học trò này quả là rất thật thà, ở đó tu hành với ông ta. Ông ta lên trên núi, thả xuống một sợi dây xích, lên xuống phải bám vào dây xích, cho nên người bình thường không cách nào đến đó được. Thế là hai thầy trò yên ổn ở đó tu hành, người học trò thật thà kia hầu hạ và giúp ông ta làm một số công việc.
Có một hôm ông ta xuống núi, ông ta đi thì người học trò kia làm gì? Lúc này mới lòi cái đuôi ra là không còn thật thà nữa. Đợi sư phụ xuống nửa chừng, y bèn cắt đứt sợi dây xích, khiến sư phụ rơi xuống dưới vực sâu vạn trượng. Người học trò cho là sư phụ chắc chắn chết rồi, tất cả tài sản của sư phụ lúc này sẽ thuộc về y. Thế là y gom góp hết tài sản của sư phụ, đồ quý giá hay không quý giá đều gom hết lại một chỗ, vác lên chuẩn bị xuống núi. Y tưởng sư phụ té chết rồi, đang tìm cách xuống núi, đâu ngờ, ai chà, y nhìn thấy sư phụ từ phía bên kia trở về. Sư phụ hỏi y: “Ngươi đi đâu đó?” Y lắp bắp trả lời: “Sư phụ, người té… té xuống núi rồi mà. Con tưởng người vĩnh viễn không trở lại nữa, một mình con ở đây không được, do đó, cho nên con, con định đi.” Hách Thái Cổ nói: “Không nên đi, quay trở lại. Chúng ta vẫn cùng nhau tu hành.” Học trò nghĩ không ra: “Sao sự phụ té lại không chết?” Thế là y ở lại cùng sư phụ tu hành, sau một thời gian sư phụ đã độ cho người đệ tử thật thà kia không còn thật thà như thế nữa. Cuối cùng cả hai thầy trò đều tu thành công. Đó là chuyện của Hách Thái Cổ.
Còn Khưu Trường Xuân, Lưu Trường Sanh thì thế nào? Bây giờ nói chuyện Lưu Trường Sanh trước. Quý vị biết Lưu Trường Sanh đến nơi nào để tu hành không? Ông ta đến chỗ kỹ nữ, kỹ nữ thì bất luận Trung Hoa hay nước ngoài, trước kia đều có gái bán dâm, cùng nhau ở trên một con đường riêng biệt. Thế là họ Lưu đến con đường của kỹ nữ đó tu hành. Kỹ nữ là người nữ không giữ quy củ, nhưng ông ta lại đến chốn người nữ không giữ quy củ đó để tu hành. Mỗi ngày, mỗi kỹ nữ cài lên trên nón đạo sĩ của ông ta một đóa hoa. Những cô gái mỗi ngày cài hoa trên nón đạo sĩ cho ông ta, công việc làm ăn đều rất tốt, kiếm được rất nhiều tiền. Thế là mỗi ngày ông ta đều cùng với những người nữ không đàng hoàng để tu hành. Cho đến một ngày kia, huynh đệ có người nghe ông ta ở cùng với những người nữ không giữ quy củ, cho là ông ta bị đọa lạc rồi, bèn nghĩ cách cứu độ ông. Vì người huynh đệ ấy thấy ông ta đọa lạc, thì trong lòng không vui, cho nên nghĩ cách đi cứu ông ta. Thế là người huynh đệ tìm đến chỗ họ Lưu, thấy họ Lưu ngồi đó tu hành, người nữ kia cài cho ông ta một đóa hoa, ông ta nói nói cười cười với cô ta, tiếng cười ha hả rất thoải mái vui tươi.
