Tổ thứ 25 : Tôn giả Bà-Xá-Tư-Đa (Basiasita) |
Tôn giả Kế Tân quốc nhân. Sơ, mẫu mộng đắc thần kiếm, nhân nhi hữu dựng. Ký đản, quyển kỳ tả thủ. Phụ dẫn kiến Sư Tử Tổ, vấn kỳ cố, Tổ tức dĩ thủ tiếp viết: “Khả hoàn ngã châu.” Tôn giả cự khai thủ phụng châu, toại xả xuất gia. Tổ vị thế độ viết: “Ngô sư mật hữu huyền ký, duy nạn. Chánh Pháp Nhãn Tạng, chuyển phó dữ nhữ.” Đắc pháp hậu tiềm ẩn sơn cốc, quốc vương Thiên Đức, nghinh thỉnh cúng dường. Hậu vương thái tử Đức Thắng tức vị, tín ngoại đạo pháp, trí nạn tôn giả, xuất y thị chi. Vương mệnh phần y, ngũ sắc tướng tiên, tân tận như cố, vương tức truy hối, trí lễ. Hậu phó pháp y ư Mật Đa, tức hiện thần biến, hóa hỏa tự phần. Bình địa xá-lợi, khả cao nhất xích.
Dịch:
Tôn giả là người nước Kế Tân. Lúc xưa, bà mẹ nằm mộng lượm được kiếm thần, nhân đó mang thai. Khi sanh ra, Ngài giữ bàn tay trái nắm chặt, không mở. Tới khi Ngài được cha dẫn tới yết kiến Tổ Sư-Tử, hỏi Tổ xem duyên cớ tại sao như vậy thì Tổ đưa tay ra bảo: “Hãy trả hạt châu cho ta! Tôn giả tức thời xòe bàn tay ra trao hạt châu cho Tổ. Tôn giả được cha cho xuất gia. Tổ cho Ngài cắt tóc và nói: “Thầy ta đã từng dự báo riêng, cho hay về tai nạn của ta. Chánh Pháp Nhãn Tạng, nay ta truyền cho ngươi.” Sau khi đắc Pháp, tôn giả ẩn thân nơi hang núi. Có quốc vương Thiên Đức thỉnh tôn giả về cúng dường. Về sau, thái tử Đức Thắng lên ngôi, tin theo ngoại đạo, gây khó khăn cho Ngài và tấm y phải đưa ra cho vua coi. Vua sai lấy lửa đốt y, năm mầu y hiện ra tươi đẹp, đốt xong, củi lửa tắt mà tấm y vẫn nguyên lành như cũ. Vua biết lỗi, tạ tội. Sau, Ngài truyền lại pháp và y cho Mật-Đa rồi thị hiện thần biến, hóa phép ra lửa để tự thiêu. Xá-lợi xếp lên cao chừng một thước.
Tán viết:
Vị xuất môn tường
Huyền châu dĩ ác
Truyền thử tín y
Hóa bị mông tộc
Hoạn nạn bất xâm
Hỏa đoán kim dục
Thắng vương truy hối
Pháp tràng cao trác[1]
Dịch:
Còn trong bụng mẹ
Đã nắm hạt châu
Y bát làm tin
Độ hàng mông muội
Tai nạn chẳng hại
Lửa nung vàng sáng
Vua Thắng hối lỗi
Cờ pháp cao vút.
Hoặc thuyết kệ viết:
Mẫu mộng thần kiếm sản kỳ nam
Tả quyền khẩn ác Tổ ý huyền
Hoàn ngã châu lai Phật tiếp dẫn
Kim nhữ cấp khứ hà đạo truyền
Dự ngôn pháp nạn tu thừa thọ
Hỏa thiêu tín y mạc đạn phiền
Bách thiên tam muội thường du hý
Xá lợi doanh xích khế chân nguyên.[2]
Dịch:
Giấc mơ thần kiếm đẻ kỳ nam
Tay nắm chẳng buông, ước vẹn toàn
Trả lại châu ta, tuồng Phật dẫn
Hãy mau gánh vác pháp tâm truyền
Dự tin pháp nạn lo thừa lãnh
Lửa đốt tín y chớ não phiền
Tam muội ba ngàn tùy biến hóa
Thước cao xá lợi đúng chân nguyên
Giảng:
Tôn giả Kế Tân quốc nhân : Tổ sư đời thứ 25 là tôn giả Bà-Xá-Tư-Đa. Ngài là người nước kế Tân.
