KINH LĂNG NGHIÊM
NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại Phật Giáo Giảng Ðường San Francisco, California _ USA _ 1968
THỌ ẤM
A. Phạm Vi Của Thọ Ấm
B. MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA THỌ ẤM
1. Khởi lòng thương xót vô hạn
2. Cho mình bằng Phật
3. Định thiên lệch nhiều ký ức trầm trệ
4. Huệ thiên lệch nhiều cuồng ngạo
5. Cảm thấy như gặp hiểm nạn sanh tâm buồn vô hạn
6. Tâm an ổn phát sanh niềm vui vô hạn
7. Cho là viên mãn, tâm đại ngã mạn phát sanh
8. Nhân trí tuệ đạt khinh an cho là đã viên mãn
9. Tâm chấp trước không, phỉ báng giới luật
10. Chấp trước lòng yêu, ủng hộ dâm dục
THỌ ẤM
Phạm vi của Thọ Ấm
Kinh Văn:
A Nan! Thiện nam tử kia, tu Tam-ma-đề, trong Xa-ma-tha khi sắc ấm hết, thấy Tâm chư Phật giống như thấy hình tượng phản chiếu trong gương sáng.
Giảng:
A Nan! Thiện nam tử kia tu Tam-ma-đề. Tu tập công phu “phản văn văn tự tánh” hướng tánh nghe vào bên trong để nhận ra lại bản tánh của mình, tu tập nhĩ căn viên thông. Trong Xa-ma-tha (Shamatha) tĩnh lặng mọi niệm tưởng, khi phá sắc ấm, thì thấy Tâm của chư Phật như thấy hình tượng phản chiếu trong tấm gương sáng. Chuyện gì sẩy ra khi sắc ấm phá rồi? Ông thấy được Pháp môn Tâm ấn của chư Phật, như thể ông thấy bóng của chính mình (phản chiếu) trong gương vậy.
Kinh Văn:
Người đó như có chỗ sở đắc nhưng chưa dùng được giống như người bị bóng mộc đè, tay chân còn y nguyên, thấy nghe không lầm, nhưng tâm bị chế ngự bởi khách tà, không cử động được; đây gọi là phạm vi của Thọ Ấm.
Giảng:
Người đó như có chỗ sở đắc nhưng chưa dùng được giống như người bị bóng mộc đè. Trước tôi đã nói về loài quỷ Kumbhanda (Cưu Bàn Trà hay Yểm Mỵ quỷ). Loài quỷ này làm cho người ta tê liệt, người bị quỷ này đè, chân tay y nguyên, tứ chi nguyên vẹn không mất mát, thấy nghe không lầm hay mê muội, nhưng tâm bị chế ngự bởi khách tà, nên không cử động được. Đây gọi là phạm vi của Thọ Ấm. Trạng thái này là phạm vi của thọ ấm.
Kinh Văn:
Khi trạng thái bóng mộc đè tiêu mất, tâm rời khỏi thân, trở lại xem nghe được mặt mày, đi ở tự do không bị ngăn ngại. Đây gọi là hết Thọ ấm. Người ấy mới vượt khỏi được kiến trược. Xét nguyên do của Thọ ấm, nhận thấy vọng tưởng hư minh là cội gốc.
Giảng:
Khi trạng thái tê liệt bởi bóng mộc đè tiêu mất, tâm rời khỏi thân, trở lại thấy được mặt mày. Khi còn ở trong phạm vi Thọ ấm, thì giống như bị tê liệt bởi quỷ Cưu Bàn Trà, cho nên ông không được tự tại. Nếu tình trạng này biến mất tức là thọ uẩn đã bị phá sạch rồi, thì tâm sẽ thoát khỏi thân và ông có thể nhìn thấy được mặt ông. Đi ở tự do. Ông muốn đi đến nơi nào thì tùy tâm như nguyện, mà ông không muốn đi cũng được như nguyện, vô câu vô thúc, không bị ngăn ngại, hoàn toàn không bị trói buộc nữa. Đây gọi là hết Thọ ấm. Cảnh giới này là thọ ấm đã bị phá rồi, không còn nữa, người ấy mới vượt khỏi được kiến trược. Đó là một trong năm món trược của ngũ trược ác thế. Xét lại nguyên do của Thọ ấm thì vọng tưởng hư minh là cội gốc của Thọ ấm.Khi Thọ ấm được phá sạch rồi thì cái gốc của nó cũng tiêu tan luôn.
1. Khởi lòng thương xót vô hạn
Kinh Văn:
A Nan! Người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái như thế, cảm nhận một ánh sáng rực rỡ, trong tâm sinh khởi một loại cảm xúc. Do bên trong đè nén quá phần, bỗng dưng phát khởi lòng thương xót vô hạn, đến nỗi xem muỗi mòng như là con đỏ. Tâm sanh trắc ẩn, bất giác rơi lệ.
Giảng:
A Nan! Người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái như thế, cảm nhận một ánh sáng hết sức rực rỡ, trong tâm ông ta tự nhiên sinh khởi một loại cảm xúc, một sự cảm tưởng. Do bên trong đè nén quá phần, bởi vì ông ta ngăn phục, kiềm giữ tư tưởng thái quá. Khi sự dồn nén bên trong quá mức,bỗng dưng phát khởi lòng thương xót vô hạn. Thương xót những ai? Thương xót mọi loài chúng sanh, đến nỗi xem muỗi mòng như là con đỏ. Tiếng Hán gọi con mới sanh là Xích Tử, do da của trẻ mới sanh có mầu đỏ. Tâm sanh trắc ẩn, bất giác rơi lệ. Bất tri bất giác ông lại bật khóc.
Kinh Văn:
Đây gọi là “đè nén tâm quá mức trong khi công phu.” Nhận ra điều đó thì không có gì sai trái. Chẳng phải là chứng Thánh. Nếu biết rõ như vậy không còn mê lầm nữa thì trạng thái đó tự tiêu vong. Nếu nghĩ là mình chứng Thánh thì bị loài ma bi lụy (bi ma) nhập vào tim gan. Mỗi khi thấy người thì thương xót và kêu khóc không thôi. Mất đi chánh định, từ đó đọa lạc.
Giảng:
Đây gọi là “đè nén tâm quá mức trong khi công phu.” Trạng thái này có thể sanh khởi trong khi dụng công tu tập. Nó xảy ra vì ông đã đè nén tâm thái quá. Nếu ông minh bạch, nhận ra điều đó thì không có gì sai trái. Nếu ông hiểu ra mình đã sai lầm và tự nhủ: “Tại sao ta lại khóc lóc vô cớ như vậy? Ta phải thay đổi ngay.” Hiểu rõ như vậy rồi sẽ không có vấn đề. Cảnh giới này không phải chứng Thánh. Đó không có nghĩa là ông đã chứng được tâm “Đồng Thể Đại Bi”. Đừng nghĩ rằng thương xót các loài muỗi mòng và các loài côn trùng nhỏ nhít như là con mới đẻ của mình là tâm Đồng Thể Đại Bi. Nếu biết rõ như vậy, không còn mê lầm nữa, trạng thái “thương xót” đó sẽ biến mất. Nhưng nếu nghĩ là mình đã chứng Thánh. Nếu ông nghĩ: “Ồ! Bây giờ ta đã có được tâm đồng thể đại bi, công phu tu tập của ta thực sự đã thành tựu” thì sẽ có ma bi lụy, là loài ma gặp bất cứ người nào cũng đều bật khóc, nhập vào tâm ông,chiếm lấy thân ông, khiến ông bất cứ gặp ai thì thương xót, kêu khóc không thôi, khóc mà chẳng biết tại sao sanh mình sầu bi như thế.
Khi còn ở Mãn Châu, tôi biết một nguời phụ nữ tên là Lưu Kim Đồng, gặp phải trạng thái như vậy. Bất kỳ khi gặp người, cô bật khóc và nói: “Trong tiền kiếp người là con tôi, bây giờ trở về, người đã tìm gặp được mẹ rồi đó”. Bằng nước mắt, bà ta làm cho người ta mê hoặc, cho rằng thực sự gặp được mẹ. Nhưng thật ra là đã gặp ma vương. Mất đi chánh định từ đó đọa lạc, nếu ông nghe theo ma vương, ông sẽ rơi vào địa ngục.
2. Cho mình bằng Phật
Kinh Văn:
Lại nữa A Nan, người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái định này thấy sắc ấm tan rã, hiểu rõ thọ ấm. Lúc ấy cảnh giới thù thắng hiện ra, cảm kích quá phần. Trong trạng thái như thế, bỗng sanh dõng mãnh vô hạn, tâm quá mạnh mẽ, cho mình bằng Phật, nói có thể vượt qua ba a-tăng-kỳ kiếp chỉ trong một niệm.
Giảng:
Lại nữa, A Nan người thiện nam kia bao gồm tất cả những thiện nhân đang tu Đạo, khi ở trong trạng thái định này, thấy sắc ấm tan rã, thấu rõ thọ ấm. Trong năm uẩn, biết rõ sắc ấm đã tiêu rồi và cũng hoàn toàn minh bạch thọ ấm. Lúc ấy cảnh giới thù thắng hiện ra, cảm kích quá phần. Một cảnh tượng hết sức đặc thù hiện ra trong tâm người ấy, cho nên ông ta rất là cảm kích. Nhưng thái quá thì đồng như bất cập. Không có gì khác biệt giữa người đi quá mục tiêu và người không đến kịp đích, cả hai đều không hợp với nghĩa trung đạo. Ví như khi đi du lịch nếu ông đi vượt quá nơi ông muốn đến thì cũng đồng như ông đi chưa đến vậy. Trong trạng thái này, trong cảnh giới định như thế, người ấy bỗng sanh tâm dõng mãnh vô hạn, tâm quá mạnh mẽ, dõng mãnh tinh tấn một cách đáng sợ chưa từng có, cho mình bằng Phật, nói rằng Đức Phật và ta như nhau, nói rằng có thể vượt qua ba a-tăng-kỳ kiếp chỉ trong một niệm. Cho rằng có thể vượt qua a-tăng-kỳ kiếp thứ nhất, thứ hai, thứ ba chỉ trong một niệm. Do đó y nói y là Phật, không những tuyên bố chính mình là Phật, mà nó còn nói mọi người là Phật. Những người như thế đã rơi vào tà tri tà kiến. Thực sự là mỗi người đều có sẳn một Đức Phật trong tâm, nhưng phải nhờ công phu tu tập mới nhận được ra Phật tánh. Ngay cả khi quyết tâm tu hành, cũng không thể trở thành Phật chỉ trong một niệm mà phải cần thời gian rất lâu xa. Dù thời gian ấy có thể rút ngắn lại nhờ hiểu biết và thực hành đúng Chánh Pháp, vẫn khó có thể thành Phật chỉ trong một niệm. Người ấy tu hành nhưng không được Thiện tri thức hướng dẫn chỉ dạy mà tự mình lại không có trí huệ; cho nên, dù có tu tập cần khổ, tinh tấn cho mấy đi nữa, ông ta chỉ tăng trưởng tà tri tà kiến mà thôi. Tự thấy rằng trải qua một thời gian tu tập lâu dài như vậy mà không thành Phật, nên tuyên bố mình là Phật, nói là mình đã thành Phật rồi. Đây là tình trạng “sánh mình bằng Phật”. Tình trạng này xảy ra khi thọ ấm tan rã. Y nói rằng y đồng như chư Phật. Thực ra chỉ một niệm sai lầm đó, ông ta đã bị ma nhập vào.
Kinh Văn:
Đây gọi là “quá nôn nóng muốn hoàn hảo công phu.” Nếu nhận biết thì không sai lầm. Trạng thái đó không phải là chứng Thánh. Nếu biết rõ như vậy và duy trì sự sáng suốt thì trạng thái ấy tự sẽ tiêu mất. Nhưng nếu nghĩ là Thánh, liền có ma cuồng (cuồng ma) nhập vào tim gan. Khi gặp người sẽ khoe khoang về mình. Người ấy trở thành cực kỳ ngã mạn, đến mức trên không còn thấy chư Phật, dưới không thấy có ai. Mất đi chánh định, từ đó đọa lạc.
Giảng:
Nay đang nghe giảng kinh Thủ Lăng nghiêm. Bây giờ chúng ta đã đến chương rất quan trọng nói về năm mươi trạng thái ma sự được phát sanh từ ngũ ấm. Nếu người tu mà không hiểu năm mươi trạng thái ngũ ấm ma này, thì sẽ dễ dàng đi lạc. Nếu quý vị không nhận biết được cảnh giới của ấm ma, thì sẽ hồ đồ mà khoác lác khoe khoang hoặc cho mình là phi thường. Do vậy tôi khuyên quý vị nên khuyến khích bà con bạn bè của mình đến nghe giảng phần năm mươi trạng thái ngũ ấm ma này, để họ biết được từng loại cảnh giới khi tu hành.
Đây gọi là “quá nôn nóng muốn hoàn hảo công phu”. Trạng thái này xảy ra như một kết quả nỗ lực của ông trong khi tu hành. Vì hậu quả thái quá từ sự chuyển hóa bên trong tự tánh khiến ông trở nên dõng mãnh như vậy. Người tu phát tâm dũng mãnh thì được, chẳng phải sai gì. Ông phát tâm dũng mãnh tinh tấn tiến về phía trước thì đúng đó, nhưng không được sanh tâm ngã mạn. Không nên nói: “Ta là Phật!” Ông là Phật rồi thì sao? Phật thì thuyết ba tạng, mười hai phần kinh. Ông đã thuyết được mấy tạng, mấy phần kinh? Ngay như thấu hiểu, ông cũng không đặng? Vậy mà tự cho mình là Phật rồi sao? Làm sao có chuyện ấy chớ! Nếu Phật thuyết ba tạng, mười hai phần kinh tất cả kinh điển, mà ông một tạng không biết, một phần không thông thì sao thành Phật? Ngay cả khi ông có thể thông hiểu từng đạo lý và giảng giải rành mạch ba tạng, mười hai phần, thì cao nhất là ông có thể gọi mình là một đệ tử của Đức Phật chứ không thể xưng là Phật được! Vì cảm thấy trên thế giới ai cũng cung kính Phật nên y muốn làm Phật. Rằng: “Chết rồi, cũng sẽ được người cúng dường”. Kỳ thật, chết rồi, chôn xuống đất, biến thành tro, thứ gì cũng chẳng còn!
Nếu nhận biết thì không sai lầm. Hoàn toàn tốt đẹp nếu có được sự tinh tấn dõng mãnh như thế. Miễn ông hiểu rằng: Đó chỉ là một cảnh giới mà thôi, đókhông có nghĩa là đã chứng quả Thánh. Không phải là chứng Thánh. Nếu ông nhận rõ như vậy và duy trì sự sáng suốt, lâu dần trạng thái ấy sẽ tự tiêu mất. Nhưng nếu nghĩ mình là Thánh. Nói rằng: Ồ đây nghĩa là ta đã thành Phật. Liền bị ma cuồng ngông nhập vào tâm. Nên quý vị thấy đó, nếu quý vị không nhận biết năm mươi trạng thái ngũ ấm ma, thì làm sao mà quý vị thành Phật được? Loại ma này là loại ma ngông cuồng, cống cao, ngã mạn. Khi nó len luồng vào tâm ông, chiếm hữu ông, nó tống khứ linh hồn của ông ra ngoài, thay vào đó là “ma vương tại đường”, ma vương thay thế và trở thành linh hồn của ông.
Khi gặp người bất luận người nào, liền khoe khoang về mình, cho mình là đúng và người khác đều sai. Người ấy dèm pha bôi nhọ người khác và tự tán dương mình. Mọi người đều sai trái hết thảy chỉ có riêng mình ông ta là đáng trọng thôi. Y cho rằng y đã thành Phật rồi.
Người ấy trở nên cực kỳ ngã mạn đối với mọi người, đến mức trên không còn thấy có Phật nữa. Vì sao? Vì ông ta cho chính mình là Phật. Và dưới không thấy người. Ông ta cũng không thấy có người. Thế thì hắn ta thấy cái gì? Hắn nói mọi người đều là Phật, chính hắn cũng là Phật, là vô thượng, chẳng có vị Phật nào ở trên hắn nữa. Hắn là Phật và tương lai tất cả sẽ thành Phật theo hắn, cho nên hắn “dưới không thấy người”. Mất đi chánh định, từ đó đọa lạc. Những người như vậy nhất định sẽ đọa lạc.
3. Định thiên lệch nhiều ký ức trầm trệ
Kinh Văn:
Lại nữa, khi ở trong định, vị thiện nam tử ấy thấy sắc ấm tiêu vong, thấy rõ ràng thọ ấm. Lúc bấy giờ, trước mặt thì chẳng có cảnh chứng ngộ gì mới. Quay về kinh nghiệm cũ thì cảnh cũ chẳng còn. Vì sức trí huệ yếu ớt nên y rơi vào thế bế tắc, chẳng thấy cái gì (ở trước) cả. Lúc ấy trong tâm y đột nhiên sanh ra cảm giác khô khan và khát khao. Lúc nào ký ức cũng trầm trệ không phân tán. Y cho rằng đây là dấu hiệu của sự tinh tấn.
