Tổ Thứ Mười: HIẾP TÔN GIẢ |
Tôn giả, trung Ấn Độ nhân. Nhân tùy phụ yết Cửu Tổ, phụ viết: “Thử tử xử thai lục thập tuế, nhân danh Nan Sanh. Thường hữu tiên vị, thử nhi phi phàm, đương vi pháp khí. Kim ngộ Tôn giả, khả linh xuất gia.” Tổ tức vị lạc phát thọ cụ. Yết-ma chi tế, tường quang chúc tọa, nhưng cảm xá-lợi tam thất lạp hiện tiền. Tự thử tinh tiến vong bì, hiếp bất chí tịch, nhân toại hiệu vi Hiếp tôn giả. Hậu Tổ phó dĩ Đại Pháp, tôn giả đắc pháp dĩ, hành hóa chí Hoa Thị quốc, chuyển phó pháp ư Phú-na-dạ-xa. Tức hiện thần biến, nhi nhập Niết-bàn, hóa hỏa tự phần. Tứ chúng các dĩ y kích thịnh xá-lợi, tùy xứ kiến tháp.
Dịch :
Tôn giả người Trung Ấn, nhân lúc theo cha đến yết kiến Tổ thứ chín (Phục-đà-mật-đa), cha tôn giả thưa:
- Thưa Ngài! Đứa trẻ này ở trong thai sáu mươi năm, do đó con đặt tên là Nan Sanh và từng có vị tiên bảo: ‘Đứa trẻ này khác thường, sẽ là bậc pháp khí, nay được gặp Tổ, xin Ngài cho nó xuất gia’.
Tổ liền cho tôn giả xuống tóc xuất gia. Trong lúc yết-ma thọ giới Cụ túc, có ánh sáng lạ chiếu khắp tòa và cảm ứng hiện ra hai mươi mốt viên xá-lợi. Từ đó, tôn giả tinh tấn tu hành không biết mệt mỏi, hông chẳng hề dính chiếu nên người đời gọi tôn giả là Hiếp tôn giả. Sau đó, tôn giả được Tổ truyền trao Đại Pháp. Đắc pháp rồi, tôn giả du hóa đến nước Hoa Thị và truyền pháp cho Phú-na-dạ-xa. Truyền pháp xong, tôn giả liền hiện thần biến, hóa lửa tự thiêu rồi nhập Niết-bàn. Bốn chúng dùng y bọc xá-lợi và khắp nơi đều xây tháp cúng dường.
Tán viết :
Hiếp bất chí tịch
Ư đạo hà thiết
Mãn tọa tường quang
Xung phá thiết bích
Địa diêu lục chấn
My hoành tỵ trực
Thiên cổ vạn cổ
Vi nhân thiên tắc[1]
Dịch :
Hông không dính chiếu
Hành đạo tiến tu
Khắp tòa điềm sáng
Vách sắt phá tung
Sáu cách đất rung
Mày ngang mũi thẳng
Làm gương trời người
Mãi từ nghìn xưa.
Hoặc thuyết kệ viết :
Hiếp bất trước tịch hành lực kiên
Dĩ thân tác tắc thị thùy tiên
Tùng bách nại hàn nhân ngưỡng mộ
Nhật nguyệt phổ chiếu các khai nhan
Cao phong lượng tiết vô luân tỷ
Đại chí vĩ nguyện hữu thùy toàn
Cổ kim trung ngoại giai mông nhuận
Tường quang thụy ải chúng sở chiêm[2]
(Tuyên Công Thượng Nhân tác)
Dịch :
Lưng không dính chiếu nhẫn khó hành
Mẫu mực làm nền dạy hậu sanh
Tùng bách chịu rét người ngưỡng mộ
Nhật nguyệt tỏa sáng dáng thêm xinh
Khí tiết thanh nhã không người sánh
Chí cao nguyện lớn hiếm kẻ bằng
Xưa nay khắp chốn đều nương đức
Tướng tốt mây lành chúng kính tin
(Tuyên Công Thượng Nhân)
Giảng:
Tôn giả, trung Ấn Độ nhân: Tổ thứ mười, Hiếp tôn giả là người miền Trung Ấn Độ. Tại sao gọi Ngài là Hiếp tôn giả? Vì tôn giả tọa thiền là không nằm xuống chiếu. Ngài không giống như ai, ngồi đó rồi lại nằm dài xuống. Chỗ nào Ngài ngồi thì lưng không hề dính chiếu chỗ đó, nên người ta thường gọi Ngài là “Hiếp Tôn giả” (hiếp nghĩa là sườn lưng).
Nhân tùy phụ yết Cửu Tổ, phụ viết: Tôn giả theo cha mình đến yết kiến Tổ thứ chín, cha Tôn giả thưa: “Thưa Ngài!Thử tử xử thai lục thập tuế, nhân danh Nan Sanh: Tôn giả ở trong thai sáu mươi năm. Quý vị nghĩ coi! Ngài sanh ra không dễ dàng. Sáu mươi năm mới ra khỏi thai! Vậy chẳng phải là khó sanh (nan sanh) hay sao? Giống như Lão tử người Trung Hoa, ở trong thai mẹ đến tám mươi năm, vì vậy gọi là Lão tử. Vị này còn ở lâu hơn tới hai mươi năm. Thường hữu tiên vị, thử nhi phi phàm, đương vi pháp khí. Kim ngộ Tôn giả, khả linh xuất gia.”: Từng có vị tiên nói: “Đây không phải là một đứa bé bình thường, loại trẻ nít hay đái dầm, mà ngược lại sau này sẽ là bậc pháp khí trong Phật giáo. Nay gặp được Ngài-Tổ thứ chín, con xin Ngài cho nó được xuất gia”.
