TỔ THỨ 23: TÔN-GIẢ HẠC-LẶC-NA
|
Tôn giả, Nhục Chi quốc nhân. Niên nhị thập nhị xuất gia, thường hữu hạc chúng tương tùy. Tôn giả vấn nhị thập nhị tổ viết: “Dĩ hà phương tiện, linh bỉ giải thoát?” Tổ viết: “Ngã hữu vô thượng pháp bảo, nhữ đương thính thụ, hóa vị lai tế.” Nhi thuyết kệ viết:
Tâm tùy vạn cảnh chuyển
Chuyển xứ thực năng u
Tùy lưu nhận đắc tính
Vô hỷ diệc vô ưu[1]
Thời hạc chúng văn kệ, phi minh nhi khứ. Tôn giả ký đắc pháp, hành hóa chí trung Ấn độ, chuyển phó Sư Tử, tức hiện thập bát biến nhi quy tịch.
Dịch:
Tôn giả người Nhục-chi, năm 22 tuổi xuất gia, thường có đàn hạc bay theo Ngài.
Tôn giả hỏi Tổ thứ 22 :
- Thưa Ngài! Làm thế nào để đàn hạc kia giải thoát ?
Tổ đáp :
- Ta có pháp bảo vô thượng, ông nên nghe kỹ để hoá độ đời sau.
Tổ đọc kệ :
Tâm chuyển theo muôn cảnh
Nơi chuyển thực u huyền
Theo dòng nhận được tánh
Chẳng mừng cũng chẳng lo[2].
Đàn hạc nghe kệ, liền bay lên kêu một tiếng rồi khuất mất. Sau khi đắc pháp, Tôn giả du hóa đến Trung Ấn Độ, phó pháp cho Tôn giả Sư Tử, rồi hiện mười tám phép thần biến mà viên tịch.
Tán viết:
Pháp thuyết long cung
Đạo phục vũ tộc
Chỉ quy kỳ nguyên
Đỉnh môn á mục
Đắc Sư Tử nhi
Xướng hoàn hương khúc
Nhục Chi quốc trung
Tín hương huân phức[3]
Bài tán:
Nói pháp Long cung
Đạo phục loài chim
Chỉ về nguồn cội
Đỉnh đầu mắt sáng
Truyền pháp Sư Tử
Hát khúc hoàn hương
Khắp nước Nhục Chi
Hương tín xông khắp.
Hoặc thuyết kệ viết:
Thiên địa tạo vật phả hy kỳ
Hạc tùy Tôn giả cảnh ngu mê
Tâm vi cảnh chuyển phi tự tại
Tính bị vân già chướng Bồ-đề
Khổ hải vô biên hồi đầu ngạn
Liên bang hữu lộ cử túc cập
Tự cổ thành công toàn bằng nhẫn
Dũng mãnh tinh tấn mạc hồ nghi[4]
(Tuyên công Thượng nhân tác)
Kệ rằng:
Trời đất tạo vật lạ muôn bề
Hạc theo Tôn giả tỉnh u mê
Cảnh chuyển tâm xoay ngăn tự tại
Mây che tự tánh chướng Bồ-đề
Mênh mông biển khổ quay đầu bến
Cõi Phật thênh thang cất bước về
Vạn thuở thành công đều nhờ nhẫn
Tinh chuyên dũng mãnh Niết-bàn kề.
(Thượng nhân Tuyên Hóa)
Giảng:
Hôm nay tôi giảng về Tổ thứ 23. Tính từ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đến đây thì Tôn giả Hạc-lặc-na (Haklena) là Tổ thứ 23. Chúng ta nghe kể lại cuộc đời của một vị hay nhiều vị Tổ, nghe xong rồi cho nó qua luôn chăng? Chúng ta không nên như vậy. Mỗi khi nghe đến hành vi hay tướng trạng của một vị Tổ nào, chúng ta nên tự hỏi mình xem có nên bắt chước vị đó chăng? Có thật sự muốn thành một đệ tử tốt của Người hay chăng? Phải hỏi như vậy đó! Cũng giống như nói về đạo làm con của chúng ta, mỗi ngày ta phải tự xét chúng ta có phải là một người con tốt đối với cha mẹ hay không? Một người con hiếu thuận hay lại là một đứa bất hiếu, bất mục ? Nay, là đệ tử nhà Phật, chúng ta phải “kiến hiền tư tề . . .” , thấy bậc hiền thì nghĩ làm sao mình phải được như vậy, thấy người xấu thì phải xem lại chính mình.