Sơ, mẫu mộng đắc thần kiếm, nhân nhi hữu dựng: Số là trước đó, bà mẹ Ngài nằm mộng thấy có được một thanh kiếm thần rồi sau đó bà mang thai. Quý vị nghĩ thử coi, chuyện này là thật hay giả? Bảo là thật nhưng lại là chuyện trong giấc mộng. Còn như bảo là giả thì nhân đó mà bà thực sự mang thai. Gọi là giấc mộng, nhưng nếu sự việc diễn ra một cách rõ ràng, thật là minh bạch, thần thức thì tỉnh táo, không hề bị hôn mê, như vậy có thể coi đó là một chân mộng, một giấc mộng thực sự; thực cũng là mộng mà mộng cũng là thực. Dù chúng ta tin là thực hay không tin là thực, cái đó vẫn là một giấc mộng.
Ký đản, quyển kỳ tả thủ: Khi tôn giả sanh ra, bàn tay trái của Ngài nắm chặt, không mở và cứ giữ như vậy hoài, dù làm cách nào bàn tay cũng không chịu mở ra. Không ai làm gì được cả! Cũng là một điều lạ, bàn tay của một em bé mà lại có sức lực nắm chặt như vậy. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng muốn cho bàn tay mở ra bình thường, cha mẹ của cậu bé chắc đã tìm đủ hết cách, vậy mà chẳng thấy công hiệu chút nào. Cho tới năm tôn giả 20 tuổi . . .Phụ dẫn kiến Sư Tử Tổ, vấn kỳ cố: Cha của Ngài dẫn Ngài đến yết kiến Tổ Sư -Tử, tức vị Tổ sư đời thứ 24, để hỏi duyên cớ tại sao như vậy.
Tổ tức dĩ thủ tiếp viết: “Khả hoàn ngã châu.”: Mục đích cha của Ngài đến hỏi Tổ là muốn biết rõ căn nguyên vì sao đứa con mình lại nắm chặt bàn tay như vậy. Tổ không trả lời về vụ đó, chỉ giơ tay ra trước mặt tôn giả như có ý đòi lại một vật gì và nói rằng: “Ngươi lấy hạt bảo châu trả lại cho ta đi!” Tôn giả cự khai thủ phụng châu: Chữ ‘cự’ ở đây nghĩa là mau lẹ, tức là tôn giả Bà-Xá-Tư-Đa xòe ngay bàn tay ra rất lẹ, đưa hạt châu dâng lên Tổ Sư Tử.
Quý vị nghĩ thử coi! Tổ Sư Tử vốn đã biết rõ trong tay cậu bé có nắm giữ hạt châu của Tổ. Hạt như ý châu đó có phải do tôn giả Bà-Xá-Tư-Đa đã lấy trộm chăng? Không phải đâu! Đây là một vụ thọ ký. Hai bên đã từng giao ước từ kiếp xưa, giao ước rằng: “Ngươi giữ trong tay hạt châu này rồi đầu thai ra đời tại nơi đó; về phía ta cũng sẽ đi tới chỗ hẹn, đòi lại hạt châu; lúc bấy giờ ngươi bèn mang trả lại hạt châu cho ta, có như vậy cha ngươi mới chịu cho ngươi xuất gia, bằng không họ sẽ giữ ngươi lại, không chấp thuận cho ngươi đi. Vậy chúng ta hãy dùng phương pháp này, khi ta đòi hạt châu, ngươi xòe bàn tay ra, đưa hạt châu cho ta!”