Giảng:
Trong quá trình tu hành, người tu định thấy sắc ấm tiêu vong, thấy thọ ấm rất rõ ràng. Lúc nhìn về phía trước (tương lai) thì chưa có chỗ chứng đắc nào mới. Nhìn về đàng sau (quá khứ) thì chỗ an trú xưa kia đã không còn đó nữa. Vì sao có cảnh này? Vì trí huệ của y chưa đầy đủ, cũng không có đủ dũng mãnh, sắc bén. Trên phương diện công phu thì y hốt tiến hốt thối, cũng tức là lúc y vào chỗ bế tắc, sắp sửa đọa lạc vậy.
Lúc ấy vị hành giả không có cảm giác gì, cũng chẳng có thấy gì khác biệt. Đột nhiên trong tâm của y phát sanh một thứ cảm giác: hết sức khô khan, khát khao. Trong tâm cảm thấy vô cùng đơn điệu, chán chường, khô khan, cũng như khát nước vậy. Nhìn mọi sự bên ngoài, y cũng cảm thấy khô khan, đơn điệu, chẳng có ý nghĩa gì. Y cảm thấy khát. Khát gì? Phật Pháp. Y cần nước Pháp lại tươi nhuận, vì y cảm thấy mình như bị khô cằn đi, rồi sẽ chẳng còn gì cả.
Như những người thường không tu hành thì nói: “Tôi cảm thấy rất cô đơn, chán chường vô vị.” Vì chán quá nên lúc đó y sẽ tác quái! Tức là làm cái đó (làm chuyện dâm dục). Thế nào là sự chán chường vô vị? Tôi vốn không muốn nói ra, nhưng sợ quý vị không hiểu nên lại phải nói. Thì đây: giống như chuyện người nữ tưởng nhớ đến người nam, nhớ nhung đến độ lòng cô ta bồn chồn, bức rức rồi khô khan, khao khát vô cùng. Người nam nhớ nghĩ đến người nữ thì cũng khao khát, đơn điệu, chán chường. Như thử phải tìm kiếm một vật bị đánh mất. Tìm nhưng tìm không ra, nên sanh cảm giác ê chề chán chường.
Vị hành giả lúc ấy ký ức trầm trệ không sao phân tán, lúc nào y cũng như người bi bịnh tương tư, luôn luôn nhớ nghĩ; y cứ nghĩ đi nghĩ lại không thể quên người tình. Hành giả bấy giờ nhận lầm rằng sự trầm ức không phân tán, khô, khát, chán chường là một thứ tinh tấn. Kỳ thật đây là một cảnh giới của thọ ấm, lúc hành giả chưa khai trí huệ.
Kinh Văn:
Cảnh giới này gọi là “tu tâm mà tự thất vì thiếu trí huệ.” (Tự thất nghĩa là cảm giác lạc lõng không biết đi về đâu). Nếu nhận biết được thì không lầm lỗi. Không phải là chứng Thánh. Nếu tự cho mình chứng Thánh liền bị loài ma nhớ (ức ma) nhập vào tâm. Đêm ngày như nắm cái tâm treo vào một nơi. Mất đi chánh định, từ đó đọa lạc.
Giảng:
Đây là cảnh giới của thọ ấm, gọi là “tu tâm mà tự thất vì thiếu trí huệ”. Các ông chưa phát trí huệ nhưng đừng lo sợ vì chưa có trí huệ, vì nếu nhận biết được thì không lầm lỗi. Nếu ông hiểu ra đó chỉ là một cảnh giới, thì không có chuyện gì. Nhưng nếu không hiểu được thì ông sẽ rơi vào tình trạng “trầm không trệ tịch”; luôn đắm mình trong nhớ tưởng (trầm ức bất tán) không thôi, thì ông sẽ khô mòn mà chết; khô chết thì có thành tựu gì chớ! Cảnh giới nàykhông phải là chứng Thánh. Cảnh giới này không phải là ông có chứng đắc được điều gì hay là chứng Thánh quả. Đừng nhận giặc làm con.
Nếu tự cho mình chứng ngộ thì sẽ bị loài ma nhớ nhập vào tâm. Ông có nghe chăng? Đây thật là nguy hiểm! Nếu ông xem đó là cảnh giới tốt lành, một loại ma nhớ (ức ma) sẽ đến và giúp cho ông nhớ kỹ mọi việc. Ông không nhớ điều gì hả? Nó sẽ giúp cho ông nhớ, giúp ông không quên. Nó thấy ông đắm mình trong nhớ tưởng, nó đến nhập vào tâm ông để giúp cho ông nhớ. Ngày đêm như nắm cái tâm treo vào một nơi. Mất đi chánh định, từ đó đọa lạc, trong tương lai sẽ đọa vào địa ngục.
4. Huệ thiên lệch nhiều cuồng ngạo
Kinh Văn:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ và thấy rõ ràng thọ ấm, Huệ trở nên mạnh hơn Định, lầm lẫn mà trở thành mạnh mẽ sắc bén; ôm ấp tánh siêu việt đó nên tưởng mình là Phật Lô Xá Na tự hài lòng với chút ít sở đắc của mình.
Giảng:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, thấy rõ ràng thọ ấm, huệ trở nên mạnh hơn định, huệ lực vượt quá định lực. Lầm lẫn mà trở nên dũng lợi, do đó ông ta tự mình sinh khởi ra cái tâm hết sức dũng mãnh, sắc bén. Ôm ấp tánh siêu việt của mình, tự tâm đã nghi mình là Phật Lô Xá Na. Ở cảnh giới này hành giả xem bản tánh của mình siêu việt và phi thường, nên luôn luôn nghĩ về nó. Ôm ấp, nhớ tưởng về cái bản tánh thù thắng ấy mà nghi rằng chính mình là Phật Lô Xá Na.
“Lô Xá Na”, tiếng Phạn có nghĩa là “Ánh sáng chiếu khắp mọi nơi”. Bởi vì ông ta cho rằngmình đã là Phật Lô Xá Na, cho nên tự hài lòng với chút ít sở đắc của mình. Ông ta có được chút ít tiến bộ, rồi trở nên tự mãn; thật ra, định lực ấy cách hẳn định lực của Phật rất xa mà ông ta lại tuyên bố là mình đã thành Phật Lô Xá Na.
Kinh Văn:
Trạng thái này gọi là “dụng tâm mà quên mất sự suy xét thường xuyên, nên sa đắm nơi tri kiến.” Nếu biết thì không lỗi, trạng thái đó chẳng phải là chứng Thánh. Nhưng nếu nghĩ là chứng ngộ thì ma hạ liệt dễ tự mãn (hạ liệt dị tri túc ma), nhập ngay vào tâm, mỗi khi gặp người liền tự xưng “ta đã được Vô thượng Đệ nhất nghĩa đế.” Mất đi chánh định, từ đó phải đọa lạc.
Giảng:
Trạng thái này gọi là “dụng tâm mà quên mất sự suy xét thường xuyên.” Ông không thường công phu ngay việc thường thường thẩm sát lại chính mình, trở nên ngưng trệ nơi tri kiến do không thể phân biệt giữa điều mình biết và điều mình suy nghĩ, nên bị ngưng trệ và kẹt vào những ý tưởng và quan niệm của chính ông.
Nếu biết thì không lỗi, sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra. Trạng thái đó chẳng phải là chứng Thánh. Nhưng nếu nghĩ là chứng ngộ, nếu nghĩ rằng ông đã chứng được cảnh giới siêu việt nào đó, thì ma hạ liệt dễ tự mãn – một loại ma hạ tiện, đê tiện nhất, tự mãn trong bất kỳ tình huống nào, nhập ngay vào tâm. Ma ấy đục vào tâm ông, gá vào thân ông, đuổi hồn ông chạy mất. Kỳ thật, ông chỉ là một cái vỏ, nhưng ông vẫn không nhận biết. Mỗi khi gặp người liền tự xưng: “Các người biết chăng: Ta đã chứng được Vô thượng Đệ nhất nghĩa đế.”
Hiện tại (1968) hàng ngày có một người đứng trên đường Grand ở phố Tàu, tại khu trung tâm thương mại của San Francisco, y phục sặc sỡ, bảo mọi người rằng: “Tôi tu trong núi đã năm năm, nay đã chứng ngộ. Bây giờ tôi như vậy, như vậy, tôi đã có thần thông...” Trước đây anh ta lạy tôi làm sư phụ, nguyên lai là đệ tử quy y tôi. Nhưng anh ta không nghe lời dạy. Quý vị đoán xem, trước khi tôi đến Hoa Kỳ, anh ta đã làm gì? Anh ta quảy một bình hồ lô thật to trên lưng, trên hồ lô viết rằng: Tôi là đệ tử của Độ Luân Pháp sư, đã học được rất nhiều bản lãnh; ai có việc gì, tìm tôi thì giải quyết được vấn đề. Anh ta đã dùng tên tôi để lừa đảo mọi người trước khi tôi đến Hoa Kỳ. Hiện tại tôi đã đến Hoa Kỳ, anh ta vẫn còn lừa đảo mọi người, nhưng anh ta không lợi dụng tên tôi để bịp nữa. Đây chính là loại ma mà đoạn kinh này đang đề cập đến. Hắn ta tuyên bố đã đạt được Đệ nhất nghĩa đế.
Mất đi chánh định, chắc chắn sẽ bị chìm đắm. Anh ta đã mất sạch chánh định, anh ta cũng không nghe lời tôi dạy. Từ khi tôi đến Mỹ, giảng kinh anh ta cũng chẳng đến nghe, thuyết pháp anh ta cũng không đến nghe. Anh ta thì tuyên bố anh ta đã đắc Đạo, đã khai ngộ, đã có thần thông. Rốt ráo là thần thông gì? Quý vị chắc đoán không ra đâu. Đó là: tiền, tiền, tiền! Ai da! Lừa gạt người! Thế nên, từ đó sẽ đọa lạc.
5. Cảm thấy như gặp hiểm nạn sanh tâm buồn vô hạn
Kinh Văn:
Lại nữa, khi hành giả ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Hành giả thấy không còn điều gì để chứng được nữa, cảnh giới tâm chứng từ trước đã mất. Xem xét kỹ hai mé cảm thấy mình gặp hiểm nạn lớn. Tâm bỗng nhiên thấy buồn vô hạn, như thể ngồi trên giường sắt, như uống thuốc độc. Tâm không muốn sống, thường mong người khác hại thân mình để chóng được giải thoát.
Giảng:
Lại nữa khi hành giả ở trong định. Bây giờ hành giả có chút định lực sâu hơn, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Hành giả thấy không có điều gì để chứng đạt nữa, cảnh giới tâm chứng từ trước đã biến mất. Xem xét kỹ hai mé, quá khứ và tương lai, ông ta thấy cả hai đều biến mất. Cảm thấy mình như gặp hiểm nạn lớn. Ông ta nghĩ: “Ồ, đây thực là nguy hiểm khủng khiếp quá!” Lòng bỗng nhiên thấy buồn vô hạn. Ông ta thấy lòng tràn ngập ưu sầu, phiền não về mọi việc. Sự ưu phiền đưa đến sự phiền não. Phiền não như thế nào? Như thể ngồi trên giường sắt. Từ sáng đến tối ông ta tự nghĩ: “Ôi! Ta như đang ngồi trên giường sắt trong địa ngục. Ta phải làm gì bây giờ? Có thân này thật là khổ?” Như uống thuốc độc và thấy như sắp chết. Tâm không muốn sống. Suốt ngày ông ta tự nghĩ: “Ta chết đi thì tốt hơn!” Ở Trung Hoa có câu “Tốt hơn là nên chết đi, đỡ tốn áo quần.” Người này có lẽ đã suy nghĩ như thế, nên ông ta nói: “Chết đi thì tốt hơn! Chết đi thì tốt hơn!”
Trong hầu hết những trường hợp tự vẫn, thường có sự can dự của quỷ. Quỷ nầy nó làm gì? Nó hướng về người muốn tự tử khấu đầu đảnh lễ rồi đọc chú, nhưng người ấy không nghe được. Nghĩa của câu chú là: “Anh nên chết thì tốt hơn, anh nên chết thì hay hơn! Hãy nhanh lên, càng kết thúc sự sống càng sớm càng tốt!!!” Mặc dù người muốn tự sát không nghe được bằng tai, nhưng đã xuyên thấu vào tâm hồn. Vì quỷ có tha tâm thông nên nó khiến một loại ma khí của chúng len vào tâm nạn nhân và xúi dục tự sát. Tâm nạn nhân nghe lời ma dụ dỗ và tin những gì ma nói. Thế là dùng thuốc độc, tự treo cổ, trầm mình xuống biển, hay nhảy từ trên cầu Golden Gate (Kim Môn) xuống. Đó là cách mà nạn nhân tự sát. Có rất nhiều ma ở quanh cầu Golden Gate. Nó chẳng dám quấy rần quý vị nếu trong quý vị tràn đầy dương khí. Nhưng nếu có ai đi qua chỗ ấy mà dương khí yếu kém, cả tinh khí thần của người ấy đều yếu thì quỷ liền nói: “Ông chết đi là hơn, tốt hơn là ông nên chết đi…” và người ấy nhảy xuống biển. Hầu hết mọi trường hợp tự tử đều do quỷ kích động.
Thường mong người khác hại thân mạng mình để sớm được giải thoát. Ông ta thường hay bảo người khác rằng: “Xin hãy giết tôi đi! Nếu anh có cách nào giúp tôi kết liễu mạng sống, thì rất tốt. Tôi sẽ được giải thoát.”
Kinh Văn:
Đây gọi là “tu hành nhưng sai mất phương tiện.” Nếu hành giả biết được, thì không lầm lỗi, không phải là chứng Thánh. Nhưng nếu nghĩ mình đã chứng Thánh thì loài ma ưu sầu (thường ưu sầu ma) nhập vào trong tâm. Tay dùng dao kiếm tự cắt thịt mình, thích được tự sát, hoặc thường buồn lo, chạy lánh vào rừng sâu, không thích thấy người. Mất đi chánh định, từ đó sẽ đọa lạc.
Giảng:
Đây gọi là “tu tập nhưng sai mất phương tiện.” Vì hành giả không hiểu rõ pháp môn phương tiện nên mới phát sinh sự chấp trước sai lầm này. Sau khi phát sanh sự dính mắc, nếu hành giả biết được thì không lầm lỗi, không có vấn đề gì, không phải là chứng Thánh. Điều này không có nghĩa là ông ta đã chứng Thánh. Nay quý vị đã được nghe đạo lý từ Kinh này rồi, quý vị phải nên cực kỳ thận trọng, đừng buông thả mặc tình tâm ý trong vọng tưởng. Đừng có khởi lên suy nghĩ muốn chết, hoặc khởi ý là mình không thể đạt được những gì mình mong muốn. Nếu quý vị vẫn còn giữ suy nghĩ như vậy, quý vị sẽ chiêu cảm ma đến ngay. Trong thế giới này, loại ma này có rất nhiều rất nhiều. Vì thế nên quý vị không nên buông thả tâm mình trong vọng tưởng hoặc nói năng bất cẩn, tùy tiện. Nếu quý vị làm như thế, ma này sẽ len vào quý vị ngay. Khi điều ấy xảy ra, quý vị sẽ không thể nào chịu đựng nổi. Quý vị sẽ mất tự do, ngay cả khi quý vị không muốn chết, cũng không có cách nào tránh được cái chết.
Nhưng nếu nghĩ mình chứng Thánh, thì sẽ bị một loại ma ưu sầu. Quý vị cho rằng mình hay ưu sầu? nhưng thật ra ưu sầu cũng có ma. Tại sao quý vị buồn rầu hay giận dữ? Nếu quý vị mở Phật nhãn, quý vị sẽ thấy rằng khi người ta không nóng giận, thì không có quỷ nào cả, nhưng một khi nóng giận, quỷ liền đến giúp nổi giận thêm: “Hãy nổi nóng lên đi, hãy cuồng nộ lên đi! Hãy làm loạn lên đi!”
Nó ở đằng sau, dục quý vị nổi nóng. Cho dù quý vị không tin, điều tôi nói vẫn là sự thật; nếu quý vị không tin, thì từ từ thử xem!
Nhập vào trong tâm, chiếm lấy thân ông ta, tay dùng dao kiếm tự cắt thịt mình. Tôi đã từng nói về Vương Hiếu Tử (con chí hiếu họ Vương) rồi phải không? Ngài chính là Thường Nhân Đại Sư, Ngài đã từng thực hành hạnh hiếu bên cạnh mộ của cha mẹ. Một hôm Ngài đang trong định, thấy bọn cướp bắt đứa cháu của ngài đi và sắp bắn nó ở nơi cách ngài chừng năm dặm, nhưng ngay khi tên cướp sắp bóp cò súng, thì từ trong định Ngài dùng tay gạt khẩu súng làm viên đạn không trúng người cháu, nên nó chạy thoát được. Đằng sau sự kiện này, có một con quỷ muốn cướp mạng sống của người cháu, chính nó đã khiến tên cướp đến bắt trói và tìm cách giết. Đó là những liên hệ nhân quả. Khi Ngài Thường Nhân cản trở con quỷ trong việc tìm cách giết đứa cháu, thì nó liền đến sau lưng Ngài nhưng không làm gì được Ngài. Nó liền tìm đến người em trai Ngài tên là Vương Nhị Gia, chiếm đoạt người này thế người anh. Vương Nhị Gia tay cầm dao, đến mộ tìm Ngài Thường Nhân, nó định tự sát trước mặt Ngài.