Tôn giả, Nhục Chi quốc nhân: Tôn giả Hạc-lặc-na là người nước Nhục Chi, Ấn Độ. Niên nhị thập nhị tuế xuất gia, thường hữu hạc chúng tương tùy: Năm 22 tuổi, Tôn giả xuất gia, thường có đàn tiên hạc bay theo mình. Bất luận Tôn giả đến nơi nào thì đàn hạc đều bay theo đến nơi ấy, chúng ríu rít như chuyện trò với Ngài. Quý vị thấy kỳ lạ không? Sau núi chúng ta cũng có tiên hạc, nhưng những con tiên hạc của chúng ta, ái chà! Chúng không bay theo người nào cả. Nhưng vì Tôn giả Hạc-la-na không đến đây, nếu đến nhất định nó sẽ bay theo Ngài (chú 1).
Tôn giả vấn nhị thập nhị Tổ viết: Dĩ hà phương tiện, linh bỉ giải thoát? Vì đàn hạc này có duyên với Tôn giả, nên Tôn giả hỏi Tổ thứ 22: “Thưa ngài! Con nên dùng pháp môn phương tiện gì, có thể khiến đàn hạc được làm thân người, đạt đến giải thoát?” Đạt đến giải thoát là lìa khổ được vui. Giải thoát, vốn không người nào trói buộc quý vị, nhưng vì sao quý vị không giải thoát? Vì quý vị chấp trước. Vì quý vị chấp trước, nên chính mình làm cho mình rối rắm, như tằm làm kén, tự quấn lấy mình. Xưa nay, quý vị không giải thoát, không giải thoát vì quý vị chấp trước và trói buộc chính mình.
Tổ viết: ngã hữu vô thượng pháp bảo, nhữ đương thính thọ, hóa vị lai tế. Tổ thứ 22 nói với Tôn giả Hạc-lặc-na: “Ta có pháp bảo vô thượng, không còn pháp nào cao hơn, cũng không còn pháp nào hay hơn. Ông nên lắng nghe và tiếp nhận để sau này giáo hóa hết thảy chúng sinh trong đời vị lai, dù dùng hoài cũng không hết”.
Nhi thuyết kệ viết: Thế là, Tổ thứ 22 nói một bài kệ, bài kệ này nói gì?
Tâm tùy vạn cảnh chuyển
Chuyển xứ thực năng u
Tùy lưu nhận đắc tính
Vô hỷ diệc vô ưu
Dịch:
Tâm theo muôn cảnh chuyển
Nơi chuyển thật u huyền
Theo dòng nhận được tánh
Không mừng cũng không lo
Tâm tùy vạn cảnh chuyển: Nếu tâm quý vị thay đổi theo vạn cảnh thì nhiều cảnh giới xuất hiện. Nếu tâm quý vị không thay đổi theo cảnh, lại dùng tâm chuyển cảnh, thì cảnh không thể chuyển tâm, mà tâm sẽ chuyển cảnh, đó chính là tự tánh như như! Như như bất động, rõ ràng sáng suốt.
Nếu tâm quý vị chuyển đổi theo vạn cảnh, chuyển xứ thật năng u: Nhưng ngay trong sự thay đổi, quý vị phải có khả năng đạt đến chỗ vi diệu. Chữ “U” chính là cảnh giới không thể nghĩ bàn, là chỗ vi diệu; chính là ý nghĩa “thấy việc mà biết xét việc là xuất thế gian, thấy việc mà mê theo thì đọa trầm luân” (kiến sự tỉnh sự xuất thế gian, kiến sự mê sự đọa trầm luân), hay “mắt thấy hình sắc lòng vẫn như không, tai nghe việc đời tâm không hay biết” (nhãn quán hình sắc nội vô hữu, nhĩ thính trần sự tâm bất tri). Quý vị mà có “một niệm vọng động thì trăm việc khởi lên, khi niệm dừng thì mọi việc đều không” (niệm động bách sự khởi, niệm chỉ vạn sự vô), “tâm dừng niệm tuyệt tức là phú quý, dục vọng đọan dứt đúng là phước điền” (tâm chỉ niệm tuyệt thị chân phú quý, tư dục đoạn tận thị chân phước điền). Vì vậy, chủ yếu là tâm quý vị không xoay chuyển theo vạn cảnh. Vạn sự xung quanh ta đều là thuyết pháp cả, trong thế gian này chẳng có cái gì mà không thuyết pháp. Có điều chúng ta có biết nghe pháp đó hay không, có hiểu pháp đó hay không mà thôi. Quý vị hiểu ư? Thế là tâm quý vị chuyển được cảnh, còn không hiểu thì cảnh sẽ xoay chuyển quý vị.