Người huynh đệ bèn lên tiếng: “Chao ôi! Sư huynh à! Phải nên tu hành đàng hoàng! Ở chỗ thế này, cùng với những người nữ hư hỏng thế làm sao huynh tu hành được chư? Huynh nên đến chỗ khác mà tu hành đi.” Ông ta nói: “Được! Tôi đến nơi khác. Nơi nào có thể tu hành chứ? Huynh nói cho tôi biết đi?” Người kia nói: “Nơi nào à? Ôi! Lên trên núi thì chỗ nào cũng có thể tu hành mà!” “Được rồi, bây giờ tôi pha cho huynh một bình trà; huynh ở đây uống hết bình trà rồi đi!” Người huynh đệ nói: “Ồ! Huynh ở đây còn có trà nữa, đúng là hưởng thụ quá rồi! Tôi ở trên núi, đến một ly nước lạnh đôi khi còn không có mà uống!”
Thượng nhân hỏi đệ tử: “Quý vị hiện nay đều muốn uống nước đúng không? Hả?” Quả Du là người đầu tiên nói: “Dạ”. A! Good! Thế thì được rồi, đợi ông ta pha trà. Ông ta pha trà như thế nào? Ông ta mở cúc áo, bày bụng ra ngoài, lấy một bình nước bỏ lên trên bụng nấu, ôi, vừa nấu thì nước đã sôi. Người huynh đệ thấy thế nói: “Ồ! Thì ra đạo nghiệp của huynh ấy đã thành rồi, có thể dùng lửa chân tam muội để nấu nước. Còn mình vẫn chưa được!” Khi đã biết huynh đệ họ Lưu này không đọa lạc, người kia liền ra đi. Sau này Lưu Trường Sanh được gọi là “Lão tổ cài hoa”, “Lão tổ cài hoa” là vì ngày nào cũng có người nữ cài hoa cho ông ta. Cách tu hành của Lưu Trường Sanh là như thế.
Còn Khưu Trường Xuân, quý vị biết thế nào không? Sau cái lần gặp được sư phụ, nghe sư phụ nói phải hơn ba năm ra công rèn luyện, do đó ông ta liền đi khắp nơi tu luyện. Hôm nọ đi đến một con sông không có cầu, người qua lại rất khó khăn, đôi khi có người bị chìm chết. Thế là Khưu tổ phát tâm ở đó làm cây cầu người. Thế nào là cây cầu người? Người đến hai bên bờ, ông ta cõng người từ bờ bên này qua bờ bên kia, cõng người từ bờ bên kia về bờ bên này. Ông ta cứ ngâm mình dưới sông cõng người qua lại như thế, nhưng nước sông có độc, nên chân ông bị nhiễm độc chuyển thành màu đen. Dù vậy, ông ta cũng vẫn làm công việc ấy. Một thời gian sau ông ta gặp một người biết xem tướng, người này nói với ông: “Này! Ông ở đây cõng người ta qua lại hai bên bờ là một việc làm rất tốt. Tuy ông làm việc tốt, nhưng sau này cũng bị chết vì đói.” Ông ta hỏi: “Sao lại phải chết đói?” Người kia nói: “Ông có nghe câu “người có nếp nhăn rắn bay khóa kín miệng” không? Người có tướng này sẽ bị chết đói. Trên mặt ông có tướng này, cho nên sau này chắc chắn sẽ chết vì đói.”
Để dịch xong đoạn này rồi giảng tiếp.
Vừa rồi là từ “sáp hoa” (插花chāhuā) chứ không phải “trà hoa” (茶花 cháhuā); không phải tea flower. Sáp có nghĩa là cắm hoa vào bình. Như cách cắm hoa của Nhật Bản, cắm hoa trong Học viện hoa đạo, chỉ cách cắm hoa như thế nào. Cho nên là chữ “sáp” (chā), chứ không phải “trà” (chá). Còn nếp nhăn rắn bay khóa kín miệng: rắn bay là một loại rắn, mỗi bên miệng một con bao kín vành miệng. Người có tướng này sẽ chết đói. Khưu Trường Xuân thông minh thì rất thông minh, đáng tiếc là đức hạnh chưa đủ, đức hạnh còn thiếu, cho nên phải chịu rất nhiều khổ đau. Nghe người ta nói mình chết đói, bản thân ông nghĩ không thông, không hiểu được, tức là stupid, bèn nghĩ rằng: “Ôi! Sớm muộn gì cũng chết đói, đó là vận mệnh của mình, mạng sống của mình sẽ bị đói mà chết, vậy thì mình nên nhịn đói chết sớm cho rồi!”