Quỷ muốn giết người em, nhưng lạ thay, khi nó cầm dao sẵn sàng đâm vào đầu, thì quỷ không thể hạ độc thủ xuống được. Trong khi đó, Ngài Thường Nhân đang tụng kinh Kim Cang. Trong khi Ngài đang tụng thì sư phụ tôi (Thường Trí Đại Sư) lúc ấy Ngài chưa xuất gia, cảm thấy bồn chồn trong dạ như thể có điều gì khủng khoẳng lắm. Ngài Thường Trí thấy lo lắng và bất an. Ngài tự hỏi có việc gì xảy ra với Vương Hiếu Tử ở ngoài mộ chăng. Ngài vội vã đi ngay ra nghĩa địa để xem sao. Quả nhiên Ngài thấy Vương Nhị Gia đang cầm dao sắp tự đâm mình. Vương Hiếu Tử (Thường Nhân Đại Sư sau này) đã viết sẵn mấy chữ cho thầy tôi (Thường Trí Đại Sư): “Đi mua cho một ít giấy vàng mã (theo phong tục của người Trung Hoa người ta đốt giấy vàng mã cúng cho người chết), ta sẽ tụng kinh cầu siêu cho nó được siêu độ. Có một con quỷ liên quan đến chuyện này, và nó muốn như thế, như thế...” Sau khi Vương Hiếu Tử đọc kinh siêu độ nó rồi thì không có việc gì xảy ra nữa.
Mặt khác đây là ví dụ về một loài ma mà chúng ta đang bàn luận. Nhưng trong trường hợp này con quỷ đến vì nó muốn đoạt mạng người, không phải do tu hành chiêu cảm nó đến. Nhưng cũng có thể nói là do tu hành. Vì Vương Hiếu Tử trong khi tu tập vẫn còn để ý quá nhiều vào chuyện người khác, Ngài đã chiêu cảm loài ma này muốn giết người em trai của Ngài. Con quỷ không giết được Vương Hiếu Tử vì Ngài có định lực và không vọng tưởng nên nó không thể làm gì được Ngài mà lại đến hại người em.
Thích được tự sát. Thích được tự chết đi. Hoặc thường buồn lo. Giờ đây quý vị đã được nghe giảng đoạn kinh này rồi, hãy cẩn trọng đừng ưu sầu suốt ngày nữa. Đừng luôn khóc lóc, buồn rầu. Nếu quý vị cứ ưu sầu, ưu sầu, thì loài ma này sẽ đến chiếm đoạt thân xác quý vị. Điều này xảy ra là do một phần năng lực của loài ma và một phần do chính tâm quý vị, ma lợi dụng tinh thần của quý vị mà hành động. Nếu tư tưởng quý vị chơn chánh sẽ không có vấn đề gì xảy ra; nhưng nếu suy nghĩ của quý vị bất chánh, tà vạy, quý vị sẽ bị ma sai sử. Nếu nó nói với quý vị hãy buồn rầu đi. Quý vị trở nên buồn rầu, cho đến khi quý vị trốn tránh vào chốn rừng sâu núi thẩm, lẩn tránh hết mọi người.
Chạy lánh xa vào rừng sâu, không thích gặp người. Khi thiếu chánh định sẽ bị đọa lạc. Người như vậy chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục.
6. Tâm an ổn phát sanh niềm vui vô hạn
Kinh Văn:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Khi ở trong chốn thanh tịnh, tâm được an ổn. Bỗng nhiên phát sanh niềm vui vô hạn trong tâm, không thể kềm chế được.
Giảng:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Khi ở trong chốn thanh tịnh của định, tâm được an ổn. Tâm hết sức an tĩnh và ổn định, hết thảy tạp niệm không còn. Ngay lúc ấy, thọ ấm lại phát sanh tác dụng. Bỗng dưng phát sanh niềm vui vô hạn trong tâm. Cảm thấy dâng tràn niềm vui vô hạn, vui đến cực điểm, trong tâm vui đến mức, mức độ của nó không lường biết được, và không kềm chế được. Cho dù có muốn đình chỉ niềm hoan lạc ấy, cũng không dừng được.
Kinh Văn:
Đây gọi là “cảm nhận khinh an nhưng thiếu trí tuệ để điều phục.” Nếu hiểu rõ thì không lầm lỗi, không phải là chứng Thánh.
Giảng:
Đây gọi là một loại cảnh giới của “khinh an nhưng thiếu trí tuệ để điều phục” trạng thái vui mừng ấy. Hành giả không có trí tuệ để chế ngự cảm giác vui mừng này. Nếu hiểu rõ thì không lầm lỗi, không phải là chứng Thánh. Đây không phải là biểu hiện của Thánh quả.
Kinh Văn:
Nhưng nếu cho mình đã chứng Thánh, thì có loài ma thích vui (háo hoan hỷ ma) sẽ nhập vào tâm. Mỗi khi gặp người liền cười, cùng ca hát nhảy múa trên đường. Tự xưng đã được vô ngại giải thoát. Mất đi chánh định chắc chắn sẽ bị chìm đắm.
Giảng:
Nhưng nếu cho mình đã chứng Thánh. Nếu ông nói: “Ồ! Bây giờ tôi đã vào Hoan Hỷ Địa! Tôi là Bồ Tát Hoan Hỷ Địa đây. Thì có loài ma thích vui sẽ nhập vào tâm ông. Mỗi khi thấy người liền cười vang, cùng ca hát nhảy múa trên đường. Giống như hippie vậy, hoàn toàn mất tự chủ. Vẫy tay, dậm chân, ca hát, nhảy múa, làm đủ thứ âm nhạc.
Tự xưng là đã chứng được vô ngại giải thoát. Mất đi chánh định chắc chắn sẽ bị chìm đắm. Đánh mất hết thảy chánh định, chánh tri chánh kiến. Cuối cùng rơi vào địa ngục.
7. Cho là viên mãn, tâm đại ngã mạn phát sanh
Kinh Văn:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, tỏ rõ thọ ấm. Tự bảo là đã đủ rồi. Bỗng nhiên, vô căn vô cớ, có tâm đại ngã mạn phát sanh; cho đến tâm kiêu mạn, tâm mạn quá mạn, tâm tăng thượng mạn, hoặc ty liệt mạn đều cùng phát ra một lúc. Trong tâm khinh thường mười phương các Đức Như Lai, huống nữa là những quả vị thấp như Thanh Văn, Duyên Giác.
Giảng:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Tự bảo là đã đủ rồi. Nói mình đã đủ rồi, cái gì cũng đã đều viên mãn cả, đã chứng quả rồi, đã khai ngộ rồi, và đã thành Phật. Bỗng nhiên, vô căn vô cớ, có tâm đại ngã mạn phát sanh. Ngã mạn tức là một hình thức của kiêu mạn. Hắn chẳng kính trọng người nào, xem thường tất cả, cho rằng chẳng ai bằng mình.
Cho đến tâm kiêu mạn, cống cao ngã mạn. Một loại ngã mạn rất cao. Tâm mạn quá mạn, cực kỳ ngã mạn. Tăng thượng mạn không còn lối ngạo mạn nào cao hơn loại này nữa – ngã mạn chồng lên ngã mạn. Và ty liệt mạn. Cảm thấy mọi người đều thấp hèn hơn ta và khinh thường hết thảy mọi người. Trên là những tướng trạng khác nhau của ngã mạn, đều cùng phát ra một lúc.
Trong tâm khinh thường cả mười phương các Đức Như Lai. Hắn ngã mạn đến mức độ nào? Không chỉ ngã mạn đối với người mà còn ngã mạn đối với Chư Phật, thế nên hắn xem thường các đấng Như Lai, thấy các Ngài không bằng như hắn. Quý vị xem cái ngã mạn này nguy hại đến dường nào!
Huống nữa là những quả vị thấp như là Thanh Văn, Duyên Giác. Hắn ta càng xem thường những vị này. Thái độ của hắn ta là: “Các ông chẳng là gì cả, chỉ là một vị A-la-hán tu hạnh Tiểu thừa, các ông có gì hay ho lắm đâu?” Hắn cho rằng đã cao hơn Phật, nhưng đáng tiếc hắn không phát minh ra được danh xưng khác để gọi cho mình.
Kinh Văn:
Đây gọi là “tự xem mình quá cao, nhưng thiếu trí huệ để tự cứu.” Nếu nhận ra thì không có lỗi. Đây không phải là chứng Thánh.
Giảng:
Đây gọi là tự xem mình quá cao, trong thọ ấm trạng thái này có khi phát sanh. Nhưng thiếu trí huệ để tự cứu. Người ấy không có trí huệ để tự cứu mình. Nếu nhận ra thì không có lỗi. Nếu nhận ra đây là sai lầm thì ma sẽ không có dịp phát huy tác dụng. Nên nói: Giác tức không mê, mà khi mê tức là không giác.
Quý vị một khi giác, thì giống như có kiếm trí huệ vậy, chém phăng mọi mê lầm.
Đây không phải là chứng Thánh. Đây không phải là biểu hiện của chứng Thánh quả.
Kinh Văn:
Nhưng nếu nhận là chứng Thánh, thì có loại ma đại ngã mạn (đại ngã mạn ma) nhập vào trong tâm, không lễ Chùa, Tháp, phá hủy Kinh Tượng. Nói với đàn việt rằng: “Tượng chỉ là vàng, đồng hoặc là gỗ, đất. Kinh chỉ là lá hoặc là giấy lụa; thân xác thịt mới là chân thật vĩnh cửu, mà không cung kính, lại sùng bái gỗ đất, thật là điên đảo.” Những kẻ đã quá tin vào nó, nghe theo lời này, đập phá kinh tượng và chôn sạch. Nó gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sanh khiến cho những chúng sanh lầm lạc này phải đọa vào Vô Gián địa ngục. Sai mất chánh định, nó sẽ đọa lạc.
Giảng:
Nếu nhận là chứng Thánh. Nếu như cho rằng “ Đây là cảnh giới tốt” Thì có một loài ma đại ngã mạn sẽ nhập vào trong tâm, chiếm đoạt thân xác ông.Không lễ Chùa Tháp. Nó không lạy Phật hay Tháp, cũng chẳng lạy Phật khi vào trong chùa. Phá hủy kinh tượng. Nó sẽ đốt kinh đập phá tượng Phật. Đốt kinh, hủy tượng vốn là tội đọa địa ngục, nhưng nó lại nói: “những cái này đều là thứ giả”
Bảo với đàn việt rằng. Nó cũng có đệ tử và bảo với đệ tử như vậy. Đàn (dana) có nghĩa là bố thí, việt (pati) nghĩa là vượt qua. Nên trong Phật Giáo, những người cúng dường Tam Bảo được gọi là đàn việt (danpati). Nó cũng có đàn việt và tín đồ của nó. Nó nói với đồ chúng của nó rằng: Tượng chỉ là vàng, đồng, đất, gỗ; Kinh chỉ là lá, giấy, lụa. Tượng Phật thì được làm bằng vàng, đồng hoặc được nhồi bằng đất hoặc tạc bằng gỗ; kinh thì được viết trên lá hay trên vải, lụa; các ông cung kính nó để làm gì chớ? Sao các ông lại lễ bái nó? Nó vốn là vật vô tri vô thức. Thân xác thịt này mới là chân thực vĩnh cửu. Cái thân xác thịt của tôi mới là chân thật mà lại không cung kính, các ông không cung kính tôi, lại sùng bái gỗ đất, thì có được ích lợi gì chứ? Có ích lợi gì khi lễ lạy những ngẫu tượng ấy? Các ông lạy nó không bằng lạy tôi; các ông lạy tôi chẳng phải tốt hơn sao? Thật là điên đảo. Các ông lạy những ngẫu tượng ấy, nhưng nó chỉ là những mảnh gỗ, nó đâu có tri giác, các ông thật là điên rồ khi lạy chúng! Những kẻ đã quá tin vào nó. Những người đã tin sâu vào ma sẽ nghe theo lời nó, đập phá tượng Phật, đốt kinh và chôn sạch. Qua hành vi này, gây nghi ngờ và lầm lạc cho chúng sanh, khiến họ không tin vào Phật Pháp, thay vào đó lại sanh nghi ngờ. Nó dẫn dắt chúng sanh lầm lạc như vậy, khiến cho những chúng sanh lầm lạc này phải đọa vào Vô Gián địa ngục.
Sai mất chánh định, nó sẽ đọa lạc. Người này tương lai nhất định đọa vào địa ngục Vô Gián.
8. Nhân trí tuệ đạt khinh an cho là đã viên mãn
Kinh Văn:
Lại nữa, khi hành giả ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, hiểu rõ thọ ấm. Từ trong chỗ sáng suốt tinh anh giác ngộ được chân lý vi diệu. Mọi thứ đều tùy thuận theo sở nguyện. Tâm bỗng nhiên đạt đến sự khinh an vô bờ bến. Tự cho mình đã thành bậc Thánh, được đại tự tại. Đây gọi là: “Nhân trí tuệ mà đạt được khinh thanh (nhẹ nhàng thanh thoát).” Nếu rõ biết thì không lỗi, không phải là chứng bậc Thánh.
Giảng:
Lại nữa, khi hành giả ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, hiểu rõ thọ ấm. Từ trong chỗ sáng suốt tinh anh. Giác tri của hành giả trở nên sáng suốt tinh anh hơn lúc nào hết. Giác ngộ được hoàn toàn chân lý vi diệu. Lúc này hành giả đạt được sự hiểu biết thông suốt những chân lý nhiệm mầu vi diệu.Mọi thứ đều tùy thuận theo sở nguyện. Tâm bỗng nhiên đạt được sự khinh an không bờ bến, tự cho mình đã thành bậc Thánh, thành Phật, đạt được đại tự tại, đạt được niềm an lạc tối thượng hơn cả.
Đây gọi là: “Nhân trí huệ mà đạt được (khinh thanh) sự nhẹ nhàng thanh thoát.” Vừa khai mở được chút ít trí huệ, liền đạt đến trạng thái nhẹ nhàng, thanh thoát mà thôi, tuyệt chẳng phải là cảnh giới cao siêu gì. Nếu rõ biết thì không lỗi, không có vấn đề gì. Không phải chứng quả vị Thánh. Ông không nên cho rằng: Trạng thái này là chứng quả vị Thánh, vì nó vốn không phải như vậy.
Kinh Văn:
Nhưng nếu nhận là chứng bậc Thánh, thì có loại ma thích sự khinh thanh (háo khinh thanh ma) nhập vào tâm phủ. Tự cho là đã viên mãn không cầu tiến bộ nữa. Phần nhiều những người này sẽ giống như Tỳ kheo Vô Văn, sẽ gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sanh, khiến cho những chúng sanh lầm lạc này phải đọa vào địa ngục A-tỳ. Sai mất chánh định, nó sẽ đọa lạc.
Giảng:
Nhưng nếu nhận là chứng Thánh, nếu như khi có được trạng thái khinh an này, nghĩ là mình đã được quả vị Thánh thì có loại ma thích khinh thanhnhập vào tâm phủ. Loại ma này, nó cũng có trãi qua trạng thái khinh thanh (nhẹ nhàn thanh thoát hay khinh an) này, sẽ chiếm đoạt người này. Người này tự cho là đã viên mãn, là đã hoàn thành mọi việc. Không mong cầu tiến bộ nữa. Trên không có quả vị Phật để đạt đến, vì đã thành Phật rồi. Cũng chẳng cần cứu độ chúng sanh, vì đã hoàn tất việc cứu độ rồi. Phật quả nên thành thì đã thành rồi; chúng sanh đáng độ thì đã độ rồi. Do vậy nó không mong cầu tiến bộ nữa.
Phần nhiều những kẻ tu hành này, đều giống như Tỳ kheo Vô Văn đã được đề cập trước đây. Do thiếu trí huệ, ông ta tưởng cảnh giới Tứ Thiền là quả vị thứ tư của A-la-hán. Gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sanh, khiến cho chúng sanh không biết được con đường chân chánh (chánh lộ), khiến cho chúng sanh không nhận ra Phật Pháp; nó làm mê lầm và chướng ngại chúng sanh, khiến cho những chúng sanh lầm lạc này phải đọa vào địa ngục A-tỳ.
Sai mất chánh định, nó sẽ đọa lạc. Trong tương lai loại người này sẽ rơi vào Vô Gián địa ngục. Sao vậy? Thiếu mất chánh định sẽ bị chìm đắm. Vì khi đã bị lạc mất chánh định, nhất định sẽ rơi vào địa ngục Vô Gián.
9. Tâm chấp trước không, phỉ báng giới luật
Kinh Văn:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Trong chỗ tỏ ngộ đạt được tánh hư minh. Trong ấy, hành giả bỗng dưng có khuynh hướng đoạn diệt, bài bác nhân quả, cho mọi việc đều là không. Tâm chấp không chi phối mạnh mẽ, khiến hành giả có kiến giải rằng: Sau khi chết hoàn toàn đoạn diệt. Đây gọi là “Định tâm phân tán mất đi sự chiếu diệu tương ưng”. Nếu rõ biết được thì không lỗi lầm. Đó không phải là chứng Thánh quả.