Điều rõ ràng là chỉ có phương pháp đó mới khiến cho vị thân sinh của tôn giả phải tìm tới Tổ vì chỉ có Tổ mới biết rõ ngọn ngành tại sao đứa bé sanh ra mà bàn tay cứ nắm chặt như vậy.
Toại xả xuất gia: Khỏi cần nói là sau khi chứng kiến chuyện kỳ lạ sẩy ra - Tổ vừa chìa tay ra đòi thì tôn giả mở ngay bàn tay dâng hạt châu cho Tổ - người cha liền chấp thuận cho con xuất gia, bởi cha Ngài thấy rõ hai bên đã có tiền duyên với nhau.
Tổ vị thế độ viết: Tổ cho tôn giả cắt tóc và nói “Ngô sư mật hữu huyền ký: Thầy của ta là Tổ đời thứ 23 đã từng nói riêng với ta. “Huyền ký” nghĩa là lời dự đoán, một sự báo trước, báo trước rất lâu chuyện gì sẽ sẩy ra; tới đúng thời điểm sẽ thấy linh nghiệm. Huyền ký điều gì vậy? Duy nạn: Bảo rằng, trong tương lai, trên đường hoằng pháp ta sẽ gặp một tai nạn. Tuy nhiên, chuyện đó không gấp gáp gì. Chánh Pháp Nhãn Tạng, chuyển phó dữ nhữ.”: Nay ta hãy truyền lại pháp lớn cho ngươi, đó là pháp giáo ngoại biệt truyền, thực tướng vô tướng, dĩ tâm ấn tâm, bất lập văn tự.(Chú 1)
Đắc pháp hậu tiềm ẩn sơn cốc: Sau khi đắc Pháp, tôn giả Bà-Xá-Tư-Đa liền đi vào núi, lánh mình để tu hành, không gặp mọi người. Quốc vương Thiên Đức, nghinh thỉnh cúng dường: Vào thời bấy giờ, quốc vương Thiên Đức trị vì nước đó, đi vào núi thỉnh tôn giả về cung vua để cung dường.
Hậu vương thái tử Đức Thắng tức vị: Về sau, thái tử là Đức Thắng lên ngôi kế vị vua cha. Tín ngoại đạo pháp, trí nạn tôn giả: Không tin Phật pháp, lại tin theo ngoại đạo. Hiện nay rất nhiều người tin theo ngoại đạo, điều này không có gì lạ. Nhân hồi đó đã sớm có pháp của ngoại đạo, vua Đức Thắng lại tin theo các pháp đó nên đã tìm cách gây khó khăn cho tôn giả, bảo rằng vị thầy của tôn giả là Tổ Sư Tử đã từng gặp nạn do vua bắt tội, vậy đâu có khả năng gì mà truyền pháp cho tôn giả.Xuất y thị chi: Tôn giả Bà-Xá-Tư-Đa đưa ra cho vua Đức Thắng coi y bát của Phật truyền lại.
Vương mệnh phần y, ngũ sắc tướng tiên, tân tận như cố: Nhà vua bèn sai người mang tấm y ra đốt nhưng lửa càng mạnh thì mầu sắc của y càng sáng, năm mầu hiện ra đủ, xanh vàng đỏ trắng đen, tới khi thiêu xong, tấm y vẫn nguyên vẹn như khi chưa thiêu vậy.
Vương tức truy hối, trí lễ: Một khi thấy rõ lửa đốt mà y không bị cháy, nhà vua cảm thấy xấu hổ trong lòng, tự biết mình đã có lỗi nên đến trước Tổ đảnh lễ sám hối và thưa với Tổ rằng: “Trước đây con đã lỗi lầm tin theo ngoại đạo, nay xin tôn giả nhận cho con làm đồ đệ để con được quy y Tam bảo”.
Hậu phó pháp y ư Mật Đa: Về sau, Ngài truyền lại y và pháp cho tôn giả Mật Đa.
