TỔ THỨ 22: TÔN GIẢ MA-NOA-LA |
Tôn giả, Na-Đề quốc Thường Tự Tại Vương chi tử giả. Niên tam thập, hội Bà-Tu Tổ chí bỉ quốc. Vương vấn Tổ viết: “La Duyệt thành độ dữ thử hà dị?” Tổ viết: “Bỉ độ tằng hữu tam Phật xuất thế, kim vương quốc hữu nhị sư hóa đạo.” Vương viết: “Nhị sư giả thùy?” Tổ viết: “Phật ký đệ nhị ngũ bách niên, hữu nhị thần lực đại sĩ, xuất gia kế thánh, tức vương chi thứ tử Ma-Noa-La, kỳ nhất dã; ngô tuy đức bạc cảm đương kỳ nhất.” Vương viết: “Thành ư tôn giả sở ngôn, đương xả thử tử tác sa môn.” Tổ viết: “Thiện tai đại vương, năng tuân Phật chỉ.” Tứ dữ thế lạc thọ cụ, phó ư đại pháp. Tôn giả đắc pháp hậu, phó Hạc-Lặc-Na, tức già phu yêm hóa.
Tôn giả là con vua Thường Tự Tại nước Na-đề. Năm Tôn giả 30 tuổi, gặp lúc tổ Bà-Tu đến nước này, vua cha hỏi :
- Thưa Ngài! Thành La-duyệt có gì khác nơi này không ?
Tổ đáp:
- Nơi ấy có ba vị Phật xuất thế, nay đất nước của đại vương có hai bậc đạo sư hoằng dương Phật đạo :
Vua hỏi :
- Thưa Ngài! Hai đạo sư ấy là ai ?
Tổ đáp :
- Đức Phật có thọ ký: “Vào khoảng thời gian 500 năm lần thứ hai có hai Đại sĩ thần lực xuất gia kế thừa dòng Thánh”. Nay Ma-noa-la con thứ của Đại vương chính là một người. Tôi tuy phúc đức cạn mỏng nhưng cũng dám nhận lãnh trách nhiệm làm người thứ hai.
Vua nói :
- Nếu đúng như lời Ngài nói thì trẫm sẽ cho đứa con này xuất gia làm sa-môn.
Tổ khen :
Lành thay ! Đại vương đã tuân theo yếu chỉ của Đức Phật rồi!
Thế rồi Tổ xuống tóc, trao giới cụ túc, truyền Đại pháp cho Tôn giả. Sau khi đắc pháp, Tôn giả phó chúc cho Hạc-lặc-na rồi ngồi kiết-già thị tịch.
Tán viết:
Vương cung đản sanh
Bất cư tôn quý
Văn sư chỉ thị
Đốn minh túc tuệ
Bào ảnh phi chân
Thi đại vô úy
Thể lộ đường đường
Thiên hoa vạn hủy[1]
Bài tán:
Sanh chốn vương cung
Sống đời thanh đạm
Nghe Thầy khai thị
Túc huệ rõ ngay
Bọt nước giả tạm
Ban tâm vô uý
Tướng mạo uy nghi
Ngàn hoa vạn cỏ.
Hựu thuyết kệ viết;
Thừa đại nguyện thuyền độ ngũ trược
Bất úy gian khổ nhập sa bà
Thác tích vương cung thường tự tại
Ngụ cư khách xá Tổ ấn thuyết
Phất tích thọ ký Ma-Noa thị
Ngã kim lai phỏng đại đầu đà
Thành tai ngôn dã ngô đương xả
Quảng khai pháp đản thuyết vô già[2]
Kệ rằng:
Cưỡi thuyền đại nguyện vượt ái hà
Gian nguy chẳng sợ nhập Ta-bà
Dừng gót cung vua Thường Tự Tại
Ngụ cư khách xá Tổ nói ra
Phật xưa thọ ký Ma-noa ấy
Nay ta đến đón Đại Đầu-đà
Y lời dạy, đứa con xin hiến
Mừng xuất gia mở hội vô-già.