Giảng:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Trong chỗ tỏ ngộ, ngay lúc ông ta vốn dường như minh bạch nhưng chưa thực sự minh bạch, đạt được tánh hư minh, đắc được một loại tánh sáng suốt nhưng mà là sự sáng suốt hư vọng, không thực. Trong ấy hành giả bỗng dưng có khuynh hướng đoạn diệt, bài bác nhân quả cho mọi việc đều là không. Trong ấy, ở trong tánh hư minh ấy, bỗng dưng xảy ra một sự thay đổi. Đó là gì? Hành giả có khuynh hướng đoạn diệt, bài bác nhân quả, cho mọi pháp đều là không.
Ông ta nói “Khi chết người đó ra đi vĩnh viễn. Do vậy, nói về nhân quả là sai lầm. Chẳng có nhân quả, khi chết chẳng có gì tồn tại nên làm sao mà có nhân quả. Mọi pháp đều là không, tạo tội cũng là không mà làm việc phước thiện cũng là không. tất cả đều là không”. Tâm chấp không chi phối mạnh mẽ khiến hành giả có kiến giải rằng: Sau khi chết hoàn toàn đoạn diệt.
Càng nghĩ ông ta càng cảm thấy ông ta đúng “ Ồ! Đúng nó là không. Một khi ông chết là hết tất cả, mọi việc đều là không!!!” Lúc ấy nó trở nên tin tưởng rằng: Mọi người đều vĩnh viễn biến mất sau khi chết.
“Nếu rõ được thì không lỗi lầm, đó không phải là chứng Thánh quả”. Câu Kinh văn này bị bỏ sót khi in lại từ nguyên bản. Chúng ta có thể bổ túc, thêm nó vào đây.
Đây gọi là: “Định tâm phân tán, mất đi sự chiếu diệu tương ưng".
Lúc này định tâm không còn nữa, vậy nên phát sanh tư tưởng chấp không, mất đi khả năng nhận biết điều gì là đúng đắn. Nếu rõ biết được thì không lầm lỗi, không phải là chứng Thánh quả. Đây không phải là cảnh giới khi chứng được quả vị Thánh,
Kinh Văn:
Nhưng nếu nhận là chứng Thánh liền có loại ma không (không ma) nhập vào trong tâm. Nó liền phỉ báng người giữ giới, gọi họ là “Tiểu thừa”. Nói rằng: “Bởi Bồ tát đã ngộ tánh Không, thì có gì là trì là phạm?”. Người này thường ở nơi nhà đàn-việt thiện tín uống rượu, ăn thịt, phóng đãng dâm ô. Do ma lực nên nó nhiếp phục được mọi người không khởi tâm nghi báng nó. Sau khi ma nhập vào tâm hành giả lâu ngày rồi, nó khiến hành giả ăn phân uế, uống nước tiểu, ăn thịt, uống rượu. Tuyên bố những thứ này đều là không. Nó phá hoại luật nghi của Phật làm cho người khác mê lầm phạm tội. Lạc mất chánh định sẽ bị chìm đắm.
Giảng:
Nhưng nếu nhận là chứng Thánh. Nếu xem đây như là sự chứng đạt quả vị Thánh, liền có loại ma không nhập vào tâm. Ma nó nhập vào chiếm hữu xác thân ông. Nó liền phỉ báng những người giữ giới, gọi họ là “Tiểu thừa”. Nó nói: “Chớ giữ giới làm gì, đó là pháp Tiểu thừa. Hàng Bồ tát Đại thừa không nên bị phiền toái trong những câu thúc ấy. Các ông không nên quá quan tâm đến những giới ấy bởi ‘voi lớn không đi đường thỏ’. Kẻ đại ngộ không nên câu chấp tiểu tiết. Một khi ông là người đại ngộ rồi thì chẳng còn việc gì hệ trọng nữa hết. Mọi pháp đều là không. Ta chẳng nói điều này trước đây hay sao? ‘Rượu thịt trôi qua bụng, còn Phật ở tại tâm. Mọi pháp đều do tâm, tâm chính là Phật, Phật chính là tâm!’”. Đó là những gì ma nói. Nó còn phỉ báng những người giữ giới: “Chỉ có những người chấp dính vào Tiểu thừa mới giữ giới. Đệ tử của Đại thừa không bận tâm đến chuyện này.”
Thực ra, giới luật của Đại thừa càng rõ ràng hơn nữa và người tu Đại thừa càng phải giữ giới nghiêm mật hơn nữa. Ma chỉ lừa dối những người kém hiểu biết thôi. Thực ra những người ấy vốn không học qua Phật Pháp, cũng không hiểu những đạo lý mà Đức Phật đã dạy. Đó là lý do tại sao, bất luận nó nói điều gì, những người không hiểu biết ấy xem đó như là mệnh lệnh vậy bởi tin rằng lời nó nói là đúng! Tại sao họ lại tin lời nó nói? Bởi vì chưa nghe qua Phật Pháp, cũng không hiểu Phật Pháp là gì.
Nó nói rằng: “Bởi Đại thừa Bồ tát đã ngộ tất cả pháp là không (nhất thiết pháp không), thì có gì là trì, là phạm? Sao lại còn có giữ giới phạm giới. Không có!” Người này đã bị ma xâm chiếm, thường ở nơi nhà đàn-việt thiện tín, những người Phật tử hộ pháp đã tin tưởng nó, uống rượu ăn thịt, phóng đãng dâm dục. Tối quan trọng là câu “phóng đãng dâm dục (quảng hành dâm uế)” . Đạo Phật dạy người không nên có tâm dâm dục, mà tâm dâm dục của nó lại tăng trưởng. Nó còn khuyến khích làm việc dâm ô, và người ta vẫn tin vì nó có ma lực. Do ma lực nên nó vẫn nhiếp phục được mọi người không khởi tâm nghi ngờ hay phỉ báng nó. Họ tin tưởng nó một cách cuồng nhiệt.
Sau khi ma nhập vào tâm hành giả lâu ngày rồi, nó khiến người ấy ăn phân uế, uống nước tiểu, ăn thịt uống rượu. Tuyên bố những thứ này đều là không.
Vì nó bị ma nhập nên nó không biết được phân là thứ bất tịnh, và nó thường uống nước tiểu. Nó nói rằng ăn phân uế với uống nước tiểu là “bất cấu, bất tịnh”. Nó dùng ý từ Kinh Bát Nhã để ngụy biện. Đó là cách bóp méo ý nghĩa của kinh điển. Ma sẽ cư xử bằng cách biểu hiện sự bất cần mọi việc dù nó sạch sẽ hay dơ bẩn. Nó sẽ tuyên bố ăn thịt, uống rượu là không, ăn phân uế và uống nước tiểu là không. Nói tóm lại, nó cho tất cả đều là không. Nó phá hoại luật nghi của Phật, làm cho người khác mê lầm phạm tội. Thế rồi lạc mất chánh định sẽ bị chìm đắm.
10. Chấp trước lòng yêu, ủng hộ dâm dục
Kinh Văn:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định thấy sắc ấm tiêu trừ, thọ ấm tỏ rõ. Nghiền ngẫm trạng thái hư minh ấy, khắc sâu vào tâm cốt. Trong tâm bỗng có lòng yêu vô hạn sanh ra, yêu quá phát cuồng, bèn làm việc dâm dục. Đây gọi là: “cảnh định an thuận vào tâm, không trí huệ tự giữ mình, nên mê lầm mà đắm vào ngũ dục”. Nếu hiểu rõ thì không sai lầm. Đó không phải là chứng Thánh.
Giảng:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định. Khi hành giả đã đạt được định từ trong phạm vi thọ ấm. Thấy sắc ấm tiêu trừ, sắc ấm không còn nữa. Thọ ấm tỏ rõ,nhận thức rõ ràng về thọ ấm. Nghiền ngẫm trạng thái hư minh, cảnh giới mà hành giả đã chứng được, và nay khắc sâu vào tâm cốt. Có một sự chuyển biến tâm lý đột nhiên xảy ra. Trong tâm bỗng có lòng yêu vô hạn sanh ra. Điều này giống như một người nói: “Tôi yêu tất cả mọi người.” Nghe đến đoạn kinh này liền biết rằng anh ta nói lời ấy tức là bởi vì tính chất của anh ta giống như đoạn kinh vừa miêu tả, “lòng yêu vô hạn.” Yêu quá phát cuồng, khi tâm dâm dục dâng khởi đến cực điểm, hành giả phát cuồng, bèn làm việc dâm dục. Hành giả không chế được tình cảm, xúc cảm của mình. Khi trở nên điên cuồng nó giống như người phụ nữ tên Lưu Kim Đồng mà tôi đã nói từ trước. Khi gặp đàn ông, cô ta ôm chầm lấy họ, khóc và thể hiện những cử chỉ quyến rũ. Cô ta là một ví dụ điển hình cho loại ma này. Làm sao mà một người đàn ông bình thường còn giữ được lòng mình không xúc động trước sự dụ dỗ này. Sau khi mê hoặc giới đàn ông, cô ta bảo “Lấy món tiền này mua cho em món nữ trang ấy”. Anh ta liền đáp “vâng, vâng” Rồi cô ta bảo lấy món tiền này mua cho cô ta món khác và anh ta cũng vâng lời làm theo. Tại sao vậy? Đơn giản là vì cô ta thỏa mãn tình dục cho người đàn ông, và anh ta bị mê muội bởi ma lực. Khi lòng ái lên đến cực điểm, người đàn ông trở nên điên cuồng vì tham lam và dâm dục. Dâm dục phát sanh từ tâm tham lam.
Đây gọi là: “cảnh định an thuận vào tâm, không trí huệ tự giữ mình, nên mê lầm mà đắm vào ngũ dục”. Khi trong định, có trạng thái khinh an, hài lòng nhập vào trong tâm, nhưng thiếu trí huệ để tự kềm chế cảm xúc và ham muốn của mình. Kết thúc là buông thả vào trong các thứ ham muốn dâm dục.
Nếu hiểu rõ điều này thì không lầm lỗi. Đây chỉ là trạng thái nhất thời và ngẫu nhiên. Hành giả nên nhận ra trạng thái này là một cảnh giới ma, và không phải là chứng Thánh. Nếu ông hiểu ra thì rất tốt, chỉ đáng sợ là khi quý vị không nhận ra ma cảnh mà mình đang chìm đắm. Quý vị sẽ bị rơi vào mê hồn trận, không cách nào thoát khỏi được.
Kinh Văn:
Nhưng nếu tự nhận mình là bậc Thánh thì loại ma tham dục (dục ma) sẽ nhập vào tâm. Nó sẽ trở thành người thẳng thừng ủng hộ cho dâm dục, gọi đó là Bồ Đề Đạo, nó dạy đệ tử bình đẳng hành dâm dục, gọi những người hành dâm là giữ gìn Pháp tử. Do ma lực trong thời Mạt Pháp, khiến nó thu hút giới phàm phu đến cả trăm, cho đến hai trăm, năm trăm, sáu trăm, nhiều đến mức có cả ngàn, vạn người. Khi ma chán rồi, nó sẽ bỏ rơi người ấy. Khi sức quyến rũ của ma hết, nó sẽ bị rơi vào vòng lao lý. Do gieo sự nghi lầm cho chúng sanh nên đọa vào ngục Vô Gián, sai mất chánh định sẽ bị chìm đắm.
Giảng:
Nhưng nếu tự nhận mình là bậc Thánh, nếu hành giả xem đây là sự chứng đạt quả Thánh, vì quan niệm sai lầm nên loại ma dâm và tham dục sẽ nhập vào tâm và chiếm hữu thân ông. Nó sẽ trở thành người thẳng thừng ủng hộ cho việc dâm dục, gọi đó là Bồ Đề Đạo. Nó sẽ nói rằng: “ngoài dâm dục ra chẳng có gì cả”. Cũng giống như ở nước Mỹ, có một giáo phái chủ trương đa thê chủ nghĩa. Họ cho rằng “càng có nhiều vợ càng tốt” Giáo phái này hoàn toàn giống như loài ma kia. Khuyến khích và quyến rũ sự ham muốn dâm dục bằng cách nói “Rất tốt khi có nhiều vợ, chẳng có gì quan trọng. Đó là đạo Bồ Đề, nếu có nhiều vợ càng hay!”
Nó dạy đệ tử bình đẳng hành dâm dục.
Nó nói: “Đừng phân biệt giữa người này với người khác; hãy cùng nhau hưởng sự hoan lạc” Chẳng bận tâm vợ của mình hay vợ của kẻ khác, họ chỉ việc hành xử theo sở thích. Ở nước Mỹ, có chủ nghĩa hoán thê kỳ quặc (wife-swapping) nơi mọi người đổi vợ cho nhau. Việc này tương tự như việc làm của loài ma đang đề cập trong kinh, gọi những người hành dâm là giữ gìn “Pháp tử” (Dharma heirs). Những người tham gia vào việc hành dâm với y được, y gọi đó là những người giữ gìn “Pháp tử’, là những người kế thừa Pháp sẽ được nó truyền Pháp.
Do ma lực trong thời Mạt Pháp, khiến nó thu hút và mê hoặc đồ đệ từ giới phàm phu đến cả trăm, cho đến năm trăm, sáu trăm, đến cả ngàn vạn người. Cuối cùng khi ma chán rồi, quý vị nghĩ điều gì sẽ xảy ra? Nó bỏ rơi người ấy. Điều gì sẽ xảy ra khi ma bỏ rơi? Người ấy sẽ không còn thần thông nữa.
Khi sức quyến rũ của ma đã hết, nó bị rơi vào vòng lao lý. Sức quyến rũ của nó có được là nhờ vào thần thông. Ma vương có được thần thông nhưng bây giờ ma vương đã bỏ đi rồi vì thế người ấy không còn thần thông nữa. Quý vị biết điều gì xảy ra không? Nó vi phạm luật pháp quốc gia. Trước đây, khi nó “còn” thần thông của ma vương, ma vương có thể giúp nó thoát khỏi luật pháp quốc gia và ngăn chặn không cho nhà chức trách biết sự việc ấy. Nhưng khi ma vương bỏ đi, kẻ phàm phu này trở lại như một người bình thường, thì hắn ta là một kẻ phạm pháp. Người ta sẽ nhận ra hắn ta là một ông thầy bàn môn tà đạo, bịp bợm. Lừa dối học trò bằng bùa ngải kỳ dị. Vì vi phạm luật pháp nên bị bắt và tống giam.
Do gieo sự nghi lầm cho chúng sanh, nên khi gặp được chánh đạo sẽ đọa vào ngục Vô Gián. Cũng sẽ nhất định rơi vào ngục A Tỳ. Sao vậy? Vì nó sai mất chánh định, nên sẽ bị chìm đắm.
Kinh Văn:
A Nan, mười trạng thái trên hiện ra trong thiền định như thế là do thọ ấm và tâm nỗ lực dụng công giao xen, nên hiện ra như vậy. Chúng sanh ngu mê lầm lẫn, không biết lượng xét. Gặp nhân duyên này mê muội không tự biết, bảo là chứng Thánh, thành tội đại vọng ngữ, sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián.
Giảng:
A Nan, mười trạng thái hiện ra trong thiền định như thế là do thọ ấm và tâm nỗ lực dụng công giao xen. A Nan! những trạng thái biểu hiện trong khi tu tập thiền định như thế, đều ở trong phạm vi của thọ ấm, giao xen với nỗ lực dụng công khi tu tập. Những sự kiện này là kết quả của những biến tướng khác nhau xảy ra trong khi hành giả nỗ lực trong công phu tu tập.
Chúng sanh ngu mê lầm lẫn không biết lượng xét. Chúng sanh ngu mê không biết quay trở lại tự quán xét bên trong mình. Gặp nhơn duyên này mê muội không tự biết. Chúng sanh không nhận ra được mình là ai. Bảo là mình đã chứng được bậc Thánh.
Rồi họ bảo rằng họ đã đạt được những điều mà họ chưa từng đạt được và chứng đươc những gì chưa từng chứng được. Họ tuyên bố đã đạt Đạo và chứng được Thánh vị. Trong khi họ chưa hề đạt được những điều ấy. Thành tội đại vọng ngữ, nhất định sẽ bị đọa vào Vô Gián địa ngục.
Kinh Văn:
Sau khi ta nhập Niết Bàn, các ông nên lưu truyền lời dạy của Như Lai trong thời Mạt Pháp, để cho chúng sanh đều tỏ ngộ được ý chỉ này. Chớ để cho thiên ma có cơ hội quấy phá. Giữ gìn hộ trì cho chúng sanh tu tập đến thành tựu đạo quả Vô Thượng.
Giảng:
A Nan sau khi ta nhập Niết Bàn, các ông nên lưu truyền lời dạy của Như Lai trong thời Mạt Pháp. Hãy truyền đạt những lời Như Lai đã dạy. Để cho chúng sanh đều tỏ ngộ được ý chỉ này. Khiến cho chúng sanh nghe được đạo lý, hiểu và giác ngộ được.
Chớ để cho thiên ma có cơ hội quấy phá. Đừng để cho loài ma có dịp thuận tiện phá rối người tu hành. Giữ gìn hộ trì cho chúng sanh tu tập đến khi thành tựu đạo quả Vô Thượng.