Tức hiện thần biến, hóa hỏa tự phần: Rồi Ngài thị hiện thần biến, hóa lửa tam-muội để tự thiêu. Khi thiêu xong, người ta thấy cái gì, quý vị đoán thử… Bình địa xá-lợi, khả cao nhất xích: Xá-lợi thâu lượm được rất nhiều, từ mặt đất xếp lên cao tới cả thước. Thử hỏi nếu như Tổ chẳng có công phu thực sự thì làm sao xá lợi lại được nhiều như vậy? Bởi vậy có bài tán thán sau đây...
Bài Tán:
Vị xuất môn tường, Huyền châu dĩ ác: Chưa ra khỏi nhà, mấy chữ này hàm ý nói khi hãy còn trong bào thai, hạt châu như ý đã có sẵn trong bàn tay của tôn giả.
Truyền thử tín y, hóa bị mông tộc: Y bát do đức Phật truyền lại, coi như vật làm tin được xử dụng để độ những dân tộc chưa được giáo hóa.
Hoạn nạn bất xâm, Hỏa đoán kim dục: Tấm y vàng đó không bị hề hấn gì trước mọi tai nạn, cho nên dù vua Đức Thắng có dùng lửa đốt, tấm y vẫn không bị hư hại.
Thắng vương truy hối, Pháp tràng cao trác: Thấy vậy vua Đức Thắng sám hối và từ đó cờ pháp tại nước này lại được dựng lên cao vút.
Lại có kệ rằng:
Các vị Tổ sư vốn không cần chúng ta xưng tán các Ngài, xưng tán cũng được mà không xưng tán cũng được. Xưng tán ư? Các Ngài chẳng được thêm gì, mà phỉ báng thì các Ngài cũng chẳng mất gì, nghĩa là chẳng tăng, chẳng giảm. Có điều, về phía chúng ta, hàng hậu bối, trước những tấm gương đạo đức cũng như về học vấn và trí huệ của các Ngài, chúng ta không khỏi thấy cảm khái trong lòng, phải làm ra mấy câu để tán thán. Ngay khi đến nước Mỹ, tôi đã bắt tay vào việc soạn các bài kệ choTâm Kinh, cứ sau một vài câu hay sau mỗi đoạn, tôi làm 8 câu kệ tụng để tán thán. Về sau, đối với các vị Tổ sư, tôi cũng chỉ làm 8 câu cho mỗi vị. Điều này vốn chẳng cần thiết, nhưng với đạo đức, sự học hỏi và trí huệ của các Tổ sư thì một câu chẳng nói lên hết lòng kính ngưỡng, do đó tâm ý không dừng lại được, và, chẳng quản sự ngu muội của mình, đành phải soạn thành các bài kệ tán. Tôi không gọi đó là những bài thơ, bởi thơ thì phải có âm điệu bằng trắc, phải tuân theo quy củ của luật thơ. Còn đây là kệ tụng, nói cách nào cũng được. Kệ tụng ngày hôm nay là như sau đây…
Mẫu mộng thần kiếm sản kỳ nam: Bà thân sinh tôn giả Bà-Xá-Tư-Đa nằm mộng thấy một cây kiếm thần, nhân đó mà mang thai, rồi sau sanh ra một đứa bé trai kỳ lạ. Điều kỳ lạ ở chỗ nào vậy?
Tả quyền khẩn ác Tổ ý huyền: Khi sanh ra, bàn tay trái đứa bé nắm chặt, đến nỗi không ai có thể mở được nắm tay đó ra. Sự thể này có nguyên do, chính là vì đứa bé vốn đã có sự ước hẹn với Tổ Sư Tử. Tổ ý huyền nghĩa là đã có sự giao ước ngầm từ trước của Tổ. Nếu chẳng phải vậy thì vì cớ gì khi vừa gặp tôn giả, Tổ Sư Tử đã đòi hạt châu? Nếu như hạt châu đó chẳng phải là của Tổ thì vì lẽ gì Tổ lại đòi về? Nếu chẳng có sự giao hẹn giữa hai bên từ năm xưa thì tại sao tôn giả lại xòe bàn tay ngay tức khắc để dâng hạt châu cho Tổ? Chẳng qua đây là một màn diễn xuất mà hai bên, Tổ Sư Tử và tôn giả đã ước định với nhau từ trước, tạo nên cơ hội để cha tôn giả cho con xuất gia theo hầu Tổ, chỉ có kẻ ngoại cuộc là không biết mà thôi! Quý vị có nghĩ như vậy chăng?