Giảng:
Tôn giả, Na-đề quốc Thường Tự Tại vương chi tử dã: Tôn giả Ma-noa-la (Manorhita) là Tổ thứ 22 tính từ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Tôn giả là người nước Na-đề, con của vua Thường Tự Tại. Vua Thường Tự Tại là người có trí huệ, thông tình đạt lý và rất kính tin Phật giáo. Vì thế, khi Tôn giả chào đời, vua cảm thấy đứa con này rất khác thường.
Niên tam thập, hội Bà-tu Tổ chí bỉ quốc: Khi Tôn giả 30 tuổi thì được gặp Tổ Bà-tu-bàn-đầu (Vasubandhu). Khi đó, Tổ đến nước này cảm thấy có duyên với vị vua ở đây, nên Tổ đến gặp nhà vua.
Vương vấn Tổ viết: La- duyệt thành thổ dữ thử hà dị? Vua hỏi Tổ Bà-tu-bàn-đầu: “Thưa Ngài! Ngài từ thành La-duyệt đến đây, thành La-duyệt có gì khác đất nước chúng tôi không?”
Tổ viết: Bỉ độ tằng hữu tam Phật xuất thế. Tổ Bà-tu-bàn-đầu nói: “Thưa Đại vương! Thành La-duyệt từng có ba vị Phật xuất thế”. Ba vị Phật này, nói chung là Phật quá khứ, Phật hiện tại, và Phật vị lai. Không chỉ thành La-duyệt có ba vị Phật xuất thế, mà tất cả các nước đều có Phật xuất thế. Kim vương quốc hữu nhị sư hóa đạo: Hiện tại nước của Đại vương có hai Đạo sư giáo hóa đất nước của Ngài. Hai vị đạo sư này, Đức Phật sớm đã thọ ký.
Vương viết: Nhị sư giả thùy? Vua hỏi: “Thưa Ngài! Hai vị Đạo sư ấy là ai?
Tổ viết: Phật ký đệ nhị ngũ bách niên, hữu nhị thần lực đại sĩ, xuất gia kế thánh. Tức vương chi thứ tử Ma-noa-la, thị kỳ nhất dã: Tổ Bà-tu-bàn-đầu nói: “Đức Phật thọ ký: Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn 500 năm, hai vị Đại sĩ đại hạnh có thần thông và đại lực xuất gia, kế thừa pháp tâm ấn của Phật, làm Tổ thứ 21 và Tổ thứ 22. Thái tử Ma-noa-la của quốc vương là một người trong hai vị Tổ này.” Ngã tuy đức bạc, cảm đương kỳ nhất: Tổ thứ 21- Bà-tu-bàn-đầu khiêm tốn nói: “Tôi tuy không có đạo đức gì, nhưng do Đức Phật thọ ký, nên cũng có thể coi là người thứ hai”.
Vương viết: Vua nói: “Thành như tôn giả sở ngôn, đương xả thử tử tác sa-môn: Thưa Ngài! Con biết Ngài không bao giờ vọng ngữ, những lời Ngài nói rất thành thật. Bây giờ xin Ngài cho đứa con này làm đệ tử của Ngài, để trở thành một vị sa-môn siêng tu giới, định, tuệ; diệt tận tham, sân, si”.
Tổ viết: Thiện tai đại vương, năng tuân Phật chỉ. Tổ Bà-tu-bàn-đầu nói: “Thưa Đại vương! Ngài thật là người thông minh, hiểu rõ đạo lý, và rất kính tin Phật giáo! Rất tốt! Ngài đã tuân thủ lời thọ ký trước đây của Phật”.
Tức dữ thế lạc thọ ký, phó dĩ đại pháp: Thế là Tổ cho tôn giả Ma-na-loa xuất gia, thọ giới cụ túc, và truyền pháp môn dùng tâm ấn tâm, giáo ngoại biệt truyền (chú 1). Tôn giả đắc pháp hậu, phó Hạc-nặc-la, tức già phu yêm hóa : “Tôn giả” tức nói Tổ Ma-noa-la, sau khi đắc pháp, Ngài truyền pháp cho Hạc-lặc-na (Padnaratna), rồi ngồi kiết-già, không bệnh mà viên tịch - không chút bệnh gì mà viên tịch, vãng sinh.
Tán viết
Vương cung đản sinh, bất cư tôn quý: Ngài sống trong cung vua, nhưng không hề tham đắm vinh quang và phú quý.