(còn tiếp)
NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại Phật Giáo Giảng Ðường San Francisco, California _ USA _ 1968
THỌ ẤM
A. Phạm Vi Của Thọ Ấm
B. MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA THỌ ẤM
1. Khởi lòng thương xót vô hạn
2. Cho mình bằng Phật
3. Định thiên lệch nhiều ký ức trầm trệ
4. Huệ thiên lệch nhiều cuồng ngạo
5. Cảm thấy như gặp hiểm nạn sanh tâm buồn vô hạn
6. Tâm an ổn phát sanh niềm vui vô hạn
7. Cho là viên mãn, tâm đại ngã mạn phát sanh
8. Nhân trí tuệ đạt khinh an cho là đã viên mãn
9. Tâm chấp trước không, phỉ báng giới luật
10. Chấp trước lòng yêu, ủng hộ dâm dục
THỌ ẤM
Phạm vi của Thọ Ấm
Kinh Văn:
A Nan! Thiện nam tử kia, tu Tam-ma-đề, trong Xa-ma-tha khi sắc ấm hết, thấy Tâm chư Phật giống như thấy hình tượng phản chiếu trong gương sáng.
Giảng:
A Nan! Thiện nam tử kia tu Tam-ma-đề. Tu tập công phu “phản văn văn tự tánh” hướng tánh nghe vào bên trong để nhận ra lại bản tánh của mình, tu tập nhĩ căn viên thông. Trong Xa-ma-tha (Shamatha) tĩnh lặng mọi niệm tưởng, khi phá sắc ấm, thì thấy Tâm của chư Phật như thấy hình tượng phản chiếu trong tấm gương sáng. Chuyện gì sẩy ra khi sắc ấm phá rồi? Ông thấy được Pháp môn Tâm ấn của chư Phật, như thể ông thấy bóng của chính mình (phản chiếu) trong gương vậy.
Kinh Văn:
Người đó như có chỗ sở đắc nhưng chưa dùng được giống như người bị bóng mộc đè, tay chân còn y nguyên, thấy nghe không lầm, nhưng tâm bị chế ngự bởi khách tà, không cử động được; đây gọi là phạm vi của Thọ Ấm.
Giảng:
Người đó như có chỗ sở đắc nhưng chưa dùng được giống như người bị bóng mộc đè. Trước tôi đã nói về loài quỷ Kumbhanda (Cưu Bàn Trà hay Yểm Mỵ quỷ). Loài quỷ này làm cho người ta tê liệt, người bị quỷ này đè, chân tay y nguyên, tứ chi nguyên vẹn không mất mát, thấy nghe không lầm hay mê muội, nhưng tâm bị chế ngự bởi khách tà, nên không cử động được. Đây gọi là phạm vi của Thọ Ấm. Trạng thái này là phạm vi của thọ ấm.
Kinh Văn:
Khi trạng thái bóng mộc đè tiêu mất, tâm rời khỏi thân, trở lại xem nghe được mặt mày, đi ở tự do không bị ngăn ngại. Đây gọi là hết Thọ ấm. Người ấy mới vượt khỏi được kiến trược. Xét nguyên do của Thọ ấm, nhận thấy vọng tưởng hư minh là cội gốc.
Giảng:
Khi trạng thái tê liệt bởi bóng mộc đè tiêu mất, tâm rời khỏi thân, trở lại thấy được mặt mày. Khi còn ở trong phạm vi Thọ ấm, thì giống như bị tê liệt bởi quỷ Cưu Bàn Trà, cho nên ông không được tự tại. Nếu tình trạng này biến mất tức là thọ uẩn đã bị phá sạch rồi, thì tâm sẽ thoát khỏi thân và ông có thể nhìn thấy được mặt ông. Đi ở tự do. Ông muốn đi đến nơi nào thì tùy tâm như nguyện, mà ông không muốn đi cũng được như nguyện, vô câu vô thúc, không bị ngăn ngại, hoàn toàn không bị trói buộc nữa. Đây gọi là hết Thọ ấm. Cảnh giới này là thọ ấm đã bị phá rồi, không còn nữa, người ấy mới vượt khỏi được kiến trược. Đó là một trong năm món trược của ngũ trược ác thế. Xét lại nguyên do của Thọ ấm thì vọng tưởng hư minh là cội gốc của Thọ ấm.Khi Thọ ấm được phá sạch rồi thì cái gốc của nó cũng tiêu tan luôn.
1. Khởi lòng thương xót vô hạn
Kinh Văn:
A Nan! Người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái như thế, cảm nhận một ánh sáng rực rỡ, trong tâm sinh khởi một loại cảm xúc. Do bên trong đè nén quá phần, bỗng dưng phát khởi lòng thương xót vô hạn, đến nỗi xem muỗi mòng như là con đỏ. Tâm sanh trắc ẩn, bất giác rơi lệ.
Giảng:
A Nan! Người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái như thế, cảm nhận một ánh sáng hết sức rực rỡ, trong tâm ông ta tự nhiên sinh khởi một loại cảm xúc, một sự cảm tưởng. Do bên trong đè nén quá phần, bởi vì ông ta ngăn phục, kiềm giữ tư tưởng thái quá. Khi sự dồn nén bên trong quá mức,bỗng dưng phát khởi lòng thương xót vô hạn. Thương xót những ai? Thương xót mọi loài chúng sanh, đến nỗi xem muỗi mòng như là con đỏ. Tiếng Hán gọi con mới sanh là Xích Tử, do da của trẻ mới sanh có mầu đỏ. Tâm sanh trắc ẩn, bất giác rơi lệ. Bất tri bất giác ông lại bật khóc.
Kinh Văn:
Đây gọi là “đè nén tâm quá mức trong khi công phu.” Nhận ra điều đó thì không có gì sai trái. Chẳng phải là chứng Thánh. Nếu biết rõ như vậy không còn mê lầm nữa thì trạng thái đó tự tiêu vong. Nếu nghĩ là mình chứng Thánh thì bị loài ma bi lụy (bi ma) nhập vào tim gan. Mỗi khi thấy người thì thương xót và kêu khóc không thôi. Mất đi chánh định, từ đó đọa lạc.
Giảng:
Đây gọi là “đè nén tâm quá mức trong khi công phu.” Trạng thái này có thể sanh khởi trong khi dụng công tu tập. Nó xảy ra vì ông đã đè nén tâm thái quá. Nếu ông minh bạch, nhận ra điều đó thì không có gì sai trái. Nếu ông hiểu ra mình đã sai lầm và tự nhủ: “Tại sao ta lại khóc lóc vô cớ như vậy? Ta phải thay đổi ngay.” Hiểu rõ như vậy rồi sẽ không có vấn đề. Cảnh giới này không phải chứng Thánh. Đó không có nghĩa là ông đã chứng được tâm “Đồng Thể Đại Bi”. Đừng nghĩ rằng thương xót các loài muỗi mòng và các loài côn trùng nhỏ nhít như là con mới đẻ của mình là tâm Đồng Thể Đại Bi. Nếu biết rõ như vậy, không còn mê lầm nữa, trạng thái “thương xót” đó sẽ biến mất. Nhưng nếu nghĩ là mình đã chứng Thánh. Nếu ông nghĩ: “Ồ! Bây giờ ta đã có được tâm đồng thể đại bi, công phu tu tập của ta thực sự đã thành tựu” thì sẽ có ma bi lụy, là loài ma gặp bất cứ người nào cũng đều bật khóc, nhập vào tâm ông,chiếm lấy thân ông, khiến ông bất cứ gặp ai thì thương xót, kêu khóc không thôi, khóc mà chẳng biết tại sao sanh mình sầu bi như thế.
Khi còn ở Mãn Châu, tôi biết một nguời phụ nữ tên là Lưu Kim Đồng, gặp phải trạng thái như vậy. Bất kỳ khi gặp người, cô bật khóc và nói: “Trong tiền kiếp người là con tôi, bây giờ trở về, người đã tìm gặp được mẹ rồi đó”. Bằng nước mắt, bà ta làm cho người ta mê hoặc, cho rằng thực sự gặp được mẹ. Nhưng thật ra là đã gặp ma vương. Mất đi chánh định từ đó đọa lạc, nếu ông nghe theo ma vương, ông sẽ rơi vào địa ngục.
2. Cho mình bằng Phật
Kinh Văn:
Lại nữa A Nan, người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái định này thấy sắc ấm tan rã, hiểu rõ thọ ấm. Lúc ấy cảnh giới thù thắng hiện ra, cảm kích quá phần. Trong trạng thái như thế, bỗng sanh dõng mãnh vô hạn, tâm quá mạnh mẽ, cho mình bằng Phật, nói có thể vượt qua ba a-tăng-kỳ kiếp chỉ trong một niệm.
Giảng:
Lại nữa, A Nan người thiện nam kia bao gồm tất cả những thiện nhân đang tu Đạo, khi ở trong trạng thái định này, thấy sắc ấm tan rã, thấu rõ thọ ấm. Trong năm uẩn, biết rõ sắc ấm đã tiêu rồi và cũng hoàn toàn minh bạch thọ ấm. Lúc ấy cảnh giới thù thắng hiện ra, cảm kích quá phần. Một cảnh tượng hết sức đặc thù hiện ra trong tâm người ấy, cho nên ông ta rất là cảm kích. Nhưng thái quá thì đồng như bất cập. Không có gì khác biệt giữa người đi quá mục tiêu và người không đến kịp đích, cả hai đều không hợp với nghĩa trung đạo. Ví như khi đi du lịch nếu ông đi vượt quá nơi ông muốn đến thì cũng đồng như ông đi chưa đến vậy. Trong trạng thái này, trong cảnh giới định như thế, người ấy bỗng sanh tâm dõng mãnh vô hạn, tâm quá mạnh mẽ, dõng mãnh tinh tấn một cách đáng sợ chưa từng có, cho mình bằng Phật, nói rằng Đức Phật và ta như nhau, nói rằng có thể vượt qua ba a-tăng-kỳ kiếp chỉ trong một niệm. Cho rằng có thể vượt qua a-tăng-kỳ kiếp thứ nhất, thứ hai, thứ ba chỉ trong một niệm. Do đó y nói y là Phật, không những tuyên bố chính mình là Phật, mà nó còn nói mọi người là Phật. Những người như thế đã rơi vào tà tri tà kiến. Thực sự là mỗi người đều có sẳn một Đức Phật trong tâm, nhưng phải nhờ công phu tu tập mới nhận được ra Phật tánh. Ngay cả khi quyết tâm tu hành, cũng không thể trở thành Phật chỉ trong một niệm mà phải cần thời gian rất lâu xa. Dù thời gian ấy có thể rút ngắn lại nhờ hiểu biết và thực hành đúng Chánh Pháp, vẫn khó có thể thành Phật chỉ trong một niệm. Người ấy tu hành nhưng không được Thiện tri thức hướng dẫn chỉ dạy mà tự mình lại không có trí huệ; cho nên, dù có tu tập cần khổ, tinh tấn cho mấy đi nữa, ông ta chỉ tăng trưởng tà tri tà kiến mà thôi. Tự thấy rằng trải qua một thời gian tu tập lâu dài như vậy mà không thành Phật, nên tuyên bố mình là Phật, nói là mình đã thành Phật rồi. Đây là tình trạng “sánh mình bằng Phật”. Tình trạng này xảy ra khi thọ ấm tan rã. Y nói rằng y đồng như chư Phật. Thực ra chỉ một niệm sai lầm đó, ông ta đã bị ma nhập vào.
Kinh Văn:
Đây gọi là “quá nôn nóng muốn hoàn hảo công phu.” Nếu nhận biết thì không sai lầm. Trạng thái đó không phải là chứng Thánh. Nếu biết rõ như vậy và duy trì sự sáng suốt thì trạng thái ấy tự sẽ tiêu mất. Nhưng nếu nghĩ là Thánh, liền có ma cuồng (cuồng ma) nhập vào tim gan. Khi gặp người sẽ khoe khoang về mình. Người ấy trở thành cực kỳ ngã mạn, đến mức trên không còn thấy chư Phật, dưới không thấy có ai. Mất đi chánh định, từ đó đọa lạc.
Giảng:
Nay đang nghe giảng kinh Thủ Lăng nghiêm. Bây giờ chúng ta đã đến chương rất quan trọng nói về năm mươi trạng thái ma sự được phát sanh từ ngũ ấm. Nếu người tu mà không hiểu năm mươi trạng thái ngũ ấm ma này, thì sẽ dễ dàng đi lạc. Nếu quý vị không nhận biết được cảnh giới của ấm ma, thì sẽ hồ đồ mà khoác lác khoe khoang hoặc cho mình là phi thường. Do vậy tôi khuyên quý vị nên khuyến khích bà con bạn bè của mình đến nghe giảng phần năm mươi trạng thái ngũ ấm ma này, để họ biết được từng loại cảnh giới khi tu hành.
Đây gọi là “quá nôn nóng muốn hoàn hảo công phu”. Trạng thái này xảy ra như một kết quả nỗ lực của ông trong khi tu hành. Vì hậu quả thái quá từ sự chuyển hóa bên trong tự tánh khiến ông trở nên dõng mãnh như vậy. Người tu phát tâm dũng mãnh thì được, chẳng phải sai gì. Ông phát tâm dũng mãnh tinh tấn tiến về phía trước thì đúng đó, nhưng không được sanh tâm ngã mạn. Không nên nói: “Ta là Phật!” Ông là Phật rồi thì sao? Phật thì thuyết ba tạng, mười hai phần kinh. Ông đã thuyết được mấy tạng, mấy phần kinh? Ngay như thấu hiểu, ông cũng không đặng? Vậy mà tự cho mình là Phật rồi sao? Làm sao có chuyện ấy chớ! Nếu Phật thuyết ba tạng, mười hai phần kinh tất cả kinh điển, mà ông một tạng không biết, một phần không thông thì sao thành Phật? Ngay cả khi ông có thể thông hiểu từng đạo lý và giảng giải rành mạch ba tạng, mười hai phần, thì cao nhất là ông có thể gọi mình là một đệ tử của Đức Phật chứ không thể xưng là Phật được! Vì cảm thấy trên thế giới ai cũng cung kính Phật nên y muốn làm Phật. Rằng: “Chết rồi, cũng sẽ được người cúng dường”. Kỳ thật, chết rồi, chôn xuống đất, biến thành tro, thứ gì cũng chẳng còn!
Nếu nhận biết thì không sai lầm. Hoàn toàn tốt đẹp nếu có được sự tinh tấn dõng mãnh như thế. Miễn ông hiểu rằng: Đó chỉ là một cảnh giới mà thôi, đókhông có nghĩa là đã chứng quả Thánh. Không phải là chứng Thánh. Nếu ông nhận rõ như vậy và duy trì sự sáng suốt, lâu dần trạng thái ấy sẽ tự tiêu mất. Nhưng nếu nghĩ mình là Thánh. Nói rằng: Ồ đây nghĩa là ta đã thành Phật. Liền bị ma cuồng ngông nhập vào tâm. Nên quý vị thấy đó, nếu quý vị không nhận biết năm mươi trạng thái ngũ ấm ma, thì làm sao mà quý vị thành Phật được? Loại ma này là loại ma ngông cuồng, cống cao, ngã mạn. Khi nó len luồng vào tâm ông, chiếm hữu ông, nó tống khứ linh hồn của ông ra ngoài, thay vào đó là “ma vương tại đường”, ma vương thay thế và trở thành linh hồn của ông.
Khi gặp người bất luận người nào, liền khoe khoang về mình, cho mình là đúng và người khác đều sai. Người ấy dèm pha bôi nhọ người khác và tự tán dương mình. Mọi người đều sai trái hết thảy chỉ có riêng mình ông ta là đáng trọng thôi. Y cho rằng y đã thành Phật rồi.
Người ấy trở nên cực kỳ ngã mạn đối với mọi người, đến mức trên không còn thấy có Phật nữa. Vì sao? Vì ông ta cho chính mình là Phật. Và dưới không thấy người. Ông ta cũng không thấy có người. Thế thì hắn ta thấy cái gì? Hắn nói mọi người đều là Phật, chính hắn cũng là Phật, là vô thượng, chẳng có vị Phật nào ở trên hắn nữa. Hắn là Phật và tương lai tất cả sẽ thành Phật theo hắn, cho nên hắn “dưới không thấy người”. Mất đi chánh định, từ đó đọa lạc. Những người như vậy nhất định sẽ đọa lạc.
3. Định thiên lệch nhiều ký ức trầm trệ
Kinh Văn:
Lại nữa, khi ở trong định, vị thiện nam tử ấy thấy sắc ấm tiêu vong, thấy rõ ràng thọ ấm. Lúc bấy giờ, trước mặt thì chẳng có cảnh chứng ngộ gì mới. Quay về kinh nghiệm cũ thì cảnh cũ chẳng còn. Vì sức trí huệ yếu ớt nên y rơi vào thế bế tắc, chẳng thấy cái gì (ở trước) cả. Lúc ấy trong tâm y đột nhiên sanh ra cảm giác khô khan và khát khao. Lúc nào ký ức cũng trầm trệ không phân tán. Y cho rằng đây là dấu hiệu của sự tinh tấn.