Hoàn ngã châu lai Phật tiếp dẫn: Tổ Sư tử vừa đưa tay ra nói câu “ngươi trả lại hạt châu cho ta đi!” thì tức thời cậu trai trẻ mở ngay bàn tay ra rồi dâng hạt châu lên cho Tổ. Đủ hiểu chuyện này bên trong vốn đã có tiền duyên hậu quả của nó rồi, tựa hồ đã có bàn tay Phật dẫn dắt vậy!
Kim nhữ cấp khứ hà đạo truyền: Nay ngươi hãy mau mau hoằng dương Phật pháp! Cấp khứ là ý nói phải xuất gia ngay đi, để có thể đi truyền bá pháp Phật, gánh vác cơ nghiệp của Như Lai, pháp môn truyền tâm ấn của Phật.
Dự ngôn pháp nạn tu thừa thọ: Tổ còn nói trước về pháp nạn sẽ sẩy đến, do quốc vương gây ra và dặn dò tôn giả nhận lãnh kinh nghiệm đó.
Hỏa thiêu tín y mạc đạn phiền: Đốt tín y, chớ sợ hãi! Không có lý do gì để sợ cả, bởi khi ấy sẽ có cảm ứng. Trong tương lai, vì tin theo ngoại đạo, nhà vua sẽ gây khó khăn cho Phật giáo. Gặp hoàn cảnh đó, khi đưa y bát làm tin ra cho coi, nhà vua sẽ sai người lấy lửa thiêu tấm y, nhưng lửa đốt mà y vẫn không bị cháy, khiến cho vua phải sám hối, rồi vì đó mà có tín tâm đối với Phật giáo. Mạc đạn phiền nghĩa là chớ sợ hãi (đạn) mà sanh lòng phiền não (phiền).
Tỷ dụ nếu ta gặp phải hoàn cảnh ‘Ôi! Ta phải làm sao đây?’ thì ta không vì vậy mà sinh lo buồn, bởi người tu hành là cần dẹp bỏ tình thức. Đối với mọi người, ta không dùng tình cảm để mua chuộc ai, trong quan hệ bạn bè thì không có tư tâm, luôn luôn giữ sự thực thà và không có một tình cảm nào khác ngoài sự chân thành; phải kiên quyết đối xử với mọi người như đối xử với chính mình vậy.
Trong lòng ta không nên có ý nghĩ, chẳng hạn như : ‘A! Có người hại mình!’, bởi vì nếu ta không hại người thì người đâu có hại ta. Thản hoặc có người hại ta mặc dù ta không làm điều gì phương hại đến ai, điều này có nghĩa là do nghiệp tội trước đây của ta đã gây ra, nay đem lại hậu quả, nhưng chẳng vì vậy mà ta oán trời trách người, ta không nên oán ai hết, chuyện gì xảy đến ta sẽ nhận lãnh.
Dùng tình thức trong việc cư xử là không đúng! Tình tức là cảm tình, thức là thức tâm. Phàm người tu đạo, không loại trừ ai, không thể lấy cảm tình, cũng không thể lấy thức tâm mà tu tập, chỉ có lấy chân tâm mà tu thôi, nghĩa là lấy cái tâmkhông tranh, không tham, không cầu, không tự tư, không tự lợi, không nói dối, nếu như tu được những cái tâm đó trong mọi hoàn cảnh thì tự nhiên sẽ có sự cảm ứng.