Như quý vị ham danh cầu lợi chẳng hạn, cảnh lợi danh ắt sẽ làm quý vị dao động. Như câu nói: “Danh lợi việc nhỏ ai cũng thích, sinh tử việc lớn mấy ai phòng; tâm tịnh là phước, người không muốn, phiền não là tội ai cũng tham”. Quý vị xem! Bất kỳ một gia đình nào cũng xẩy ra cảnh “tám tấn tuồng” ( bát xuất hí); nào tranh cãi, phiền não, tính toán hơn thua, tất cả đều diễn ra ở đó! Nếu như, ngay trong lúc đó mà hiểu được lời nói pháp của cảnh huống như một pháp môn phương tiện, thì quý vị sẽ đối cảnh vô tâm, người chuyển cảnh mà cảnh không thể chuyển người, đó mới là trí tuệ, mới thực là định lực chân chánh. Vì vậy tôi nói: “Chuyển xứ thật năng u”, chuyển xứ, chính là đạt đến cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Nhưng làm cách nào mà đạt được? Tùy lưu nhận đắc tánh: Quý vị tùy thuận pháp thế gian, nhưng nhận rõ tự tánh là không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm; tự tánh là thanh tịnh, không ngăn ngại; nói như vậy không phải là chỉ nói ngoài miệng, mà thật sự phải thể nghiệm được và phải hiểu rõ sự vi diệu trong đó, mới có thể xác định được!
Nói “tùy lưu. . ”(theo dòng. . ) chẳng phải là bảo quý vị đua bơi theo dòng nước, chạy theo ngũ dục mà phải y theo phương châm “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, và bám thật chắc vào ba tông chỉ lớn của chúng ta. Ba tông chỉ lớn ấy là gì? Đó là “Chết rét không phan duyên, chết đói không hóa duyên, chết nghèo không cầu duyên”. Chúng ta phải “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, giữ gìn ba tông chỉ lớn của chúng ta, vì Phật sự quên thân mạng, vì bổn sự tạo vận mạng, vì Tăng sự lập chánh mạng; ngay sự hiểu lý, rõ lý là sự, thực hành rộng rãi mạng mạch truyền tâm của chư Tổ”. Có như vậy, mới là “tùy duyên biết được tánh”, quý vị mới biết rõ Phật tính vốn có của mình, mới là minh tâm kiến tánh.
Vô hỷ diệc vô ưu: Lúc ấy, không có gì vui mừng mà cũng chẳng có sự lo âu, luôn như như bất động, hiểu rõ và luôn sáng suốt (như như bất động, liễu liễu thường minh), bởi vậy mới nói “không vui cũng không lo”.
Thời hạc chúng văn kệ, phi minh nhi khứ: Bấy giờ, đàn hạc nghe kệ, tâm ý chúng bỗng khai mở, liền kêu lên một tiếng rồi bay đi.
Tôn giả ký đắc pháp, hành hóa chí Trung Ấn Độ, chuyển phó Sư Tử Tỳ-kheo: Sau khi được pháp tâm ấn, Tôn giả Hạc-lặc-na đến Trung Ấn Độ, truyền pháp tâm ấn cho Tỳ-kheo Sư Tử (Aryasimha). Thế rồi, tức hiện thập bát biến, nhi quy tịch: Tôn giả ở giữa hư không hiện 18 thần biến: Đứng, nằm, ngồi, trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, dưới thân ra nước, trên thân ra lửa…biến hiện 18 cảnh giới không thể suy lường. Sau đó, Ngài viên tịch.
Bài tán:
Pháp thuyết long cung, đạo phục vũ tộc: Tôn giả đến long cung thuyết pháp cho long vương. Ngài là người đức độ, giáo hóa cả loài cầm thú.
Chỉ quy kỳ nguyên, đỉnh môn á mục: Tổ thứ 22 nói kệ tụng, chỉ rõ cội nguồn. “Đỉnh môn á mục” là trên đầu có một con mắt khác.
Đắc Sư Tử nhi, xướng hoàn hương khúc: Tổ thứ 23 độ Tỳ-kheo Sư Tử, rồi hát ca khúc trở về quê hương.
Nhục Chi quốc trung, tín hương huân phức: Mọi người trong nước Nhục Chi đều kính tin Tổ, họ được hưởng một pháp vị thanh tịnh như hương lạ xông khắp nhà, nên họ mãi mãi không quên công đức của vị Tổ sư này.