Văn sư chỉ thị, đốn minh túc huệ: Nghe Tổ Bà-tu-bàn-đầu đến khai thị cho Ngài, lập tức Ngài hiểu rõ căn tánh đời trước.
Bào ảnh phi chơn, thí đại vô úy: Tất cả pháp hữu vi đều “Như mộng huyễn, bọt nước, như sương, như chớp”, đó là hư giả. Vì vậy, nên chư Tổ ban đại vô úy cho chúng sinh.
Thể lộ đường đường, thiên hoa vạn hủy: Hiển bày tướng của Phật, đại trượng phu uy nghiêm. Ngài là vị Tổ được truyền tâm ấn của Phật, về sau đồ chúng được Ngài giáo hóa như hoa cỏ, nhiều vô lượng vô biên.
Hựu thuyết kệ viết:
(Lại nói kệ rằng)
Tại sao nói “hựu”(lại)? Chữ ‘hựu’ hàm ý nghĩa có sự dư thừa, một sự không cần thiết, không bắt buộc phải có. Đó cũng là nghĩa “trên đầu lại đặt thêm đầu”, bỗng dưng kiếm việc ra để làm. Ăn no rồi không có việc làm, mà để cho vọng niệm lăng xăng thì chẳng hay gì, nên mới nhân việc giảng truyện của các chư Tổ mà góp thêm vài câu. Kỳ thực cũng là ‘vẽ rắn thêm chân’. Vốn là vẽ rắn, lại vẽ thêm vài chân, thành ra rắn không phải rắn, rồng không phải rồng, càng chẳng ra hình dáng gì hết! Người ta bảo ‘bầy cái xấu xa không bằng giấu điều kém cỏi’ nhưng tôi lại cho rằng ‘giấu điều kém cỏi không bằng bầy cái xấu xa’, nên ở đây tôi nói mấy câu, cũng chẳng quan trọng gì, chỉ là nhằm vào số người mới học Hoa văn hay những ai đương tập làm câu đối, giúp họ cái khuôn mẫu đặng họ rút ra các quy tắc.
Tôi đọc bài kệ này lên có chỗ nào không đúng, xin quý vị nói cho tôi hay, bởi vì thật ra, chẳng có gì là đúng hay không đúng, tùy lúc, mọi thứ đều có thể sửa được cả. Ý tôi là đọc như thế này thì tôi đọc như thế đó; quý vị muốn nghe như thế nào thì cứ nghe như vậy, muốn thấy ra sao thì cứ thấy như vậy. Miệng nói là tôi, mắt thấy là quý vị, còn tai nghe thì có quý vị và có cả của tôi. Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì tôi ở đây không thể thấy bài kệ trên bảng đen, còn quý vị ở đó thì trông thấy; quý vị không nói, tôi thì nói. Do đó, có khi tôi đọc sai, hoặc là quý vị thấy sai, hoặc cả hai bên nghe sai, tóm lại có một sự sai. Giả sử mọi người đều lầm lẫn, nhưng có một người không lầm, vậy là đủ rồi đó! Có người chú tâm, cảm thấy có điểm hữu lý, có ý nghĩa, được như vậy tôi cho là đủ!
Thừa đại nguyện thuyền độ ngũ trược: Tổ Ma-noa-la không phải là người thường, mà Ngài là người rất đặc biệt. Vì sao? Vì Ngài sinh vào dòng vua chúa! Không đặc biệt làm sao được sinh vào cung vua chứ? Như tôi một đời sinh vào nhà bình thường. Cho nên vị Tôn giả này không phải là người thường, mà là người nương nguyện lực thọ sinh. Ngài nương đại nguyện trở lại làm chúng sinh trong đời ác ngũ trược. Ngũ trược: Kiếp trược, kiến trược, mạng trược, chúng sinh trược, phiền não trược.
Bất úy gian khổ nhập Ta-bà: Ngài không ngại gian nan khổ nhọc, đến thế giới Ta-bà để giáo hóa chúng sinh.
Thác tích vương cung Thường Tự Tại: Vương cung là hoàng cung. Ngài sinh vào hoàng cung, làm con của quốc vương. Phụ hoàng của Ngài là vua Thường Tự Tại. Vì vậy cha tự tại thì con cũng tự tại, đó gọi là “Thường tự tại”. Như một người nào đó hay khóc thì con của người ấy cũng hay khóc, nên người cha thế nào nhất định sẽ sinh con thế ấy.