Tuy nhiên, chúng ta lại phải gạt ra ngoài ý niệm muốn có sự cảm ứng. Tu được một hai ngày, không thấy có gì khác lạ, đã vội thối chí : “Ủa! Sao chẳng thấy công hiệu gì? Sao công phu của ta chẳng có chút thành tựu nào vậy?” Quý vị không nên nghĩ có sự thành tựu chóng vánh. Không nên gấp rút, bởi “dục tốc tắc bất đạt”, gấp rút thì không thể thành công. Chỉ nhằm vào cái lợi nhỏ thì việc lớn tất chẳng xong, tóm lại không nên tham điều lợi nhỏ.
Bởi vậy, đối với người xuất gia tại Vạn Phật Thành chúng ta thì lề lối tu học là :
Dưỡng thành đại chuyết phương vi xảo
Học đáo như ngu thủy kiến kỳ [3]
Học khờ dại, học ngu si, học không tính toán, cam chịu thiệt thòi, học trong sự nhẫn nhục, không tranh lấy tiện nghi, học như vậy đó! Không bao giờ dùng mánh lới hay sự lanh lợi của mình để dối người hay để mua chuộc tình cảm của ai. Bởi vậy, những người xuất gia như chúng ta ở đây đều là khờ dại cả; càng khờ dại càng tốt, càng ngu si càng hay. Tại sao vậy? Bởi quý vị đương tu học theo sư phụ của quý vị, mà vị sư phụ đó thì quá khờ dại, khờ dại đến cực điểm! Những gì quý vị học được đều là các pháp khờ dại hết. Mặc dầu hiện nay, nhân loại đã đi vào thời đại không gian, nhưng chúng ta thì vẫn cứ cần cù dụng công, chẳng hề dùng tới các phương pháp khoa học.
Quý vị không thể dùng phương pháp khoa học để áp dụng vào việc tu hành của quý vị được! Quý vị phải tận dụng thời gian của mình, đem hết chân tâm ra tu tập, với một tinh thần không sợ khổ, không sợ khó, không sợ nghèo hèn! Phải thực sự đi ngược lại trào lưu của thế gian! Những gì mà thế gian ưa thích thì chúng ta không ưa thích, thế gian ham thì chúng ta không ham, thế gian mong cầu thì chúng ta không mong cầu. Chúng ta tới đây chẳng phải là để kiếm cái danh, kiếm cái lợi, chẳng phải kiếm cơ hội để xuất đầu lộ diện, những thứ đó đều phải bỏ lại hết!
Chúng ta phải vùi đầu, chịu khổ cực, lặng lẽ mà dụng công. Chúng ta không thể nói chẳng hạn như: ”Ta hãy ra ngoài đời, mang công phu tu này ra bán, kiếm chút tiền chơi!” Không thể có vấn đề mua bán trong việc tu hành được! Không thể bắt chước cái gương của người nào đó, không chịu học cho thuộc cái chữ “không” của người tu. Tên y là Hằng Không mà thực tế lại là “Hằng Bất Không”. Còn tên là Quả Hàng thì kỳ thực là “Quả Bất Hàng” mới đúng.Tuy nhiên, tôi nói chuyện đó là nói ở đây với quý vị. Còn như đối với y, tôi còn bảo y là phải mau mau trở về đi! Chúng ta phải che chở cho y, vì tuy y có điều lầm lỗi, nhưng trong thời buổi này, kiếm được một người như vậy không phải là chuyện dễ. Điều thứ nhất, nói về vấn đề tiền bạc, y quả có giữ giới. Bao lâu nay, đi ra ngoài, y không bị mê mờ vì đồng tiền. Tuy rằng y mắc tật kiêu ngạo, song tôi hy vọng dần dà sẽ có sự sửa đổi, mong rằng Phật và chư vị bồ tát gia hộ khiến cho y tự mình thấy hổ thẹn. Các quý vị, mọi người trong chúng ta hãy giúp đỡ y, không nên vì đó mà tỏ ý khinh khi
Bách thiên tam muội thường du hý: Kể số tam-muội thì nhiều, tính ra tới trăm ngàn loại, tuy nhiên, nếu đã chứng được một tam muội thì hết tất cả các tam-muội đều thông; một thông, tất cả đều thông. Thường du hý là ý nói rằng sự biến hóa của tam-muội diễn ra dễ dàng như trò chơi vậy!