Kệ rằng:
Thiên địa tạo vật phả hy kỳ: Câu thứ nhất nói, trời đất, con người, vạn vật đều không thể nghĩ bàn.
Hạc tùy Tôn giả cảnh ngu mê: Đàn hạc bay theo Tôn giả Hạc-lặc-na chính là để cảnh tỉnh những chúng sinh mê muội như chúng ta, kêu gọi chúng ta giác ngộ. Quý vị xem! Đàn hạc này dù bị đọa làm súc sinh, nhưng còn biết theo Tôn giả học pháp, còn chúng ta là con người lại không biết học tập Phật pháp.
Tâm vị cảnh chuyển phi tự tại: Nếu tâm quý vị chạy theo cảnh giới thì quý vị không được tự tại.
Tính bị vân già chướng Bồ-đề: Tại sao nói mây che? Chính là bị tình ái làm mê mờ, đó là bị mây che! Nếu bản tính quý vị bị mây che thì chướng ngại đạo Bồ-đề.
Khổ hải vô biên hồi đầu ngạn: Biển khổ không bờ bến, quý vị quay đầu chính là bờ vậy.
Liên bang[5] hữu lộ cử túc cập: Có con đường dẫn ta đến thế giới Cực Lạc. Chỉ cần quý vị chịu niệm Phật, chịu phát tâm tu hành, như đường dù xa có đi thì sẽ đến, không cần vội vàng.
Tự cổ thành công toàn bằng nhẫn: Từ xưa đến nay, quý vị xem, con người thành công đều do “tâm nhẫn nại”. Việc gì Tôn giả cũng thành tựu vì Ngài có tâm nhẫn nại.
Dũng mãnh tinh tấn mạc hồ nghi: Vì điều này, quý vị là tín đồ Phật giáo phải dũng mãnh tinh tấn, không nên suy nghĩ xằng bậy, nghĩ đông nghĩ tây, sinh nhiều hoài nghi.
Tuyên Công Thượng Nhân giảng vào ngày 6, tháng 9, năm 1981
Chú 1: Vì sao Tôn giả Hạc-lặc-na thường có đàn hạc bay theo? Truyền Pháp Chánh Tông Ký ghi như sau:
…Tôn giả Hạc-lặc-na lại hỏi Tổ thứ 22: “Xin ngài chỉ dạy cho vì nhân duyên gì mà con cảm hóa được bầy hạc để chúng thường theo như vậy?” Đại sĩ (Tổ thứ 22) đáp: “Xưa, vào kiếp thứ tư, ông từng làm Tỳ-kheo rất đạo hạnh và có đến 500 đệ tử. Mỗi lần Long cung thỉnh ông cúng dường, ông xét trong hàng đệ tử không ai đủ tư cách hưởng thọ sự cúng dường của Long cung nên ông không cho đệ tử đi theo. Số đệ tử lấy làm lạ mới thưa: ‘Thầy thường thuyết pháp nói rằng nếu đối với sự ăn uống mà bình đẳng thì đối với pháp cũng bình đẳng, vậy sao nay thầy lại đi thọ trai một mình?’ Sau đó, khi Long cung thỉnh, ông cho hết thảy đệ tử cùng đi, bấy giờ nhờ đức độ của ông nên không có sự quan ngại gì. Về sau ông viên tịch, rồi đến các đệ tử cũng dần dần ra đi. Vì lạm thực, nên họ chịu quả báo sinh đọa làm loài chim. Nhưng từ kiếp thứ năm đến nay chúng được chuyển làm thân hạc. Vì duyên thầy trò khi xưa, nên nay mới như vậy.
[1]心隨萬境轉,
轉處實能幽;
隨流認得性,
無喜亦無憂。
[2] "The mind follows states and turns.
The place of turning can truly be obscure.
If following the flow one can recognize, one obtains the nature.
One then has no delights, and also has no worries."
[3]法說龍宮 道服羽族 指歸其源 頂門亞目
得師子兒 唱還鄉曲 月氏國中 信香薰馥
[4]天地造物頗稀奇 鶴隨尊者警愚迷
心為境轉非自在 性被雲遮障菩提
苦海無邊回頭岸 蓮邦有路舉足及
自古成功全憑忍 勇猛精進莫狐疑
[5] Liên bang (蓮邦): liên là hoa sen, bang là nước, đây chỉ thế giới Cực Lạc.