Giảng:
Trong quá trình tu hành, người tu định thấy sắc ấm tiêu vong, thấy thọ ấm rất rõ ràng. Lúc nhìn về phía trước (tương lai) thì chưa có chỗ chứng đắc nào mới. Nhìn về đàng sau (quá khứ) thì chỗ an trú xưa kia đã không còn đó nữa. Vì sao có cảnh này? Vì trí huệ của y chưa đầy đủ, cũng không có đủ dũng mãnh, sắc bén. Trên phương diện công phu thì y hốt tiến hốt thối, cũng tức là lúc y vào chỗ bế tắc, sắp sửa đọa lạc vậy.
Lúc ấy vị hành giả không có cảm giác gì, cũng chẳng có thấy gì khác biệt. Đột nhiên trong tâm của y phát sanh một thứ cảm giác: hết sức khô khan, khát khao. Trong tâm cảm thấy vô cùng đơn điệu, chán chường, khô khan, cũng như khát nước vậy. Nhìn mọi sự bên ngoài, y cũng cảm thấy khô khan, đơn điệu, chẳng có ý nghĩa gì. Y cảm thấy khát. Khát gì? Phật Pháp. Y cần nước Pháp lại tươi nhuận, vì y cảm thấy mình như bị khô cằn đi, rồi sẽ chẳng còn gì cả.
Như những người thường không tu hành thì nói: “Tôi cảm thấy rất cô đơn, chán chường vô vị.” Vì chán quá nên lúc đó y sẽ tác quái! Tức là làm cái đó (làm chuyện dâm dục). Thế nào là sự chán chường vô vị? Tôi vốn không muốn nói ra, nhưng sợ quý vị không hiểu nên lại phải nói. Thì đây: giống như chuyện người nữ tưởng nhớ đến người nam, nhớ nhung đến độ lòng cô ta bồn chồn, bức rức rồi khô khan, khao khát vô cùng. Người nam nhớ nghĩ đến người nữ thì cũng khao khát, đơn điệu, chán chường. Như thử phải tìm kiếm một vật bị đánh mất. Tìm nhưng tìm không ra, nên sanh cảm giác ê chề chán chường.
Vị hành giả lúc ấy ký ức trầm trệ không sao phân tán, lúc nào y cũng như người bi bịnh tương tư, luôn luôn nhớ nghĩ; y cứ nghĩ đi nghĩ lại không thể quên người tình. Hành giả bấy giờ nhận lầm rằng sự trầm ức không phân tán, khô, khát, chán chường là một thứ tinh tấn. Kỳ thật đây là một cảnh giới của thọ ấm, lúc hành giả chưa khai trí huệ.
Kinh Văn:
Cảnh giới này gọi là “tu tâm mà tự thất vì thiếu trí huệ.” (Tự thất nghĩa là cảm giác lạc lõng không biết đi về đâu). Nếu nhận biết được thì không lầm lỗi. Không phải là chứng Thánh. Nếu tự cho mình chứng Thánh liền bị loài ma nhớ (ức ma) nhập vào tâm. Đêm ngày như nắm cái tâm treo vào một nơi. Mất đi chánh định, từ đó đọa lạc.
Giảng:
Đây là cảnh giới của thọ ấm, gọi là “tu tâm mà tự thất vì thiếu trí huệ”. Các ông chưa phát trí huệ nhưng đừng lo sợ vì chưa có trí huệ, vì nếu nhận biết được thì không lầm lỗi. Nếu ông hiểu ra đó chỉ là một cảnh giới, thì không có chuyện gì. Nhưng nếu không hiểu được thì ông sẽ rơi vào tình trạng “trầm không trệ tịch”; luôn đắm mình trong nhớ tưởng (trầm ức bất tán) không thôi, thì ông sẽ khô mòn mà chết; khô chết thì có thành tựu gì chớ! Cảnh giới nàykhông phải là chứng Thánh. Cảnh giới này không phải là ông có chứng đắc được điều gì hay là chứng Thánh quả. Đừng nhận giặc làm con.
Nếu tự cho mình chứng ngộ thì sẽ bị loài ma nhớ nhập vào tâm. Ông có nghe chăng? Đây thật là nguy hiểm! Nếu ông xem đó là cảnh giới tốt lành, một loại ma nhớ (ức ma) sẽ đến và giúp cho ông nhớ kỹ mọi việc. Ông không nhớ điều gì hả? Nó sẽ giúp cho ông nhớ, giúp ông không quên. Nó thấy ông đắm mình trong nhớ tưởng, nó đến nhập vào tâm ông để giúp cho ông nhớ. Ngày đêm như nắm cái tâm treo vào một nơi. Mất đi chánh định, từ đó đọa lạc, trong tương lai sẽ đọa vào địa ngục.
4. Huệ thiên lệch nhiều cuồng ngạo
Kinh Văn:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ và thấy rõ ràng thọ ấm, Huệ trở nên mạnh hơn Định, lầm lẫn mà trở thành mạnh mẽ sắc bén; ôm ấp tánh siêu việt đó nên tưởng mình là Phật Lô Xá Na tự hài lòng với chút ít sở đắc của mình.
Giảng:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, thấy rõ ràng thọ ấm, huệ trở nên mạnh hơn định, huệ lực vượt quá định lực. Lầm lẫn mà trở nên dũng lợi, do đó ông ta tự mình sinh khởi ra cái tâm hết sức dũng mãnh, sắc bén. Ôm ấp tánh siêu việt của mình, tự tâm đã nghi mình là Phật Lô Xá Na. Ở cảnh giới này hành giả xem bản tánh của mình siêu việt và phi thường, nên luôn luôn nghĩ về nó. Ôm ấp, nhớ tưởng về cái bản tánh thù thắng ấy mà nghi rằng chính mình là Phật Lô Xá Na.
“Lô Xá Na”, tiếng Phạn có nghĩa là “Ánh sáng chiếu khắp mọi nơi”. Bởi vì ông ta cho rằngmình đã là Phật Lô Xá Na, cho nên tự hài lòng với chút ít sở đắc của mình. Ông ta có được chút ít tiến bộ, rồi trở nên tự mãn; thật ra, định lực ấy cách hẳn định lực của Phật rất xa mà ông ta lại tuyên bố là mình đã thành Phật Lô Xá Na.
Kinh Văn:
Trạng thái này gọi là “dụng tâm mà quên mất sự suy xét thường xuyên, nên sa đắm nơi tri kiến.” Nếu biết thì không lỗi, trạng thái đó chẳng phải là chứng Thánh. Nhưng nếu nghĩ là chứng ngộ thì ma hạ liệt dễ tự mãn (hạ liệt dị tri túc ma), nhập ngay vào tâm, mỗi khi gặp người liền tự xưng “ta đã được Vô thượng Đệ nhất nghĩa đế.” Mất đi chánh định, từ đó phải đọa lạc.
Giảng:
Trạng thái này gọi là “dụng tâm mà quên mất sự suy xét thường xuyên.” Ông không thường công phu ngay việc thường thường thẩm sát lại chính mình, trở nên ngưng trệ nơi tri kiến do không thể phân biệt giữa điều mình biết và điều mình suy nghĩ, nên bị ngưng trệ và kẹt vào những ý tưởng và quan niệm của chính ông.
Nếu biết thì không lỗi, sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra. Trạng thái đó chẳng phải là chứng Thánh. Nhưng nếu nghĩ là chứng ngộ, nếu nghĩ rằng ông đã chứng được cảnh giới siêu việt nào đó, thì ma hạ liệt dễ tự mãn – một loại ma hạ tiện, đê tiện nhất, tự mãn trong bất kỳ tình huống nào, nhập ngay vào tâm. Ma ấy đục vào tâm ông, gá vào thân ông, đuổi hồn ông chạy mất. Kỳ thật, ông chỉ là một cái vỏ, nhưng ông vẫn không nhận biết. Mỗi khi gặp người liền tự xưng: “Các người biết chăng: Ta đã chứng được Vô thượng Đệ nhất nghĩa đế.”
Hiện tại (1968) hàng ngày có một người đứng trên đường Grand ở phố Tàu, tại khu trung tâm thương mại của San Francisco, y phục sặc sỡ, bảo mọi người rằng: “Tôi tu trong núi đã năm năm, nay đã chứng ngộ. Bây giờ tôi như vậy, như vậy, tôi đã có thần thông...” Trước đây anh ta lạy tôi làm sư phụ, nguyên lai là đệ tử quy y tôi. Nhưng anh ta không nghe lời dạy. Quý vị đoán xem, trước khi tôi đến Hoa Kỳ, anh ta đã làm gì? Anh ta quảy một bình hồ lô thật to trên lưng, trên hồ lô viết rằng: Tôi là đệ tử của Độ Luân Pháp sư, đã học được rất nhiều bản lãnh; ai có việc gì, tìm tôi thì giải quyết được vấn đề. Anh ta đã dùng tên tôi để lừa đảo mọi người trước khi tôi đến Hoa Kỳ. Hiện tại tôi đã đến Hoa Kỳ, anh ta vẫn còn lừa đảo mọi người, nhưng anh ta không lợi dụng tên tôi để bịp nữa. Đây chính là loại ma mà đoạn kinh này đang đề cập đến. Hắn ta tuyên bố đã đạt được Đệ nhất nghĩa đế.
Mất đi chánh định, chắc chắn sẽ bị chìm đắm. Anh ta đã mất sạch chánh định, anh ta cũng không nghe lời tôi dạy. Từ khi tôi đến Mỹ, giảng kinh anh ta cũng chẳng đến nghe, thuyết pháp anh ta cũng không đến nghe. Anh ta thì tuyên bố anh ta đã đắc Đạo, đã khai ngộ, đã có thần thông. Rốt ráo là thần thông gì? Quý vị chắc đoán không ra đâu. Đó là: tiền, tiền, tiền! Ai da! Lừa gạt người! Thế nên, từ đó sẽ đọa lạc.
5. Cảm thấy như gặp hiểm nạn sanh tâm buồn vô hạn
Kinh Văn:
Lại nữa, khi hành giả ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Hành giả thấy không còn điều gì để chứng được nữa, cảnh giới tâm chứng từ trước đã mất. Xem xét kỹ hai mé cảm thấy mình gặp hiểm nạn lớn. Tâm bỗng nhiên thấy buồn vô hạn, như thể ngồi trên giường sắt, như uống thuốc độc. Tâm không muốn sống, thường mong người khác hại thân mình để chóng được giải thoát.
Giảng:
Lại nữa khi hành giả ở trong định. Bây giờ hành giả có chút định lực sâu hơn, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Hành giả thấy không có điều gì để chứng đạt nữa, cảnh giới tâm chứng từ trước đã biến mất. Xem xét kỹ hai mé, quá khứ và tương lai, ông ta thấy cả hai đều biến mất. Cảm thấy mình như gặp hiểm nạn lớn. Ông ta nghĩ: “Ồ, đây thực là nguy hiểm khủng khiếp quá!” Lòng bỗng nhiên thấy buồn vô hạn. Ông ta thấy lòng tràn ngập ưu sầu, phiền não về mọi việc. Sự ưu phiền đưa đến sự phiền não. Phiền não như thế nào? Như thể ngồi trên giường sắt. Từ sáng đến tối ông ta tự nghĩ: “Ôi! Ta như đang ngồi trên giường sắt trong địa ngục. Ta phải làm gì bây giờ? Có thân này thật là khổ?” Như uống thuốc độc và thấy như sắp chết. Tâm không muốn sống. Suốt ngày ông ta tự nghĩ: “Ta chết đi thì tốt hơn!” Ở Trung Hoa có câu “Tốt hơn là nên chết đi, đỡ tốn áo quần.” Người này có lẽ đã suy nghĩ như thế, nên ông ta nói: “Chết đi thì tốt hơn! Chết đi thì tốt hơn!”
Trong hầu hết những trường hợp tự vẫn, thường có sự can dự của quỷ. Quỷ nầy nó làm gì? Nó hướng về người muốn tự tử khấu đầu đảnh lễ rồi đọc chú, nhưng người ấy không nghe được. Nghĩa của câu chú là: “Anh nên chết thì tốt hơn, anh nên chết thì hay hơn! Hãy nhanh lên, càng kết thúc sự sống càng sớm càng tốt!!!” Mặc dù người muốn tự sát không nghe được bằng tai, nhưng đã xuyên thấu vào tâm hồn. Vì quỷ có tha tâm thông nên nó khiến một loại ma khí của chúng len vào tâm nạn nhân và xúi dục tự sát. Tâm nạn nhân nghe lời ma dụ dỗ và tin những gì ma nói. Thế là dùng thuốc độc, tự treo cổ, trầm mình xuống biển, hay nhảy từ trên cầu Golden Gate (Kim Môn) xuống. Đó là cách mà nạn nhân tự sát. Có rất nhiều ma ở quanh cầu Golden Gate. Nó chẳng dám quấy rần quý vị nếu trong quý vị tràn đầy dương khí. Nhưng nếu có ai đi qua chỗ ấy mà dương khí yếu kém, cả tinh khí thần của người ấy đều yếu thì quỷ liền nói: “Ông chết đi là hơn, tốt hơn là ông nên chết đi…” và người ấy nhảy xuống biển. Hầu hết mọi trường hợp tự tử đều do quỷ kích động.
Thường mong người khác hại thân mạng mình để sớm được giải thoát. Ông ta thường hay bảo người khác rằng: “Xin hãy giết tôi đi! Nếu anh có cách nào giúp tôi kết liễu mạng sống, thì rất tốt. Tôi sẽ được giải thoát.”
Kinh Văn:
Đây gọi là “tu hành nhưng sai mất phương tiện.” Nếu hành giả biết được, thì không lầm lỗi, không phải là chứng Thánh. Nhưng nếu nghĩ mình đã chứng Thánh thì loài ma ưu sầu (thường ưu sầu ma) nhập vào trong tâm. Tay dùng dao kiếm tự cắt thịt mình, thích được tự sát, hoặc thường buồn lo, chạy lánh vào rừng sâu, không thích thấy người. Mất đi chánh định, từ đó sẽ đọa lạc.
Giảng:
Đây gọi là “tu tập nhưng sai mất phương tiện.” Vì hành giả không hiểu rõ pháp môn phương tiện nên mới phát sinh sự chấp trước sai lầm này. Sau khi phát sanh sự dính mắc, nếu hành giả biết được thì không lầm lỗi, không có vấn đề gì, không phải là chứng Thánh. Điều này không có nghĩa là ông ta đã chứng Thánh. Nay quý vị đã được nghe đạo lý từ Kinh này rồi, quý vị phải nên cực kỳ thận trọng, đừng buông thả mặc tình tâm ý trong vọng tưởng. Đừng có khởi lên suy nghĩ muốn chết, hoặc khởi ý là mình không thể đạt được những gì mình mong muốn. Nếu quý vị vẫn còn giữ suy nghĩ như vậy, quý vị sẽ chiêu cảm ma đến ngay. Trong thế giới này, loại ma này có rất nhiều rất nhiều. Vì thế nên quý vị không nên buông thả tâm mình trong vọng tưởng hoặc nói năng bất cẩn, tùy tiện. Nếu quý vị làm như thế, ma này sẽ len vào quý vị ngay. Khi điều ấy xảy ra, quý vị sẽ không thể nào chịu đựng nổi. Quý vị sẽ mất tự do, ngay cả khi quý vị không muốn chết, cũng không có cách nào tránh được cái chết.
Nhưng nếu nghĩ mình chứng Thánh, thì sẽ bị một loại ma ưu sầu. Quý vị cho rằng mình hay ưu sầu? nhưng thật ra ưu sầu cũng có ma. Tại sao quý vị buồn rầu hay giận dữ? Nếu quý vị mở Phật nhãn, quý vị sẽ thấy rằng khi người ta không nóng giận, thì không có quỷ nào cả, nhưng một khi nóng giận, quỷ liền đến giúp nổi giận thêm: “Hãy nổi nóng lên đi, hãy cuồng nộ lên đi! Hãy làm loạn lên đi!”
Nó ở đằng sau, dục quý vị nổi nóng. Cho dù quý vị không tin, điều tôi nói vẫn là sự thật; nếu quý vị không tin, thì từ từ thử xem!
Nhập vào trong tâm, chiếm lấy thân ông ta, tay dùng dao kiếm tự cắt thịt mình. Tôi đã từng nói về Vương Hiếu Tử (con chí hiếu họ Vương) rồi phải không? Ngài chính là Thường Nhân Đại Sư, Ngài đã từng thực hành hạnh hiếu bên cạnh mộ của cha mẹ. Một hôm Ngài đang trong định, thấy bọn cướp bắt đứa cháu của ngài đi và sắp bắn nó ở nơi cách ngài chừng năm dặm, nhưng ngay khi tên cướp sắp bóp cò súng, thì từ trong định Ngài dùng tay gạt khẩu súng làm viên đạn không trúng người cháu, nên nó chạy thoát được. Đằng sau sự kiện này, có một con quỷ muốn cướp mạng sống của người cháu, chính nó đã khiến tên cướp đến bắt trói và tìm cách giết. Đó là những liên hệ nhân quả. Khi Ngài Thường Nhân cản trở con quỷ trong việc tìm cách giết đứa cháu, thì nó liền đến sau lưng Ngài nhưng không làm gì được Ngài. Nó liền tìm đến người em trai Ngài tên là Vương Nhị Gia, chiếm đoạt người này thế người anh. Vương Nhị Gia tay cầm dao, đến mộ tìm Ngài Thường Nhân, nó định tự sát trước mặt Ngài.