Xá lợi doanh xích khế chân nguyên: Tôn giả Bà-Xá-Tư-Đa để lại rất nhiều xá-lợi. Điều này dễ hiểu vì ngài chẳng phải là người bình thường mà là một nhân vật siêu quần, rất là đặc biệt. Ngài biến hóa ra lửa để tự thiêu và xá-lợi thâu được xếp lên cao tới cả thước. Trên quan điểm Phật giáo, nếu tu hành mà dụng công thực sự thì công phu đó không hề uổng phí. Dĩ nhiên, ở đây chúng ta không kể tới các trường hợp nói khoác lác, nói phóng đại, tới khi kiểm điểm lại thì chẳng có gì gọi là thực chứng. Trong việc tu hành thường ngày, chúng ta không nên dối trá, mà phải thực tâm tu tập cần cù, không màng tới kết quả, thành tựu tới đâu cũng không quan tâm. Khi thời khắc đến, thấy có kết quả thì càng hay, nếu chưa thấy gì thì lại tiếp tục ráng sức, chỉ biết tu, qua đời này kiếp khác, lấy sự hoằng dương Phật pháp làm trách nhiệm của mình.
Đã nhiều ngày qua tôi chưa có dịp hỏi xem trong đầu óc quý vị có nổi lên vọng tưởng gì không? Nay tôi hỏi thử xem ai có ý nghĩ gì? Lúc tôi giảng đến chỗ cậu trai trẻ đưa tay ra dâng hạt châu lên tôn giả, có thể có người nổi lên vọng tưởng đại khái như sau: “Hạt châu đó bây giờ ở đâu rồi?” Cũng có người khác lại nghĩ rằng vì lý do gì tấm y bị lửa đốt mà không bị cháy? Tấm y đó hiện tại ở đâu? Có vị nào có những vọng tưởng như vậy chăng?
Kỳ thực câu chuyện không có gì là kỳ lạ. Hạt châu đó vốn là của Sư Tử Tỳ Kheo giao cho tôn giả Bà Xá Tư Đa năm xưa, bởi vậyTỳ Kheo mới nói câu : “Ngươi trả lại cho ta!” Nếu không phải vậy thì trả lại cái gì? Chẳng phải là nghĩa đó hay sao? Hạt châu của Tỳ kheo cũng tựa như một cây kiếm, có thể biến hóa tùy tiện.
Thật ra dù quý vị có những vọng tưởng gì, tôi cũng không quan tâm, hôm nay tôi chỉ có một điều mong quý vị ghi nhớ là chúng ta không nên lấy tình thức để dụng công, không lấy tình thức để học Phật pháp. Chúng ta phải thực thà lấy chân tâm mà học Phật!
Thượng nhân Tuyên Hóa giảng ngày 11 tháng 9 năm 1981
Chú (1) : Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 24 phó chúc cho Tổ thứ 25 thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục ghi như sau:
Chánh thuyết tri kiến thời
Tri kiến câu thị tâm
Đương tâm tức tri kiến
Tri kiến tức vu câm (kim)[4]
Dịch:
Chính khi nói tri kiến
Tri kiến đều là tâm
Ngay tâm tức tri kiến
Tri kiến là hiện tại
[1]未出門墻 玄珠已握 傳此信衣 化被蒙族
患難不侵 火煅金昱 勝王追悔 法幢高卓
[2]母夢神劍產奇男 左拳緊握祖意懸
還我珠來佛接引 今汝急去荷道傳
預言法難須承受 火燒信衣莫憚煩
百千三昧常遊戲 舍利盈尺契真源
[3] Nuôi dưỡng cái vụng về lớn mới là khéo léo, học đến chỗ ngu si mới thấy cái kỳ diệu.
[4] 正說知見時 知見俱是心
當心即知見 知見即于今