Ký ngụ khách xá Tổ ấn thuyết: Quý vị không nên nghĩ rằng cái thế giới này là nơi chúng ta đương ở, mà nên nói rằng đây là một cái nhà. Lý Thái Bạch có câu:
Phù ! Thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ
Quang âm giả, bách đại chi quá khách
(Ôi, trời đất là quán trọ của vạn vật
Ngày đêm là khách qua đường của trăm đời)
Câu trên có nghĩa là khoảng trời đất này chính là một quán trọ của chúng ta, còn ngày tháng, hay quang âm là khách qua đường của trăm đời. Quý vị xem! Đây là câu đối. Vế trên ‘thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ’ và vế dưới ‘quang âm giả, bách đại chi quá khách’, hai vế đối với nhau. ‘Vạn vật’ thì đối với ‘bách đại’, ‘nghịch lữ’ thì đối với ‘quá khách’. Vậy là trời đất này là nơi lữ khách qua lại. Thế giới mà chúng ta thường trú đây chỉ là một quán trọ, chẳng phải thật sự là gia đình của ta, nên chúng ta không phải là chủ của nó.
Phật tích thọ ký Ma-noa thị: Xưa Đức Phật đã thọ ký, sau khi Phật diệt độ 500 năm có hai vị Đại sĩ thần lực xuất hiện ở đời, xuất gia kế thừa dòng Thánh, nối tiếp pháp môn tâm ấn của chư Tổ, đó là xưa Phật thọ ký. “Ma-noa thị”, hiện tại Ma-na-loa con thứ hai của đại vương, chính là một người trong đó.
Ngã kim lai phỏng đại đầu-đà: Tôi cũng là một người trong đó, vì vậy tôi đến đây tìm người thứ hai! Đó là một đại đầu đà, một tôn giả có tinh thần đại tinh tấn.
Thành tai ngôn dã ngô đương xả: Vừa nghe Tổ nói như vậy, vua liền nói: “Ngài nói rất đúng! Bây giờ trẫm sẽ giao con trẫm cho Ngài!” “Ngã đương xả” là tôi phải xả bỏ tình cảm cha con, giao con tôi cho Ngài!
Quảng khai pháp diên thiết vô-già: Lúc ấy, vua Thường Tự Tại nói: “Nhân dịp con tôi xuất gia, tôi sẽ mở đại hội vô già, mời tất cả mọi người trong nước tôi đến dự tiệc để ăn mừng”. Đại hội vô-già này dành cho hết thảy mọi người, có tiền hay không có tiền, tất cả đều được tự do tham dự, không có sự phân biệt về quan hệ nhân tình. Vô-già là nghĩa đó.
Cũng có thể giảng là sau khi nối pháp Tổ Bà-tu-bàn-đầu, tôn giả Ma-noa-la đã làm cho Phật giáo hưng thịnh một cách tưng bừng, quang cảnh tượng như mở một pháp hội vô-già.
Vì vậy, câu này có hai ý trên, không biết tôi nói đúng hay không? Nếu quý vị thấy đúng thì nên ghi nhớ; nếu thấy sai thì hãy quên đi, không hề gì!
Tuyên Công Thượng Nhân giảng vào ngày 5, tháng 9, năm 1981
Chú 1: Kệ truyền pháp của Tổ 21 truyền cho Tổ 22, thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục ghi:
Bào huyễn đồng vô ngại
Như hà bất liễu ngộ
Đạt pháp tại kỳ trung
Phi kim diệc phi cổ[3]
Dịch:
Bọt huyễn đồng vô ngại
Tai sao không thông suốt
Đắc pháp ngay trong ấy
Không nay cũng chẳng xưa.
[1]王宮誕生 不居尊貴 聞師指示 頓明宿慧
泡影非真 施大無畏 體露堂堂 千花萬卉
[2]乘大願船度五濁 不畏艱苦入娑婆
託跡王宮常自在 寄寓客舍祖印說
佛昔授記摩拏是 我今來訪大頭陀
誠哉言也吾當捨 廣開法筵設無遮
[3]泡幻同無礙 如何不了悟
達法在其中 非今亦非古