Quỷ muốn giết người em, nhưng lạ thay, khi nó cầm dao sẵn sàng đâm vào đầu, thì quỷ không thể hạ độc thủ xuống được. Trong khi đó, Ngài Thường Nhân đang tụng kinh Kim Cang. Trong khi Ngài đang tụng thì sư phụ tôi (Thường Trí Đại Sư) lúc ấy Ngài chưa xuất gia, cảm thấy bồn chồn trong dạ như thể có điều gì khủng khoẳng lắm. Ngài Thường Trí thấy lo lắng và bất an. Ngài tự hỏi có việc gì xảy ra với Vương Hiếu Tử ở ngoài mộ chăng. Ngài vội vã đi ngay ra nghĩa địa để xem sao. Quả nhiên Ngài thấy Vương Nhị Gia đang cầm dao sắp tự đâm mình. Vương Hiếu Tử (Thường Nhân Đại Sư sau này) đã viết sẵn mấy chữ cho thầy tôi (Thường Trí Đại Sư): “Đi mua cho một ít giấy vàng mã (theo phong tục của người Trung Hoa người ta đốt giấy vàng mã cúng cho người chết), ta sẽ tụng kinh cầu siêu cho nó được siêu độ. Có một con quỷ liên quan đến chuyện này, và nó muốn như thế, như thế...” Sau khi Vương Hiếu Tử đọc kinh siêu độ nó rồi thì không có việc gì xảy ra nữa.
Mặt khác đây là ví dụ về một loài ma mà chúng ta đang bàn luận. Nhưng trong trường hợp này con quỷ đến vì nó muốn đoạt mạng người, không phải do tu hành chiêu cảm nó đến. Nhưng cũng có thể nói là do tu hành. Vì Vương Hiếu Tử trong khi tu tập vẫn còn để ý quá nhiều vào chuyện người khác, Ngài đã chiêu cảm loài ma này muốn giết người em trai của Ngài. Con quỷ không giết được Vương Hiếu Tử vì Ngài có định lực và không vọng tưởng nên nó không thể làm gì được Ngài mà lại đến hại người em.
Thích được tự sát. Thích được tự chết đi. Hoặc thường buồn lo. Giờ đây quý vị đã được nghe giảng đoạn kinh này rồi, hãy cẩn trọng đừng ưu sầu suốt ngày nữa. Đừng luôn khóc lóc, buồn rầu. Nếu quý vị cứ ưu sầu, ưu sầu, thì loài ma này sẽ đến chiếm đoạt thân xác quý vị. Điều này xảy ra là do một phần năng lực của loài ma và một phần do chính tâm quý vị, ma lợi dụng tinh thần của quý vị mà hành động. Nếu tư tưởng quý vị chơn chánh sẽ không có vấn đề gì xảy ra; nhưng nếu suy nghĩ của quý vị bất chánh, tà vạy, quý vị sẽ bị ma sai sử. Nếu nó nói với quý vị hãy buồn rầu đi. Quý vị trở nên buồn rầu, cho đến khi quý vị trốn tránh vào chốn rừng sâu núi thẩm, lẩn tránh hết mọi người.
Chạy lánh xa vào rừng sâu, không thích gặp người. Khi thiếu chánh định sẽ bị đọa lạc. Người như vậy chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục.
6. Tâm an ổn phát sanh niềm vui vô hạn
Kinh Văn:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Khi ở trong chốn thanh tịnh, tâm được an ổn. Bỗng nhiên phát sanh niềm vui vô hạn trong tâm, không thể kềm chế được.
Giảng:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Khi ở trong chốn thanh tịnh của định, tâm được an ổn. Tâm hết sức an tĩnh và ổn định, hết thảy tạp niệm không còn. Ngay lúc ấy, thọ ấm lại phát sanh tác dụng. Bỗng dưng phát sanh niềm vui vô hạn trong tâm. Cảm thấy dâng tràn niềm vui vô hạn, vui đến cực điểm, trong tâm vui đến mức, mức độ của nó không lường biết được, và không kềm chế được. Cho dù có muốn đình chỉ niềm hoan lạc ấy, cũng không dừng được.
Kinh Văn:
Đây gọi là “cảm nhận khinh an nhưng thiếu trí tuệ để điều phục.” Nếu hiểu rõ thì không lầm lỗi, không phải là chứng Thánh.
Giảng:
Đây gọi là một loại cảnh giới của “khinh an nhưng thiếu trí tuệ để điều phục” trạng thái vui mừng ấy. Hành giả không có trí tuệ để chế ngự cảm giác vui mừng này. Nếu hiểu rõ thì không lầm lỗi, không phải là chứng Thánh. Đây không phải là biểu hiện của Thánh quả.
Kinh Văn:
Nhưng nếu cho mình đã chứng Thánh, thì có loài ma thích vui (háo hoan hỷ ma) sẽ nhập vào tâm. Mỗi khi gặp người liền cười, cùng ca hát nhảy múa trên đường. Tự xưng đã được vô ngại giải thoát. Mất đi chánh định chắc chắn sẽ bị chìm đắm.
Giảng:
Nhưng nếu cho mình đã chứng Thánh. Nếu ông nói: “Ồ! Bây giờ tôi đã vào Hoan Hỷ Địa! Tôi là Bồ Tát Hoan Hỷ Địa đây. Thì có loài ma thích vui sẽ nhập vào tâm ông. Mỗi khi thấy người liền cười vang, cùng ca hát nhảy múa trên đường. Giống như hippie vậy, hoàn toàn mất tự chủ. Vẫy tay, dậm chân, ca hát, nhảy múa, làm đủ thứ âm nhạc.
Tự xưng là đã chứng được vô ngại giải thoát. Mất đi chánh định chắc chắn sẽ bị chìm đắm. Đánh mất hết thảy chánh định, chánh tri chánh kiến. Cuối cùng rơi vào địa ngục.
7. Cho là viên mãn, tâm đại ngã mạn phát sanh
Kinh Văn:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, tỏ rõ thọ ấm. Tự bảo là đã đủ rồi. Bỗng nhiên, vô căn vô cớ, có tâm đại ngã mạn phát sanh; cho đến tâm kiêu mạn, tâm mạn quá mạn, tâm tăng thượng mạn, hoặc ty liệt mạn đều cùng phát ra một lúc. Trong tâm khinh thường mười phương các Đức Như Lai, huống nữa là những quả vị thấp như Thanh Văn, Duyên Giác.
Giảng:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Tự bảo là đã đủ rồi. Nói mình đã đủ rồi, cái gì cũng đã đều viên mãn cả, đã chứng quả rồi, đã khai ngộ rồi, và đã thành Phật. Bỗng nhiên, vô căn vô cớ, có tâm đại ngã mạn phát sanh. Ngã mạn tức là một hình thức của kiêu mạn. Hắn chẳng kính trọng người nào, xem thường tất cả, cho rằng chẳng ai bằng mình.
Cho đến tâm kiêu mạn, cống cao ngã mạn. Một loại ngã mạn rất cao. Tâm mạn quá mạn, cực kỳ ngã mạn. Tăng thượng mạn không còn lối ngạo mạn nào cao hơn loại này nữa – ngã mạn chồng lên ngã mạn. Và ty liệt mạn. Cảm thấy mọi người đều thấp hèn hơn ta và khinh thường hết thảy mọi người. Trên là những tướng trạng khác nhau của ngã mạn, đều cùng phát ra một lúc.
Trong tâm khinh thường cả mười phương các Đức Như Lai. Hắn ngã mạn đến mức độ nào? Không chỉ ngã mạn đối với người mà còn ngã mạn đối với Chư Phật, thế nên hắn xem thường các đấng Như Lai, thấy các Ngài không bằng như hắn. Quý vị xem cái ngã mạn này nguy hại đến dường nào!
Huống nữa là những quả vị thấp như là Thanh Văn, Duyên Giác. Hắn ta càng xem thường những vị này. Thái độ của hắn ta là: “Các ông chẳng là gì cả, chỉ là một vị A-la-hán tu hạnh Tiểu thừa, các ông có gì hay ho lắm đâu?” Hắn cho rằng đã cao hơn Phật, nhưng đáng tiếc hắn không phát minh ra được danh xưng khác để gọi cho mình.
Kinh Văn:
Đây gọi là “tự xem mình quá cao, nhưng thiếu trí huệ để tự cứu.” Nếu nhận ra thì không có lỗi. Đây không phải là chứng Thánh.
Giảng:
Đây gọi là tự xem mình quá cao, trong thọ ấm trạng thái này có khi phát sanh. Nhưng thiếu trí huệ để tự cứu. Người ấy không có trí huệ để tự cứu mình. Nếu nhận ra thì không có lỗi. Nếu nhận ra đây là sai lầm thì ma sẽ không có dịp phát huy tác dụng. Nên nói: Giác tức không mê, mà khi mê tức là không giác.
Quý vị một khi giác, thì giống như có kiếm trí huệ vậy, chém phăng mọi mê lầm.
Đây không phải là chứng Thánh. Đây không phải là biểu hiện của chứng Thánh quả.
Kinh Văn:
Nhưng nếu nhận là chứng Thánh, thì có loại ma đại ngã mạn (đại ngã mạn ma) nhập vào trong tâm, không lễ Chùa, Tháp, phá hủy Kinh Tượng. Nói với đàn việt rằng: “Tượng chỉ là vàng, đồng hoặc là gỗ, đất. Kinh chỉ là lá hoặc là giấy lụa; thân xác thịt mới là chân thật vĩnh cửu, mà không cung kính, lại sùng bái gỗ đất, thật là điên đảo.” Những kẻ đã quá tin vào nó, nghe theo lời này, đập phá kinh tượng và chôn sạch. Nó gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sanh khiến cho những chúng sanh lầm lạc này phải đọa vào Vô Gián địa ngục. Sai mất chánh định, nó sẽ đọa lạc.
Giảng:
Nếu nhận là chứng Thánh. Nếu như cho rằng “ Đây là cảnh giới tốt” Thì có một loài ma đại ngã mạn sẽ nhập vào trong tâm, chiếm đoạt thân xác ông.Không lễ Chùa Tháp. Nó không lạy Phật hay Tháp, cũng chẳng lạy Phật khi vào trong chùa. Phá hủy kinh tượng. Nó sẽ đốt kinh đập phá tượng Phật. Đốt kinh, hủy tượng vốn là tội đọa địa ngục, nhưng nó lại nói: “những cái này đều là thứ giả”
Bảo với đàn việt rằng. Nó cũng có đệ tử và bảo với đệ tử như vậy. Đàn (dana) có nghĩa là bố thí, việt (pati) nghĩa là vượt qua. Nên trong Phật Giáo, những người cúng dường Tam Bảo được gọi là đàn việt (danpati). Nó cũng có đàn việt và tín đồ của nó. Nó nói với đồ chúng của nó rằng: Tượng chỉ là vàng, đồng, đất, gỗ; Kinh chỉ là lá, giấy, lụa. Tượng Phật thì được làm bằng vàng, đồng hoặc được nhồi bằng đất hoặc tạc bằng gỗ; kinh thì được viết trên lá hay trên vải, lụa; các ông cung kính nó để làm gì chớ? Sao các ông lại lễ bái nó? Nó vốn là vật vô tri vô thức. Thân xác thịt này mới là chân thực vĩnh cửu. Cái thân xác thịt của tôi mới là chân thật mà lại không cung kính, các ông không cung kính tôi, lại sùng bái gỗ đất, thì có được ích lợi gì chứ? Có ích lợi gì khi lễ lạy những ngẫu tượng ấy? Các ông lạy nó không bằng lạy tôi; các ông lạy tôi chẳng phải tốt hơn sao? Thật là điên đảo. Các ông lạy những ngẫu tượng ấy, nhưng nó chỉ là những mảnh gỗ, nó đâu có tri giác, các ông thật là điên rồ khi lạy chúng! Những kẻ đã quá tin vào nó. Những người đã tin sâu vào ma sẽ nghe theo lời nó, đập phá tượng Phật, đốt kinh và chôn sạch. Qua hành vi này, gây nghi ngờ và lầm lạc cho chúng sanh, khiến họ không tin vào Phật Pháp, thay vào đó lại sanh nghi ngờ. Nó dẫn dắt chúng sanh lầm lạc như vậy, khiến cho những chúng sanh lầm lạc này phải đọa vào Vô Gián địa ngục.
Sai mất chánh định, nó sẽ đọa lạc. Người này tương lai nhất định đọa vào địa ngục Vô Gián.
8. Nhân trí tuệ đạt khinh an cho là đã viên mãn
Kinh Văn:
Lại nữa, khi hành giả ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, hiểu rõ thọ ấm. Từ trong chỗ sáng suốt tinh anh giác ngộ được chân lý vi diệu. Mọi thứ đều tùy thuận theo sở nguyện. Tâm bỗng nhiên đạt đến sự khinh an vô bờ bến. Tự cho mình đã thành bậc Thánh, được đại tự tại. Đây gọi là: “Nhân trí tuệ mà đạt được khinh thanh (nhẹ nhàng thanh thoát).” Nếu rõ biết thì không lỗi, không phải là chứng bậc Thánh.
Giảng:
Lại nữa, khi hành giả ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, hiểu rõ thọ ấm. Từ trong chỗ sáng suốt tinh anh. Giác tri của hành giả trở nên sáng suốt tinh anh hơn lúc nào hết. Giác ngộ được hoàn toàn chân lý vi diệu. Lúc này hành giả đạt được sự hiểu biết thông suốt những chân lý nhiệm mầu vi diệu.Mọi thứ đều tùy thuận theo sở nguyện. Tâm bỗng nhiên đạt được sự khinh an không bờ bến, tự cho mình đã thành bậc Thánh, thành Phật, đạt được đại tự tại, đạt được niềm an lạc tối thượng hơn cả.
Đây gọi là: “Nhân trí huệ mà đạt được (khinh thanh) sự nhẹ nhàng thanh thoát.” Vừa khai mở được chút ít trí huệ, liền đạt đến trạng thái nhẹ nhàng, thanh thoát mà thôi, tuyệt chẳng phải là cảnh giới cao siêu gì. Nếu rõ biết thì không lỗi, không có vấn đề gì. Không phải chứng quả vị Thánh. Ông không nên cho rằng: Trạng thái này là chứng quả vị Thánh, vì nó vốn không phải như vậy.
Kinh Văn:
Nhưng nếu nhận là chứng bậc Thánh, thì có loại ma thích sự khinh thanh (háo khinh thanh ma) nhập vào tâm phủ. Tự cho là đã viên mãn không cầu tiến bộ nữa. Phần nhiều những người này sẽ giống như Tỳ kheo Vô Văn, sẽ gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sanh, khiến cho những chúng sanh lầm lạc này phải đọa vào địa ngục A-tỳ. Sai mất chánh định, nó sẽ đọa lạc.
Giảng:
Nhưng nếu nhận là chứng Thánh, nếu như khi có được trạng thái khinh an này, nghĩ là mình đã được quả vị Thánh thì có loại ma thích khinh thanhnhập vào tâm phủ. Loại ma này, nó cũng có trãi qua trạng thái khinh thanh (nhẹ nhàn thanh thoát hay khinh an) này, sẽ chiếm đoạt người này. Người này tự cho là đã viên mãn, là đã hoàn thành mọi việc. Không mong cầu tiến bộ nữa. Trên không có quả vị Phật để đạt đến, vì đã thành Phật rồi. Cũng chẳng cần cứu độ chúng sanh, vì đã hoàn tất việc cứu độ rồi. Phật quả nên thành thì đã thành rồi; chúng sanh đáng độ thì đã độ rồi. Do vậy nó không mong cầu tiến bộ nữa.
Phần nhiều những kẻ tu hành này, đều giống như Tỳ kheo Vô Văn đã được đề cập trước đây. Do thiếu trí huệ, ông ta tưởng cảnh giới Tứ Thiền là quả vị thứ tư của A-la-hán. Gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sanh, khiến cho chúng sanh không biết được con đường chân chánh (chánh lộ), khiến cho chúng sanh không nhận ra Phật Pháp; nó làm mê lầm và chướng ngại chúng sanh, khiến cho những chúng sanh lầm lạc này phải đọa vào địa ngục A-tỳ.
Sai mất chánh định, nó sẽ đọa lạc. Trong tương lai loại người này sẽ rơi vào Vô Gián địa ngục. Sao vậy? Thiếu mất chánh định sẽ bị chìm đắm. Vì khi đã bị lạc mất chánh định, nhất định sẽ rơi vào địa ngục Vô Gián.
9. Tâm chấp trước không, phỉ báng giới luật
Kinh Văn:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Trong chỗ tỏ ngộ đạt được tánh hư minh. Trong ấy, hành giả bỗng dưng có khuynh hướng đoạn diệt, bài bác nhân quả, cho mọi việc đều là không. Tâm chấp không chi phối mạnh mẽ, khiến hành giả có kiến giải rằng: Sau khi chết hoàn toàn đoạn diệt. Đây gọi là “Định tâm phân tán mất đi sự chiếu diệu tương ưng”. Nếu rõ biết được thì không lỗi lầm. Đó không phải là chứng Thánh quả.