Tổ tức vị lạc phát thọ cụ: Tổ thứ chín liền cho tôn giả xuống tóc và thụ giới cụ túc. Yết-ma chi tế, tường quang chúc tọa, nhưng cảm xá-lợi tam thất lạp hiện tiền: Trong lúc đang nói ba lần yết-ma truyền giới cụ túc cho Tôn giả thì có ánh sáng lành chiếu rực trên tòa và cảm ứng hiện ra hai mươi mốt viên xá-lợi.
Tự thử tinh tiến vong bì, hiếp bất chí tịch, nhân toại hiệu vi Hiếp tôn giả: Vì thế, sau khi thọ giới, Tôn giả tinh tấn không hề mệt mỏi. Chúng ta tu hành thì cảm thấy mệt mỏi còn Ngài không hề biết mệt mỏi là gì, lưng Ngài không hề chạm đến giường. Vì vậy, mọi người gọi Ngài là “Hiếp tôn giả”.
Hậu Tổ phó dĩ Đại Pháp: Sau đó, Tổ thứ chín truyền pháp môn tâm ấn cho Ngài (chú 1). Tôn giả đắc pháp dĩ, hànhhóa chí Hoa Thị quốc, chuyển phó pháp ư Phú-na-dạ-xa: Tổ thứ mười được thọ ấn chứng. Sau khi được truyền pháp, Ngài đến nước Hoa Thị. Nước Hoa Thị (Palatiputra) là tên một nước của Ấn Độ. Tổ thứ mười truyền pháp cho tôn giả Phú-na-dạ-xa (Punyayashas).
Tức hiện thần biến, nhi nhập niết-bàn, hóa hỏa tự phần: Tôn giả liền hiện mười tám thứ thần biến mà nhập Niết-bàn; lại hóa ra lửa tam-muội, tự thiêu thân mình. Tứ chúng các dĩ y kích (裓) thịnh xá-lợi, tùy xứ kiến tháp: Bốn chúng ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni dùng vạt áo đựng xá-lợi của tôn giả và xây tháp cúng dường khắp nơi.
Bài tán:
Hiếp bất chí tịch, Ư đạo hà thiết: Hông Ngài không dính chiếu, đó là sự tu hành rất khẩn thiết, không còn gì khẩn thiết hơn thế!
Mãn tọa tường quang, Xung phá thiết bích: Ánh sáng lành xuất hiện khắp tòa, như phá tung các tường sắt.
Địa diêu lục chấn, My hoành tỵ trực: Đất ở đây đều chấn động. Có tất cả sáu cách chấn động. Lông mày của Ngài thì nằm ngang, mũi thì thẳng. Quý vị xem! Ngài thì như vậy đó! Mày ngang, mũi dọc, còn quý vị thì lông mày ngang hay dọc? Mũi thì ngang hay dọc?[3] Về vụ này tôi xin để quý vị tự xét lấy mình!
Thiên cổ vạn cổ, Vi nhân thiên tắc: Nghìn xưa đến nay, Ngài đều làm mẫu mực cho người và trời.
Bài kệ:
Hiếp bất trước tịch hành lực kiên: Tại sao lưng Ngài không dính chiếu? Vì sức tinh tấn tu hành của Ngài rất kiên cố.
Dĩ thân tác tắc thị thùy tiên: Ngài dùng thân mình làm phép tắc, là một tấm gương sáng cho mọi người.
Tùng bách nại hàn nhân ngưỡng mộ: Bất luận lạnh như thế nào thì cây tùng và cây bách đều không ngại, nên con người rất ngưỡng mộ sự cứng rắn của chúng, và cảm thấy tùng bách, rất cao thượng.
Nhật nguyệt phổ chiếu các khai nhan: Ánh sáng mặt trời, mặt trăng chiếu khắp nơi, mọi người thấy đều ưa thích.
Cao phong lượng tiết vô luân tỷ: Ngài tu hành như vậy, đạo phong thanh cao, tiết tháo hoàn mỹ như vậy thì không có người nào sánh kịp.
Đại chí vĩ nguyện hữu thùy toàn: Chí khí cao, nguyện lực lớn như vậy, cái nào cũng trọn vẹn, cái nào cũng không thiếu sót.
Cổ kim trung ngoại giai mông nhuận: Xưa nay, người trong nước và ngoài nước đều thấm nhuần sự giáo hóa và ân đức của Ngài.
Tường quang thụy ải chúng sở chiêm: Đạo phong của Ngài giống như ánh sáng và khí mây tốt lành, khiến mọi người đều chiêm ngưỡng.
(Tuyên Công Thượng Nhân giảng ngày 10, tháng 3, năm 1978).
-------------------------------------
Chú 1: Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ chín phó chúc cho Tổ thứ mười, thấy trong “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục” và “Chỉ Nguyệt Lục” ghi:
Chân Lý bổn vô danh
Nhân danh hiển chân lý
Thọ đắc chân thật pháp
Phi chân diệc phi ngụy[4]
Dịch:
Chân lý vốn không tên
Nhờ tên rõ chân lý
Hiểu được pháp chân thật
Không ngụy cũng không chân.
[1]脅不至蓆 於道何切 滿座祥光 衝破鐵壁
地搖六震 眉橫鼻直 千古萬古 為人天則
[2]脅不著蓆行力堅 以身作則示垂先
松柏耐寒人仰慕 日月普照各開顏
高風亮節無倫比 大志偉願有誰全
古今中外皆蒙潤 祥光瑞靄眾所瞻
[3] Hám Sơn Đại sư nói: khai ngộ rồi thì sẽ biết lỗ mũi (nostril) của mình trỏ lên hay trỏ xuống.
[4]真理本無名
因名顯真理
受得真實法
非真亦非偽