Làm thế nào để đói chết? Ông ta đến một nơi, thấy một tảng đá nằm nơi không người qua lại, ông ta thầm bảo: “Thôi! Mình ngồi hay nằm trên tảng đá này không đi đâu hết, chết đói trên tảng đá này cho xong!” Thế là ông ta không đi hóa duyên, cũng không đi khất thực, chỉ ngồi trên tảng đá đó, ngồi không nỗi thì nằm. Đói quá không cử động nỗi thì nằm dài trên tảng đá, xem chừng như sắp chết đói rồi, nếu qua một vài ngày nữa sẽ chết, nhưng trong lúc thập tử nhất sinh đó, ngay chỗ ông nằm bỗng có nước xuất hiện, nước dưới sông dâng lên rất cao, lên đến tảng đá, trong dòng nước lại có một trái đào nổi lềnh bềnh. Trái đào rất lớn, chảy vào ngay miệng ông ta. Ông ta không muốn ăn ư? Cũng không biết ông ta muốn ăn hay không mà miệng tự động há ra, cũng không biết ông ta bảo nó mở ra, hay là cái miệng tự mở, việc này không thể tìm hiểu rõ ràng được. Vì miệng há ra, trái đào trôi vào trong miệng, thế là ông ta ăn luôn. Ăn xong trái đào thì tinh thần sảng khoái, không chết nữa.
Thoát chết, ông ta lại nghĩ: “Ôi! Ngươi thật đáng ghét! Ta ở trên tảng đá còn có đào chảy đến để ăn. Ai ya! Mình sẽ đi lên núi.” Thế là ông ta lên trên núi, nơi nước không chảy lên được, đem theo một sợi dây xích lớn, xích cổ mình vào cành cây rồi ngồi dưới gốc cây ấy: “Xem lần này ngươi có chết không? Lần này không có nước chảy đến, cũng không có đào, xem ngươi làm sao có thức ăn!” Sau khi xích cổ vào cành cây, ông ta quăng chìa khóa ra xa, không còn cách nào tìm lại được. Lần này chắc chắn là chết đói tại đây, chỉ ở đây mà chờ chết thôi. Lúc đang chờ chết, xem ra dường như cũng sắp chết đến nơi rồi, thì lại xuất hiện một người hái thuốc lên núi tìm thuốc. Find this medicine.
Người ấy đến nơi thấy vậy thì rất là kinh ngạc: Ôi, very surprised, rồi hỏi: “Ôi! Ông phạm tội gì thế? Tại sao họ lại trói ông lên cây thế này? Ông phạm điều luật gì? mà pháp luật nhà nước lại trói ông vào cành cây như vầy? Ôi! Ông thật là đáng thương, ông… ông phạm tội gì thế?” Ông ta trả lời: “Tôi không phải người phạm tội.” Người kia nói: “Ông không phạm tội, vậy ai trói ông vào cành cây?” Trả lời: “Tôi tự trói mình.” “Này! Sao ông thông minh thế, tự trói mình vào cành cây à?” Trả lời: “À! Ông anh không biết đó thôi, vì có người xem tướng cho tôi, nói tôi có tướng nếp nhăn rắn bay che kín miệng, nhất định là chết đói. Vì thế tôi nghĩ, ôi, lúc nào đó cũng phải đói chết, cho nên tôi mới nghĩ cách tự làm cho chết cho rồi!” Người kia nói: “Ông là đạo sĩ xuất gia, vì sao ông lại muốn xuất gia?” Trả lời: “Lúc xuất gia tôi muốn tu đạo dứt sinh tử, cầu trường sinh bất lão, đạt được sống lâu, sống hoài không chết.” Người kia nói: “Ồ! Vậy ông làm cách nào để không chết?” Trả lời: “Tôi tu hành thì sẽ không chết.” “Ồ! Ông tu hành thì sẽ không chết, vậy chuyện đói chết, ông không thể tu cho khỏi đói chết sao?”