Giảng:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Trong chỗ tỏ ngộ, ngay lúc ông ta vốn dường như minh bạch nhưng chưa thực sự minh bạch, đạt được tánh hư minh, đắc được một loại tánh sáng suốt nhưng mà là sự sáng suốt hư vọng, không thực. Trong ấy hành giả bỗng dưng có khuynh hướng đoạn diệt, bài bác nhân quả cho mọi việc đều là không. Trong ấy, ở trong tánh hư minh ấy, bỗng dưng xảy ra một sự thay đổi. Đó là gì? Hành giả có khuynh hướng đoạn diệt, bài bác nhân quả, cho mọi pháp đều là không.
Ông ta nói “Khi chết người đó ra đi vĩnh viễn. Do vậy, nói về nhân quả là sai lầm. Chẳng có nhân quả, khi chết chẳng có gì tồn tại nên làm sao mà có nhân quả. Mọi pháp đều là không, tạo tội cũng là không mà làm việc phước thiện cũng là không. tất cả đều là không”. Tâm chấp không chi phối mạnh mẽ khiến hành giả có kiến giải rằng: Sau khi chết hoàn toàn đoạn diệt.
Càng nghĩ ông ta càng cảm thấy ông ta đúng “ Ồ! Đúng nó là không. Một khi ông chết là hết tất cả, mọi việc đều là không!!!” Lúc ấy nó trở nên tin tưởng rằng: Mọi người đều vĩnh viễn biến mất sau khi chết.
“Nếu rõ được thì không lỗi lầm, đó không phải là chứng Thánh quả”. Câu Kinh văn này bị bỏ sót khi in lại từ nguyên bản. Chúng ta có thể bổ túc, thêm nó vào đây.
Đây gọi là: “Định tâm phân tán, mất đi sự chiếu diệu tương ưng".
Lúc này định tâm không còn nữa, vậy nên phát sanh tư tưởng chấp không, mất đi khả năng nhận biết điều gì là đúng đắn. Nếu rõ biết được thì không lầm lỗi, không phải là chứng Thánh quả. Đây không phải là cảnh giới khi chứng được quả vị Thánh,
Kinh Văn:
Nhưng nếu nhận là chứng Thánh liền có loại ma không (không ma) nhập vào trong tâm. Nó liền phỉ báng người giữ giới, gọi họ là “Tiểu thừa”. Nói rằng: “Bởi Bồ tát đã ngộ tánh Không, thì có gì là trì là phạm?”. Người này thường ở nơi nhà đàn-việt thiện tín uống rượu, ăn thịt, phóng đãng dâm ô. Do ma lực nên nó nhiếp phục được mọi người không khởi tâm nghi báng nó. Sau khi ma nhập vào tâm hành giả lâu ngày rồi, nó khiến hành giả ăn phân uế, uống nước tiểu, ăn thịt, uống rượu. Tuyên bố những thứ này đều là không. Nó phá hoại luật nghi của Phật làm cho người khác mê lầm phạm tội. Lạc mất chánh định sẽ bị chìm đắm.
Giảng:
Nhưng nếu nhận là chứng Thánh. Nếu xem đây như là sự chứng đạt quả vị Thánh, liền có loại ma không nhập vào tâm. Ma nó nhập vào chiếm hữu xác thân ông. Nó liền phỉ báng những người giữ giới, gọi họ là “Tiểu thừa”. Nó nói: “Chớ giữ giới làm gì, đó là pháp Tiểu thừa. Hàng Bồ tát Đại thừa không nên bị phiền toái trong những câu thúc ấy. Các ông không nên quá quan tâm đến những giới ấy bởi ‘voi lớn không đi đường thỏ’. Kẻ đại ngộ không nên câu chấp tiểu tiết. Một khi ông là người đại ngộ rồi thì chẳng còn việc gì hệ trọng nữa hết. Mọi pháp đều là không. Ta chẳng nói điều này trước đây hay sao? ‘Rượu thịt trôi qua bụng, còn Phật ở tại tâm. Mọi pháp đều do tâm, tâm chính là Phật, Phật chính là tâm!’”. Đó là những gì ma nói. Nó còn phỉ báng những người giữ giới: “Chỉ có những người chấp dính vào Tiểu thừa mới giữ giới. Đệ tử của Đại thừa không bận tâm đến chuyện này.”
Thực ra, giới luật của Đại thừa càng rõ ràng hơn nữa và người tu Đại thừa càng phải giữ giới nghiêm mật hơn nữa. Ma chỉ lừa dối những người kém hiểu biết thôi. Thực ra những người ấy vốn không học qua Phật Pháp, cũng không hiểu những đạo lý mà Đức Phật đã dạy. Đó là lý do tại sao, bất luận nó nói điều gì, những người không hiểu biết ấy xem đó như là mệnh lệnh vậy bởi tin rằng lời nó nói là đúng! Tại sao họ lại tin lời nó nói? Bởi vì chưa nghe qua Phật Pháp, cũng không hiểu Phật Pháp là gì.
Nó nói rằng: “Bởi Đại thừa Bồ tát đã ngộ tất cả pháp là không (nhất thiết pháp không), thì có gì là trì, là phạm? Sao lại còn có giữ giới phạm giới. Không có!” Người này đã bị ma xâm chiếm, thường ở nơi nhà đàn-việt thiện tín, những người Phật tử hộ pháp đã tin tưởng nó, uống rượu ăn thịt, phóng đãng dâm dục. Tối quan trọng là câu “phóng đãng dâm dục (quảng hành dâm uế)” . Đạo Phật dạy người không nên có tâm dâm dục, mà tâm dâm dục của nó lại tăng trưởng. Nó còn khuyến khích làm việc dâm ô, và người ta vẫn tin vì nó có ma lực. Do ma lực nên nó vẫn nhiếp phục được mọi người không khởi tâm nghi ngờ hay phỉ báng nó. Họ tin tưởng nó một cách cuồng nhiệt.
Sau khi ma nhập vào tâm hành giả lâu ngày rồi, nó khiến người ấy ăn phân uế, uống nước tiểu, ăn thịt uống rượu. Tuyên bố những thứ này đều là không.
Vì nó bị ma nhập nên nó không biết được phân là thứ bất tịnh, và nó thường uống nước tiểu. Nó nói rằng ăn phân uế với uống nước tiểu là “bất cấu, bất tịnh”. Nó dùng ý từ Kinh Bát Nhã để ngụy biện. Đó là cách bóp méo ý nghĩa của kinh điển. Ma sẽ cư xử bằng cách biểu hiện sự bất cần mọi việc dù nó sạch sẽ hay dơ bẩn. Nó sẽ tuyên bố ăn thịt, uống rượu là không, ăn phân uế và uống nước tiểu là không. Nói tóm lại, nó cho tất cả đều là không. Nó phá hoại luật nghi của Phật, làm cho người khác mê lầm phạm tội. Thế rồi lạc mất chánh định sẽ bị chìm đắm.
10. Chấp trước lòng yêu, ủng hộ dâm dục
Kinh Văn:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định thấy sắc ấm tiêu trừ, thọ ấm tỏ rõ. Nghiền ngẫm trạng thái hư minh ấy, khắc sâu vào tâm cốt. Trong tâm bỗng có lòng yêu vô hạn sanh ra, yêu quá phát cuồng, bèn làm việc dâm dục. Đây gọi là: “cảnh định an thuận vào tâm, không trí huệ tự giữ mình, nên mê lầm mà đắm vào ngũ dục”. Nếu hiểu rõ thì không sai lầm. Đó không phải là chứng Thánh.
Giảng:
Lại nữa, hành giả khi ở trong định. Khi hành giả đã đạt được định từ trong phạm vi thọ ấm. Thấy sắc ấm tiêu trừ, sắc ấm không còn nữa. Thọ ấm tỏ rõ,nhận thức rõ ràng về thọ ấm. Nghiền ngẫm trạng thái hư minh, cảnh giới mà hành giả đã chứng được, và nay khắc sâu vào tâm cốt. Có một sự chuyển biến tâm lý đột nhiên xảy ra. Trong tâm bỗng có lòng yêu vô hạn sanh ra. Điều này giống như một người nói: “Tôi yêu tất cả mọi người.” Nghe đến đoạn kinh này liền biết rằng anh ta nói lời ấy tức là bởi vì tính chất của anh ta giống như đoạn kinh vừa miêu tả, “lòng yêu vô hạn.” Yêu quá phát cuồng, khi tâm dâm dục dâng khởi đến cực điểm, hành giả phát cuồng, bèn làm việc dâm dục. Hành giả không chế được tình cảm, xúc cảm của mình. Khi trở nên điên cuồng nó giống như người phụ nữ tên Lưu Kim Đồng mà tôi đã nói từ trước. Khi gặp đàn ông, cô ta ôm chầm lấy họ, khóc và thể hiện những cử chỉ quyến rũ. Cô ta là một ví dụ điển hình cho loại ma này. Làm sao mà một người đàn ông bình thường còn giữ được lòng mình không xúc động trước sự dụ dỗ này. Sau khi mê hoặc giới đàn ông, cô ta bảo “Lấy món tiền này mua cho em món nữ trang ấy”. Anh ta liền đáp “vâng, vâng” Rồi cô ta bảo lấy món tiền này mua cho cô ta món khác và anh ta cũng vâng lời làm theo. Tại sao vậy? Đơn giản là vì cô ta thỏa mãn tình dục cho người đàn ông, và anh ta bị mê muội bởi ma lực. Khi lòng ái lên đến cực điểm, người đàn ông trở nên điên cuồng vì tham lam và dâm dục. Dâm dục phát sanh từ tâm tham lam.
Đây gọi là: “cảnh định an thuận vào tâm, không trí huệ tự giữ mình, nên mê lầm mà đắm vào ngũ dục”. Khi trong định, có trạng thái khinh an, hài lòng nhập vào trong tâm, nhưng thiếu trí huệ để tự kềm chế cảm xúc và ham muốn của mình. Kết thúc là buông thả vào trong các thứ ham muốn dâm dục.
Nếu hiểu rõ điều này thì không lầm lỗi. Đây chỉ là trạng thái nhất thời và ngẫu nhiên. Hành giả nên nhận ra trạng thái này là một cảnh giới ma, và không phải là chứng Thánh. Nếu ông hiểu ra thì rất tốt, chỉ đáng sợ là khi quý vị không nhận ra ma cảnh mà mình đang chìm đắm. Quý vị sẽ bị rơi vào mê hồn trận, không cách nào thoát khỏi được.
Kinh Văn:
Nhưng nếu tự nhận mình là bậc Thánh thì loại ma tham dục (dục ma) sẽ nhập vào tâm. Nó sẽ trở thành người thẳng thừng ủng hộ cho dâm dục, gọi đó là Bồ Đề Đạo, nó dạy đệ tử bình đẳng hành dâm dục, gọi những người hành dâm là giữ gìn Pháp tử. Do ma lực trong thời Mạt Pháp, khiến nó thu hút giới phàm phu đến cả trăm, cho đến hai trăm, năm trăm, sáu trăm, nhiều đến mức có cả ngàn, vạn người. Khi ma chán rồi, nó sẽ bỏ rơi người ấy. Khi sức quyến rũ của ma hết, nó sẽ bị rơi vào vòng lao lý. Do gieo sự nghi lầm cho chúng sanh nên đọa vào ngục Vô Gián, sai mất chánh định sẽ bị chìm đắm.
Giảng:
Nhưng nếu tự nhận mình là bậc Thánh, nếu hành giả xem đây là sự chứng đạt quả Thánh, vì quan niệm sai lầm nên loại ma dâm và tham dục sẽ nhập vào tâm và chiếm hữu thân ông. Nó sẽ trở thành người thẳng thừng ủng hộ cho việc dâm dục, gọi đó là Bồ Đề Đạo. Nó sẽ nói rằng: “ngoài dâm dục ra chẳng có gì cả”. Cũng giống như ở nước Mỹ, có một giáo phái chủ trương đa thê chủ nghĩa. Họ cho rằng “càng có nhiều vợ càng tốt” Giáo phái này hoàn toàn giống như loài ma kia. Khuyến khích và quyến rũ sự ham muốn dâm dục bằng cách nói “Rất tốt khi có nhiều vợ, chẳng có gì quan trọng. Đó là đạo Bồ Đề, nếu có nhiều vợ càng hay!”
Nó dạy đệ tử bình đẳng hành dâm dục.
Nó nói: “Đừng phân biệt giữa người này với người khác; hãy cùng nhau hưởng sự hoan lạc” Chẳng bận tâm vợ của mình hay vợ của kẻ khác, họ chỉ việc hành xử theo sở thích. Ở nước Mỹ, có chủ nghĩa hoán thê kỳ quặc (wife-swapping) nơi mọi người đổi vợ cho nhau. Việc này tương tự như việc làm của loài ma đang đề cập trong kinh, gọi những người hành dâm là giữ gìn “Pháp tử” (Dharma heirs). Những người tham gia vào việc hành dâm với y được, y gọi đó là những người giữ gìn “Pháp tử’, là những người kế thừa Pháp sẽ được nó truyền Pháp.
Do ma lực trong thời Mạt Pháp, khiến nó thu hút và mê hoặc đồ đệ từ giới phàm phu đến cả trăm, cho đến năm trăm, sáu trăm, đến cả ngàn vạn người. Cuối cùng khi ma chán rồi, quý vị nghĩ điều gì sẽ xảy ra? Nó bỏ rơi người ấy. Điều gì sẽ xảy ra khi ma bỏ rơi? Người ấy sẽ không còn thần thông nữa.
Khi sức quyến rũ của ma đã hết, nó bị rơi vào vòng lao lý. Sức quyến rũ của nó có được là nhờ vào thần thông. Ma vương có được thần thông nhưng bây giờ ma vương đã bỏ đi rồi vì thế người ấy không còn thần thông nữa. Quý vị biết điều gì xảy ra không? Nó vi phạm luật pháp quốc gia. Trước đây, khi nó “còn” thần thông của ma vương, ma vương có thể giúp nó thoát khỏi luật pháp quốc gia và ngăn chặn không cho nhà chức trách biết sự việc ấy. Nhưng khi ma vương bỏ đi, kẻ phàm phu này trở lại như một người bình thường, thì hắn ta là một kẻ phạm pháp. Người ta sẽ nhận ra hắn ta là một ông thầy bàn môn tà đạo, bịp bợm. Lừa dối học trò bằng bùa ngải kỳ dị. Vì vi phạm luật pháp nên bị bắt và tống giam.
Do gieo sự nghi lầm cho chúng sanh, nên khi gặp được chánh đạo sẽ đọa vào ngục Vô Gián. Cũng sẽ nhất định rơi vào ngục A Tỳ. Sao vậy? Vì nó sai mất chánh định, nên sẽ bị chìm đắm.
Kinh Văn:
A Nan, mười trạng thái trên hiện ra trong thiền định như thế là do thọ ấm và tâm nỗ lực dụng công giao xen, nên hiện ra như vậy. Chúng sanh ngu mê lầm lẫn, không biết lượng xét. Gặp nhân duyên này mê muội không tự biết, bảo là chứng Thánh, thành tội đại vọng ngữ, sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián.
Giảng:
A Nan, mười trạng thái hiện ra trong thiền định như thế là do thọ ấm và tâm nỗ lực dụng công giao xen. A Nan! những trạng thái biểu hiện trong khi tu tập thiền định như thế, đều ở trong phạm vi của thọ ấm, giao xen với nỗ lực dụng công khi tu tập. Những sự kiện này là kết quả của những biến tướng khác nhau xảy ra trong khi hành giả nỗ lực trong công phu tu tập.
Chúng sanh ngu mê lầm lẫn không biết lượng xét. Chúng sanh ngu mê không biết quay trở lại tự quán xét bên trong mình. Gặp nhơn duyên này mê muội không tự biết. Chúng sanh không nhận ra được mình là ai. Bảo là mình đã chứng được bậc Thánh.
Rồi họ bảo rằng họ đã đạt được những điều mà họ chưa từng đạt được và chứng đươc những gì chưa từng chứng được. Họ tuyên bố đã đạt Đạo và chứng được Thánh vị. Trong khi họ chưa hề đạt được những điều ấy. Thành tội đại vọng ngữ, nhất định sẽ bị đọa vào Vô Gián địa ngục.
Kinh Văn:
Sau khi ta nhập Niết Bàn, các ông nên lưu truyền lời dạy của Như Lai trong thời Mạt Pháp, để cho chúng sanh đều tỏ ngộ được ý chỉ này. Chớ để cho thiên ma có cơ hội quấy phá. Giữ gìn hộ trì cho chúng sanh tu tập đến thành tựu đạo quả Vô Thượng.
Giảng:
A Nan sau khi ta nhập Niết Bàn, các ông nên lưu truyền lời dạy của Như Lai trong thời Mạt Pháp. Hãy truyền đạt những lời Như Lai đã dạy. Để cho chúng sanh đều tỏ ngộ được ý chỉ này. Khiến cho chúng sanh nghe được đạo lý, hiểu và giác ngộ được.
Chớ để cho thiên ma có cơ hội quấy phá. Đừng để cho loài ma có dịp thuận tiện phá rối người tu hành. Giữ gìn hộ trì cho chúng sanh tu tập đến khi thành tựu đạo quả Vô Thượng.
(còn tiếp)