À! Vừa nghe nói như thế, Khưu tổ liền hiểu rõ: “Ồ! Mình tu hành thì có thể không chết. Cho nên mình cũng có thể tu hành thay đổi số mạng chết đói của mình mà!”. Khưu tổ liền nói với người kia: “Ông nói thật là đúng, có thể không đói chết, có thể không đói chết, nhưng mà hiện nay tôi không còn cách nào thoát chết được rồi. Tôi tự khóa mình lên cây, giờ không cách nào tìm được chìa khóa để mở khóa, thế thì tôi còn cách nào để có thể sống tiếp chứ?” Người hái thuốc nói: “Không sao, tôi đi tìm chìa khóa giúp ông.” Nói xong, ông ta đến chỗ kia lấy chìa khóa đem về, giống như người hái thuốc là người đã để chìa khóa ở đó vậy. Có chìa khóa mở khóa, họ Khưu được cứu thoát, từ đó ông khổ luyện tu tập.
Khổ luyện tu tập như thế nào? Ông ta không cần thảo am, không cần bát, cũng không cần đũa, mặc thì áo quần chắp vá bằng những miếng vải cũ rách lượm trong đống phân mà người ta đã bỏ, may vá lại rồi mặc. Mặc thì rách rưới, ăn thì toàn là cơm thừa canh cặn xin của người ta từ khắp nơi, ở thì không một nơi nhất định, có lúc thì ngủ dưới gốc cây, có lúc thì ngủ bên bờ sông. Nói tóm lại, gặp nơi nào thì ở nơi đó, đến nơi nào thì ở nơi đó, cũng không cần lều bạt, cái gì cũng không có. Bát cũng không, đũa cũng không, thì mang theo món gì? Ông ta mang theo một cái gáo hồ lô dùng để uống nước, ăn cơm và dùng làm mũ để đội.
Một ngày kia tuyết rơi, ông ta tìm một đống phân ngựa của nhà người ta, sau đó khoét cái hố, tọa thiền trong đó, thân dựa vào đống phân. Trong lúc ngồi thiền, ông ta làm thơ: “Thân dựa đống phân đầu đội gáo, bên ngoài trắng xóa tuyết lao xao.” Lúc đó có một người đi ngang qua, nghe trong đống phân có tiếng người, lại có hơi nóng bốc lên. “A! Cái gì thế này?”, thế rồi người ấy nhặt nửa viên gạch, nhằm ngay cái gáo hồ lô mà đánh, làm cái gáo hồ lô bể ra làm hai. Ông ta bèn nói: “À! Một nhà no ấm nghìn nhà oán”, “Nửa viên gạch ném bể gáo hồ lô.” Ý ông ta muốn nói, nhà mình đây ăn no rồi, mặc cũng ấm. “Nghìn nhà oán”, tức là có rất nhiều người đều ghét, đều không vui, không muốn mình no ấm, cho nên mới lấy nửa viên gạch ném bể cái gáo hồ lô. Quý vị thấy! Đây đúng là “nhà hư người mất”, nhà tan cửa nát rồi!
Chao ôi! Vì thế tu đạo phải nếm trải đau khổ, chịu khổ, nhẫn nhịn khổ, nhẫn nại khổ, như thế mới được! Cho nên mấy vị không ăn cơm (tuyệt thực), hôm nay Quả Đạo gởi thư xin tùy thuận rồi, tức là đầu hàng vô điều kiện, nói hôm nay có thể uống nước được không? Hôm qua quý vị uống nước còn được, nói chi hôm nay. Tôi đây không thành vấn đề, tùy theo bản thân quý vị mà làm.
(còn tiếp)